Thủ tướng Benjamin Netanyahu hôm 5/5 đưa ra những lời chỉ trích gay gắt với Tòa án Hình sự Quốc tế (ICC), cho rằng cơ quan này đang tìm cách hạn chế "quyền tự vệ" của Israel khi xem xét khả năng phát lệnh bắt ông cùng một số quan chức cấp cao trong chính phủ, quân đội liên quan đến chiến sự Gaza.
"Nếu họ phát lệnh bắt giới lãnh đạo chính phủ và quân đội Israel, đó sẽ là vết nhơ không thể xóa nhòa đối với lý tưởng về công lý và luật pháp quốc tế", ông nói.
Cuộc điều tra của ICC bắt đầu từ tháng 12/2019, khi cơ quan này thông báo đã có đủ bằng chứng để xem xét cáo buộc Israel và các nhóm vũ trang Palestine, trong đó có Hamas, phạm tội ác chiến tranh ở Bờ Tây, Đông Jerusalem và Dải Gaza trong cuộc chiến năm 2014, cũng như các vụ bạo lực gần biên giới Israel - Gaza năm 2018.
Đến tháng 3/2021, công tố viên trưởng ICC khi đó là Fatou Bensouda mở cuộc điều tra với cả Israel và Hamas, nhưng chưa công bố kết luận. Khi Israel mở chiến dịch tấn công Dải Gaza để đáp trả cuộc tập kích của Hamas vào lãnh thổ nước này hồi tháng 10/2023, ICC không công bố thông tin nào mới về cuộc điều tra.
Tuy nhiên, khi Bangladesh, Bolivia, Comoros, Djibouti và Nam Phi tố cáo Israel có hành vi "diệt chủng" ở Gaza của Israel vào cuối năm ngoái, công tố viên trưởng ICC đương nhiệm Karim Khan thông báo mở rộng phạm vi điều tra, xem xét cả chiến sự Israel - Hamas ở Gaza.
ICC đến nay vẫn chưa hoàn tất điều tra, nhưng truyền thông Israel gần đây đưa tin tòa án này có thể đang chuẩn bị phát lệnh bắt Thủ tướng Netanyahu, Bộ trưởng Quốc phòng Yoav Gallant và tham mưu trưởng quân đội Herzi Halevi. Giới chức Israel lo ngại lệnh bắt có thể được ICC công bố trong vài ngày tới và đã kêu gọi Mỹ gây sức ép lên tòa án.
ICC chưa từng phát lệnh bắt với lãnh đạo một quốc gia dân chủ theo kiểu phương Tây nào và ông Netanyahu có thể là người đầu tiên. Do đó, Israel rất lo ngại về khả năng nước này sẽ bị kỳ thị và cô lập nếu quyết định như vậy được ban bố, theo giới quan sát.
ICC được thành lập năm 2002 và trụ sở tại The Hague, Hà Lan. Đây là tòa án thường trực để truy tố cá nhân phạm tội ác diệt chủng, chống lại loài người và tội ác chiến tranh. Israel không tham gia Quy chế Rome, hiệp ước thành lập ICC, do đó không công nhận thẩm quyền của tòa. Mỹ, đồng minh của Israel, và Nga từng tham gia ICC nhưng sau đó đã rút lui.
Dù Israel không gia nhập ICC, tòa án này có thể điều tra những tội ác được thực hiện trên lãnh thổ thành viên, trong đó có Nhà nước Palestine tham gia Quy chế Rome từ năm 2015. Bởi vậy, ICC có thẩm quyền truy tố và phát lệnh bắt với bất kỳ ai liên quan tội ác ở Gaza hay Bờ Tây.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng quyết định truy tố của ICC sẽ liên quan chính sách "vũ khí hóa thực phẩm" của Israel khiến dân thường ở Gaza sống trong cảnh thiếu đói, cũng như việc Hamas bắt cóc con tin Israel trong cuộc tập kích ngày 7/10/2023.
"Đây là các cáo buộc dễ dẫn tới những lãnh đạo cấp cao liên quan của cả hai bên nhất", Adil Haque, giáo sư luật tại Đại học Rutgers, bang New Jersey, Mỹ, nói.
Ông Netanyahu tuyên bố bất kỳ lệnh bắt nào từ ICC cũng không ảnh hưởng đến các quyết định của Israel. Lãnh đạo Israel khẳng định "sẽ không bao giờ chấp nhận nỗ lực từ ICC nhằm làm suy yếu quyền tự vệ vốn có" của nước này.
Israel biện hộ cho chiến dịch ở Gaza là hành động tự vệ. Tuy nhiên, nước này sau đó đối mặt áp lực gia tăng từ cộng đồng quốc tế, do gây thương vong lớn cho dân thường và đẩy khu vực cận kề khủng hoảng nhân đạo. Nam Phi cuối tháng 12/2023 đệ đơn kiện Israel lên Tòa Công lý Quốc tế (ICJ), cáo buộc Israel có hành động "diệt chủng" tại Dải Gaza, điều mà Tel Aviv bác bỏ.
