Cả Trung Đông và Mỹ đang chờ đợi phản ứng của Iran đối với vụ sát hại lãnh đạo chính trị Hamas Ismail Haniyeh tại Tehran hôm 31/7. Lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei tuyên bố nước này "có nghĩa vụ trả thù cho ông ấy", đồng thời cảnh báo Israel "hãy chuẩn bị nhận hình phạt thảm khốc".
Truyền thông Mỹ dẫn lời ba quan chức Iran giấu tên, trong đó có hai thành viên Vệ binh Cách mạng Hồi giáo (IRGC), nói rằng mệnh lệnh "tấn công trực tiếp vào Israel" được lãnh tụ tối cao Khamenei đưa ra trong cuộc họp khẩn của Hội đồng An ninh Quốc gia Tối cao hôm 31/7. Israel tới nay không thừa nhận cũng không bác bỏ cáo buộc liên quan vụ ám sát Haniyeh.
Israel không chỉ phải đối mặt với cơn thịnh nộ từ Iran, mà còn từ lực lượng Hezbollah ở Lebanon, nơi quân đội nước này hôm 30/7 mở cuộc tấn công bằng tên lửa chính xác nhắm vào Fuad Shukr, chỉ huy quân sự cấp cao Hezbollah, ở Beirut.
Cuộc tập kích hạ sát Shukr có nhiều nét tương đồng với đòn tấn công nhằm vào Haniyeh, theo Stephen Ganyard, cựu đại tá thủy quân lục chiến kiêm cựu phó trợ lý ngoại trưởng Mỹ.
Ganyard nhận định các vụ hạ sát liên tiếp nhằm vào Haniyeh và Shukr có nguy cơ dẫn đến một cuộc xung đột "toàn diện" trong khu vực vốn đã bất ổn, hoặc có thể là một phần trong kế hoạch lớn hơn nhằm leo thang căng thẳng với Hezbollah và Iran đến mức họ phải đi tới quyết định cùng Israel giải quyết dứt điểm tình hình chiến sự ở Gaza.
Theo Ganyard, dù bên ám sát Haniyeh là ai, họ cũng cho thấy đang nắm giữ nguồn thông tin tình báo giá trị cao trong lòng Iran đến mức họ nắm rõ thủ lĩnh Hamas đang ở trong phòng nào trong nhà khách ở ngoại ô thủ đô Tehran. Họ cũng cho thấy ưu thế công nghệ quân sự vượt trội so với Iran, khi tên lửa có thể lao thẳng vào cửa sổ phòng ngủ một thượng khách mà lực lượng phòng không nước này không thể ngăn chặn.
"Câu hỏi đặt ra hiện nay là Iran có chọn con đường chiến tranh vì một lãnh đạo Hamas bị ám sát trên lãnh thổ của họ hay không? Ít nhất vẫn còn những tia hy vọng rằng họ sẽ không làm như vậy", ông nói. "Nhưng họ vẫn sẽ phải trả đũa theo cách nào đó, vì rõ ràng vụ ám sát là một cái tát vào thể diện của Iran".
Tahani Mustafa, chuyên gia cấp cao tại tổ chức tư vấn International Crisis Group, cũng có chung nhận định. "Không ai muốn chiến tranh, và Iran cũng vậy. Họ đã thể hiện điều đó rất rõ ràng trong 9 tháng qua", Mustafa nói. "Không ai muốn hứng chịu hậu quả của một cuộc chiến tổng lực với Israel, kể cả lực lượng Hezbollah ở Lebanon".
Theo Mustafa, Iran buộc phải đáp trả ở một mức độ nào đó để phát thông điệp tới Israel. "Nếu họ không vạch ra lằn ranh đỏ, nếu không có động thái nào ngăn Israel được đà lấn tới, Tel Aviv sẽ làm bất cứ điều gì họ muốn", ông nói.
Ganyard nhận định phản ứng của Iran sẽ không đi quá xa, đến mức châm ngòi một cuộc chiến tranh toàn diện với Israel, vì Haniyeh về bản chất "không phải người của họ", lưu ý rằng Hamas là một tổ chức Hồi giáo dòng Sunni, trong khi giới lãnh đạo Iran theo dòng Shiite.
"Vậy bạn có thực sự muốn bắt đầu một cuộc chiến tranh tổng lực với Israel vì một ai đó từ lực lượng ủy nhiệm hay không?", ông đặt vấn đề.
Hamas là một phần trong "Trục Kháng chiến" do Iran hậu thuẫn nhằm chống lại ảnh hưởng của Israel và Mỹ ở Trung Đông. Tuy nhiên, lực lượng này không đóng vai trò quan trọng như Hezbollah ở Lebanon. Sự ủng hộ của Iran với Hamas đến nay chủ yếu dừng lại ở các thông điệp. Nước này từng ca ngợi cuộc đột kích của Hamas vào miền nam Israel tháng 10/2023, nhưng phủ nhận mọi mối liên quan.
