Thực trạng của sân Mỹ Đình đã nhiều lần được đặt ra. Gần nhất ở trận Việt Nam - Australia tại vòng loại thứ ba World Cup 2022 - khu vực châu Á. Sau trận, HLV đội khách Graham Arnold công khai chê mặt sân kém chất lượng, còn nhiều CĐV của họ gọi đây là "bãi cỏ bò gặm dở" và nghi ngờ chủ nhà cố tình làm vậy để phá lối chơi của Australia.
Vì vậy, Chủ tịch CLB Hải Phòng Văn Trần Hoàn đã đề xuất lấy sân Lạch Tray thay sân Mỹ Đình tổ chức các trận đấu sắp tới của đội tuyển Việt Nam.
Được hỏi về vấn đề này chiều 17/9, Phó giám đốc Khu liên hợp thể thao quốc gia Mỹ Đình Trần Văn Chiên chia sẻ với VnExpress: "Họ nghĩ đơn giản quá. Tổ chức trận đấu không chỉ mỗi mặt sân. Sân Mỹ Đình có hơn 300 phòng chức năng. Riêng trận Australia, chúng tôi phải mở cửa gần 100 phòng. Sân Lạch Tray mới được cải tạo lại mặt cỏ, nhưng có rất ít phòng chức năng, khó đáp ứng yêu cầu của Liên đoàn Bóng đá châu Á AFC. Bên cạnh đó, họ cũng không có hai sân tập đáp ứng tiêu chuẩn FIFA".
Về chất lượng mặt cỏ Mỹ Đình, ông Chiên khẳng định sân vẫn được chăm sóc đều đặn trong khả năng có thể, không phải để cho xuống cấp. "Tôi nói không phải để thanh minh, nhưng sân không đến nỗi quá tệ. Tất nhiên, nếu so với các sân được đầu tư tiền tấn như của Nhật Bản, Hàn Quốc hay Saudi Arabia thì làm sao bằng được. Còn so với khu vực Đông Nam Á thì không tệ. Chúng ta cũng phải hiểu rằng sân được xây gần 20 năm rồi", ông cho biết. "Trước trận Australia, AFC cử người tới đánh giá mặt sân đạt chất lượng mới cho tổ chức. Tuy nhiên, Australia yêu cầu cắt thêm cỏ ngay buổi sáng trước trận nên khi lên truyền hình, mặt sân không xanh như vốn có".
Ông Chiên nói thêm: "Còn về việc cải tạo mặt sân, thực tế không khó. Quan trọng là tiền đâu? Ngân quỹ bây giờ không còn gì cả. Khu liên hợp này tự chủ tài chính, nghĩa là tự kinh doanh để nuôi mình. Trước đây, thời Giám đốc Cấn Văn Nghĩa, mỗi năm thu từ 50 tỷ đến 70 tỷ đồng, nhưng tiêu sạch rồi. Khi anh ấy nghỉ, anh Nguyễn Trọng Hổ lên thay vào tháng 7/2020 thì quỹ trống rỗng".
Theo ông Chiên, nguồn chính của Khu liên hợp đến từ việc cho doanh nghiệp thuê đất. Nhưng vài năm qua, họ phải đóng cửa để phục vụ việc xây trường đua F1 của Hà Nội. Đến khi dự án này xong thì Covid-19 ập đến. "Họ chết thì chúng tôi làm gì còn nguồn thu. Giờ sân chỉ còn cho thuê mấy cái kho để đồ, kiếm mấy triệu. Gần đây có ký hợp đồng cho thuê sân tổ chức đêm hát của Mỹ Tâm giá 900 triệu nhưng dịch hoãn rồi", ông kể.
Sau hơn hai năm, sân Mỹ Đình mới có sự kiện bóng đá, và cho VFF thuê với giá 350 triệu đồng. "Lãnh đạo phía trên giao, đây là nhiệm vụ chính trị. Còn thú thực là tổ chức lỗ. Chúng tôi cho thuê sân, phải trừ thuế hơn 60 triệu đồng, phải bật điện trước trận hai tiếng và sau trận một tiếng, cộng với hai buổi tập cho Việt Nam, một buổi tập cho Australia, thêm buổi tập sân phụ rồi điều hoà tổng, bật bình nước nóng... nên riêng tiền điện đã rất lớn".
Để giải quyết vấn đề "tiền đâu", Ban quản lý đã xây dựng đề án về khai thác tài sản công tại sân Mỹ Đình gửi Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch, nhưng hai năm qua chưa được thông qua. Trong thời gian này, họ chỉ trông chờ việc truy thu tiền sai phạm thời lãnh đạo trước. Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, thời giám đốc Cấn Văn Nghĩa, việc cải tạo đường pitch sân Mỹ Đình bị nâng khống giá, từ 9 tỷ đồng lên 24 tỷ đồng, việc nhập máy làm nóng nước bể bơi từ gần một tỷ đồng lên 7 tỷ đồng... Thanh tra Chính phủ đề xuất Bộ và Khu liên hợp làm việc với nhà thầu để truy thu nhưng chưa được triển khai.
Ngoài việc không có tiền bảo dưỡng sân, đời sống cán bộ nhân viên Khu liên hợp cũng đang lao đao. 135 cán bộ công nhân viên, trong đó nhiều người lương hơn 4 triệu đã phải giảm 50% tháng 8 và tháng 9. Trong những tháng tới, lãnh đạo Khu liên hợp chưa tìm được nguồn thu để duy trì lương.
Lâm Thoả