ICJ, cơ quan tư pháp tối cao của Liên Hợp Quốc, đứng ra giải quyết những khiếu nại pháp lý giữa các quốc gia về cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế. Phán quyết của ICJ, trụ sở The Hague, mang tính ràng buộc, nhưng cơ quan này không có phương thức đảm bảo thực thi phán quyết.
Giới chuyên gia tin quyết định truy tố từ ICC sẽ làm suy yếu hơn nữa tính hợp pháp trong chiến dịch của Israel tại Gaza, khiến quan hệ giữa Tel Aviv với các đồng minh châu Âu là thành viên ICC trở nên phức tạp. "Đây là thời khắc quan trọng với chính ICC, Israel và đồng minh của nước này", theo Hugh Lovatt, chuyên gia về quan hệ Israel - Palestine tại Hội đồng Đối ngoại châu Âu.
Ngoại trưởng Israel Israel Katz ngày 28/4 lưu ý các đại sứ quán của nước này trên thế giới cần lập tức củng cố an ninh, chuẩn bị ứng phó "làn sóng bài Do Thái nghiêm trọng" nếu ICC phát lệnh bắt các lãnh đạo chính phủ và quân đội Israel.
Trong ba lãnh đạo Israel nguy cơ bị ICC nhắm đến, Thủ tướng Netanyahu sẽ gặp nhiều thách thức nhất, bởi ông đang phải đối mặt cáo buộc tham nhũng và thất bại trong đảm bảo an ninh quốc gia.
"Toàn bộ cách giải thích của Israel về xung đột Gaza có nguy cơ sụp đổ", Alonso Gurmendi Dunkelberg, chuyên gia luật quốc tế tại Đại học King’s College London, Anh, nhận định. "Khi đi sâu vào tranh luận, bạn sẽ thấy Israel bị kiện ở ICJ vì diệt chủng, rồi sau đó là ICC. Cách diễn giải của Israel không còn vững chắc".
Theo Lovatt, lệnh bắt của ICC với lãnh đạo Israel còn đẩy đồng minh của Tel Aviv ở châu Âu vào thế khó. Họ sẽ phải cân bằng giữa quan hệ với Israel và lập trường ủng hộ trật tự thế giới dựa trên luật pháp.
Nếu bị ICC phát lệnh bắt, Thủ tướng Netanyahu có thể bị cấm đặt chân đến Liên minh châu Âu, bởi toàn bộ thành viên khối về lý thuyết sẽ phải thực thi lệnh của tòa theo nghĩa vụ trong Quy chế Rome.
"Hơn 120 thành viên ICC có nghĩa vụ bắt đối tượng trong lệnh bắt nếu họ đặt chân đến lãnh thổ", theo Haque. "Ngoài ra còn có lập luận cho rằng bất kỳ nước nào, dù không phải thành viên ICC, cũng có thể bắt người theo lệnh của tòa".
Chuyên gia Lovatt chỉ ra rằng các nước EU đã ủng hộ ICC phát lệnh bắt Tổng thống Nga Vladimir Putin với cáo buộc di chuyển bất hợp pháp trẻ em Ukraine, nên họ sẽ phải làm điều tương tự với ông Netanyahu.
"Làm sao họ có thể phản đối hay chỉ trích quyết định truy tố giới chức Israel?", Lovatt đặt câu hỏi. "Nếu bảo vệ Israel, họ chỉ khiến các quốc gia khác thêm chắc rằng phương Tây đang áp dụng tiêu chuẩn kép, từ đó làm xói mòn trật tự luật pháp thế giới".
Đồng minh thân cận của Israel như Anh, Đức, Pháp có thể từ chối thực hiện lệnh bắt, nhưng điều này sẽ làm suy giảm nghiêm trọng uy tín của ICC, Dunkelberg bổ sung.
Đây không phải chuyện chưa từng xảy ra. Năm 2009, ICC truy tố cựu tổng thống Sudan Omar al-Bashir, nhưng các nước châu Phi từ chối thực hiện lệnh bắt. Châu Âu khi đó cũng chỉ trích châu Phi vì không thực hiện nghĩa vụ theo Quy chế Rome.
"Một số quốc gia sẵn sàng coi thường nghĩa vụ của mình với ICC", Davis Bosco, giáo sư Đại học Indiana, Mỹ, nói với Washington Post. "Đây rõ ràng là vấn đề gây tranh cãi bất cứ khi nào nó xuất hiện".
Mỹ, dù không còn tham gia ICC, đang có xu hướng sẵn sàng phối hợp với tòa hơn từ khi Nga mở chiến dịch ở Ukraine, theo Mark Ellis, giám đốc điều hành Hiệp hội Luật sư Quốc tế. "Thái độ ủng hộ này có thể kết thúc nếu lệnh bắt ông Netanyahu được công bố. Tất nhiên, đây không phải lý do để ICC không phát lệnh bắt, nhưng các mối quan hệ ngoại giao sau đó sẽ bị điều chỉnh đáng kể".
Như Tâm (Theo Washington Post, Al Jazeera)