Theo Ganyard, phản ứng của Iran có thể tương tự cách mà họ đã thực hiện với Israel hồi tháng 4, khi phóng 300 máy bay không người lái (UAV) và tên lửa về phía các mục tiêu ở Israel để trả đũa cuộc không kích của Tel Aviv tại Damascus, Syria, khiến 7 người thiệt mạng, trong đó có một chỉ huy cấp cao Iran.
"Đòn đáp trả của Iran hồi tháng 4 khá chừng mực, kiểu như 'được rồi, tôi đã phản ứng và nó không gây ảnh hưởng gì tới chúng ta. Hãy dừng lại, ít nhất là làm dịu mọi thứ xuống'", Ganyard nói.
Chuyên gia này cho rằng thông điệp về "nghĩa vụ báo thù" của Iran không đồng nghĩa với một cuộc chiến tranh toàn diện. "Sẽ rất thú vị khi xem điều gì sẽ xảy ra trong lần này và Iran sẽ trả đũa đến mức độ nào? 'Trả thù' thực sự có nghĩa là gì? Họ sẵn sàng đi xa đến đâu với ranh giới đó mà không để xảy ra chiến tranh toàn diện với Israel", ông nói.
Ganyard cho rằng mối đe dọa lớn hơn với Israel là lực lượng Hezbollah ở Lebanon.
"Hezbollah sở hữu khoảng 150.000-200.000 tên lửa đất đối đất mà họ có thể sử dụng để tấn công Israel, trong số đó có cả vũ khí chính xác. Điều này đồng nghĩa toàn bộ cơ sở hạ tầng Israel đều đối diện với nguy cơ bị tập kích", ông cho hay. "Vậy nên, mối đe dọa ở phía bắc, Hezbollah, thực sự là điều khiến Israel lo ngại. Và Hezbollah có sẵn sàng khơi mào cuộc chiến hay không?".
Giới chức Israel cho hay họ đã hạ sát Shukr, chỉ huy quân sự Hezbollah tại Beirut, vì tin rằng ông ta chịu trách nhiệm cho một cuộc tập kích rocket vào sân bóng ở Cao nguyên Golan hồi cuối tuần trước khiến 12 người thiệt mạng, chủ yếu là trẻ em. Shukr cũng bị truy nã vì liên quan đến vụ đánh bom năm 1983 vào một doanh trại thủy quân lục chiến Mỹ tại Beirut, khiến 300 lính Mỹ và Pháp thiệt mạng.
Ganyard nhận định cuộc tập kích rocket được cho là của Hezbollah ở Cao nguyên Golan đã đẩy xung đột giữa nhóm này với Israel "vượt qua lằn ranh đỏ". Hezbollah đã phủ nhận mọi mối liên quan.
"Đưa tình hình đi xa đến đâu thực sự sẽ là câu hỏi dành cho cả Hezbollah và giới lãnh đạo Iran", Ganyard nhấn mạnh.
Vali Nasr, giáo sư về quan hệ quốc tế và nghiên cứu Trung Đông tại Đại học Johns Hopkins, cho rằng cả Iran lẫn Hezbollah, cùng với Arab Saudi, UAE, Ai Cập và Qatar đều muốn đạt được một lệnh ngừng bắn chấm dứt chiến sự ở Gaza.
"Chỉ có một quốc gia không muốn cuộc chiến Gaza chấm dứt ngay lúc này, đó là Israel", ông nói. "Và không ai có ảnh hưởng với Israel hơn là Mỹ".
Chuyên gia này tin rằng đòn đáp trả của Iran sẽ là chất xúc tác thúc đẩy Mỹ gây sức ép lớn hơn với Israel để chấm dứt xung đột. "Mỹ sẽ không thể trông chờ vào sự kiềm chế của Iran và Hezbollah nữa", Nasr nhận định. "Bởi nếu họ đáp trả mạnh bằng quân sự, tình hình sẽ vượt tầm kiểm soát, thành một cuộc chiến lớn hơn rất nhiều".
Một số nhà phân tích cho rằng Iran sẽ nỗ lực lấy lại thể diện của mình bằng cách công khai huy động các lực lượng trong nước và những nhóm mà họ hậu thuẫn ở Trung Đông, như Houthi ở Yemen hay lực lượng Kháng chiến Hồi giáo ở Iraq, để phô trương sức mạnh.
Tuy nhiên, theo giới phân tích, Iran hiện thực sự không có quá nhiều lựa chọn hành động.
"Cách Iran phản ứng trước sự việc xảy ra với lãnh đạo chính trị Hamas sẽ định hình ảnh hưởng của họ với tư cách cường quốc khu vực", nhà phân tích Nick Paton Walsh từ CNN đánh giá. Một cuộc tấn công quy mô nhỏ, bất đối xứng trong vài tuần tới có thể không đủ để vãn hồi uy tín cho Tehran, nhưng hành động quyết liệt hơn lại tiềm ẩn nguy cơ đẩy mọi chuyện vượt khỏi tầm kiểm soát, ông cho hay.
Vũ Hoàng (Theo CNN, ABC News, New Arab)