Kasumigaseki thuộc quận Saitama, cách trung tâm Tokyo khoảng một giờ đi xe. Nơi này là một trong số ít CLB golf lâu đời nhất xứ Phù Tang, trong đó sân Đông được giao nhiệm vụ tổ chức cuộc tranh huy chương ở Olympic 2020.
Sân Đông khai trương năm 1929, ban đầu do năm người bản xứ cùng thiết kế. Sau hai năm hoạt động, sân được cải tạo lần đầu bởi kiến trúc sư Anh – C.H Alison. Năm 1932, Kasumigaseki thêm sân Tây đồng thời thành tổ hợp 36 hố đầu tiên ở Nhật.
Mở rộng quy mô không lâu, các green sân Đông hư hại nặng trong một đợt bão tuyết. Vì thế, Ban lãnh đạo sân quyết định làm hai loại green cho cả hai sân để ứng phó thời tiết lẫn kéo dài thời gian phục vụ - green cỏ Korai cho trời ấm, và bent grass khi lạnh.
Đến 1940, chính phủ Nhật yêu cầu dân ngừng chơi golf vì Chiến tranh Thế giới thứ hai. Khi đó, một phần sân Tây được quân đội nước này trưng dụng. Những người chủ sân phải bán vài hố để trang trải chi phí vận hành thời chiến. Phần đất mà họ bán đi chuyển thành đất nông nghiệp. Năm 1945, Kasumigaseki phải đóng cửa. Cuối năm đó, sân về tay Không quân Mỹ.
Năm tiếp theo, mỗi sân trong Kasumigaseki được khôi phục chín hố. Đến 1950, chủ sân mua lại phần đất đã bán thời chiến tranh. Quân đội Mỹ kết thúc bảy năm tiếp quản vào 1952. Từ đó, sân Đông được hoàn trả diện tích 18 hố gốc. Còn sân Tây, được làm mới, khánh thành năm 1954.
Năm 2014, kiến trúc sư lừng danh Tom Fazio nhận nhiệm vụ đại tu sân Đông. Từ đó, Kasumigaseki chỉ một loại green bằng cỏ bent grass cải tiến và Zoysia cho fairway.
Giới golf ngày nay đều công nhận Kasumigaseki là nơi khởi nguồn cho sự bùng nổ về sau của golf Nhật, qua việc đăng cai Canada Cup 1957 - lần đầu sự kiện golf quốc tế danh giá đến châu Á. Giải quy tụ 30 đội, mỗi đội hai tuyển thủ đại diện quốc gia, tranh giải cá nhân và đồng đội theo thể thức đấu gậy qua 72 hố. Riêng nội dung đồng đội lấy tổng thành tích hai thành viên qua bốn vòng để phân định thứ bậc chung cuộc.
Năm ấy, tuyển Mỹ đến Nhật với Sam Snead và Jimmy Demaret trong vai trò ĐKVĐ đồng đội. Cả hai thắng tổng cộng 10 major. Tuy nhiên, họ không thể đánh bại Torakichi Nakamura - Koichi Ono. Dù kém năm gậy sau ngày đầu, đôi chủ nhà vô địch nội dung đồng đội ở điểm -19 (tổng 557 gậy), còn cặp ngôi sao Mỹ về nhì, cách đến chín gậy. Nakamura về nhất cá nhân, cách bảy gậy so với Snead, Gary Player.
Giới truyền thông bản xứ đã rầm rộ đưa tin suốt giải. Ngày bế mạc ghi nhận gần 12.000 khán giả Nhật vào Kasumigaseki xem đội nhà thi đấu.
Về sau, Snead về sau là huyền thoại, cùng Tiger Woods giữ kỷ lục 82 danh hiệu PGA Tour còn Player thành tượng đài golf thế giới với 24 chức vô địch đấu trường Mỹ, tính cả chín major.
Sau Canada Cup, Kasumigaseki nhiều lần đăng cai các sự kiện thuộc đấu trường nam nữ chuyên nghiệp trong nước. Đến 2010, nơi này ghi nhận thắng lợi nghiệp dư danh giá đầu tiên trong sự nghiệp của Hideki Matsuyama - tân vô địch Masters ngày nay. Năm ấy, Asia-Pacific Amateur Championship lần đầu về Kasumigaseki, còn Matsuyama được vào tranh tài qua suất đặc cách cho chủ nhà.
Và thời cơ đó lại thành bệ phóng cho Matsuyama. Anh thắng trên sân Tây với cách biệt năm gậy, sau đó được vé dự Masters lừng danh vào năm sau. Ở major độc quyền của sân Augusta National par72, Matsuyama ẵm giải "Golfer nghiệp dư hay nhất", chủ yếu nhờ 68 gậy vòng áp chót.
"Tôi chẳng bao giờ quên vòng đấu đó. Nó mang lại cho tôi niềm tin ở golf đỉnh cao", Matsuyama hồi tưởng quá khứ trong buổi tiếp giới truyền thông sau lễ đăng quang Masters 2021 hồi tháng Tư. Anh thắng major này ở điểm -10.
Golf ở Tokyo 2020 sẽ khởi tranh từ sáng 29/7 trên sân Đông Kasumigaseki, trong đó tuyển thủ chủ nhà Rikuya Hoshino được vinh dự phát bóng khai cuộc lúc 7h30 địa phương, còn át chủ bài Matsuyama xuất phát sau đó 70 phút. Danh sách tranh huy chương gồm 120 đấu thủ, chia đều cho nội dung nam và nữ.
Hiện nay, Nhật chỉ đứng sau Mỹ về hạ tầng lẫn quy mô thị trường golf. Họ có 3.140 sân - thống kê 2021 từ Royal & Ancient (R&A), với tổng doanh số hơn 2 tỷ USD, theo Golf Digest. Trong khi đó, nghiên cứu chung từ Golf DataTech và Viện nghiên cứu Yano cho biết Nhật chiếm 22% tỷ trọng kinh tế golf thế giới.
Quốc Huy (theo PGA Tour)