Công nghệ này bao gồm một buồng chắn bằng nhựa trong có bánh xe, được kéo bởi ô-tô. Antonio Dal Monte - cựu Giám đốc Khoa học và Trưởng khoa Sinh lý & Cơ sinh Viện Khoa học Thể thao trực thuộc Ủy ban Olympic Quốc gia Italy (CONI) - phát minh phương pháp này năm 1987, khi được giao nhiệm vụ tìm cách giúp các VĐV chạy nước rút cải thiện tốc độ.
Vì nhiều lý do, dự án của Dal Monte cuối thập niên 1980 phải tạm gác, và mới được CONI cho khởi động lại cách đây vài năm. Trên nền tảng sáng chế của Dal Monte năm xưa, các nhà khoa học thể thao của CONI tiếp tục phát triển, nghiên cứu và điều chỉnh lại công nghệ tập luyện kể trên theo tiêu chuẩn hiện đại.
Dù được tinh chỉnh, về cơ bản, công nghệ này vẫn bao gồm buồng chắn kín ba mặt di động, trong đó có lắp thiết bị thanh quang điện tử, camera thu nhỏ, cảm biến đo tốc độ và chỉ thị laser - được kéo bởi chiếc xe Toyota C-HR - nhãn hàng là đối tác của CONI.
Theo tốc độ được tính toán và thiết lập trước, các VĐV sẽ chạy ngay sau buồng chắn này để phục vụ cho việc nghiên cứu, nhằm cải thiện hiệu suất thi đấu. Nhờ buồng chắn làm giảm đáng kể lực cản khí động học, tức lực cản của gió, VĐV có thể chạy nhanh hơn so với điều kiện bình thường. Ảnh hưởng của lực khí động học được đánh giá ở tốc độ 13 mét mỗi giây.
Marcell Jacobs là một trong những VĐV Italy đầu tiên được trải nghiệm phương pháp này. Sau buổi tập trên sân Stadio dei Marmi, Rome hồi tháng Tư, chân chạy này đã nói: "Tôi đã trải qua buổi tập rất tốt. Tôi chạy đơn giản và rất nhanh. Khi một VĐV có phong độ đỉnh cao, tập luyện với công nghệ này sẽ mang lại nhiều lợi thế. Bạn không thấy lực cản của gió nhưng lại cảm giác như có sức hút giúp mình chạy nhanh hơn. Đây là phương pháp tập luyện hữu ích, cả về kỹ thuật lẫn tốc độ".
Việc áp dụng công nghệ tập luyện hiện đại này giúp Jacobs làm nên lịch sử tại Olympic Toyko 2020. Trước giải đấu, Jacobs gần như vô danh. Một nhà cái tại Las Vegas đặt tỷ lệ 1 ăn 30 cho khả năng chân chạy gốc Mỹ chiến thắng. Nhưng anh đã đánh bại những ứng cử viên sáng giá để giành HC vàng cự ly danh giá 100m nam với thành tích 9 giây 80. Người bị Jacobs vượt qua trong vài mét cuối, HC bạc người Mỹ Fred Kerley, thừa nhận không biết gì về đối thủ.
Khi được phóng viên Corriere dello Sport hỏi về việc áp dụng công nghệ ảnh hưởng thế nào đến phong độ của Jacobs tại Olympic, giáo sư Dal Monte trả lời: "Điều này rất khó nói. Nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố. Chúng ta đang nói về môn thể thao mà kết quả được phân định chỉ bằng vài % giây, và còn phụ thuộc vào thể trạng VĐV, yếu tố ngoại cảnh, và việc VĐV đó có đạt phong độ cao nhất hay không nữa". Bản thân nhà khoa học thể thao sắp sang tuổi 90 cũng tỏ ý bất ngờ khi Jacobs đoạt HC vàng ở Tokyo 2020. "Tôi biết sớm muộn gì kỳ tích cũng sẽ đến thôi, nhưng không ngờ cậu ấy thành công đến vậy", Dal Monte nói thêm.
Chiến thắng của Jacobs đồng nghĩa với việc lần đầu tiên sau 12 năm, Olympic có chủ nhân mới của chiếc HC vàng 100m, sau thời kỳ thống trị của Usain Bolt. Thành tích 9 giây 80 của Jacobs cũng là thông số tốt thứ ba trong lịch sử nội dung 100m nam tại Olympic. Cả hai thành tích tốt hơn Jacobs đều thuộc về huyền thoại Bolt: 9 giây 63 tại London 2012 và 9 giây 69 tại Bắc Kinh 2008.
Hôm nay 5/8, Jacobs sẽ thi đấu nội dung thứ hai tại Tokyo 2020, khi cùng đội tiếp sức nam Italy tranh tài ở Heat 2 vòng loại 4x100m tiếp sức, lúc 9h39. So về thành tích tốt nhất trong năm 2021 (Season Best), đội tiếp sức nam Italy đang có phần lép vế, khi chỉ đứng thứ tư trong Heat 2, với 38 giây 45, kém Đức (SB 38 giây 32), Canada và Trung Quốc (cùng có SB 38 giây 29).
Hồng Duy