Ca nhiễm biến chủng Lambda đầu tiên của Philippines là một phụ nữ 35 tuổi song Bộ Y tế chưa xác định liệu bệnh nhân này "ở địa phương hay từ nước ngoài trở về". Bệnh nhân không có triệu chứng và đã hồi phục sau 10 ngày cách ly. Nhà chức trách đang tiến hành truy vết tiếp xúc.
Chủng mới Lambda khiến giới khoa học phải chú ý khi xuất hiện ngày càng nhiều, giữa lúc Delta đe dọa cuộc chiến chống Covid-19 toàn cầu.
Dù con số còn tương đối nhỏ so với số ca nhiễm chủng Delta, nhiều chuyên gia vẫn cảnh giác với biến chủng này. "Tôi nghĩ bất kỳ khi nào một biến chủng được xác định và cho thấy khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng, bạn đều phải lo lắng", tiến sĩ Gregory Poland, giám đốc Nhóm Nghiên cứu Vaccine tại trung tâm y tế học thuật phi lợi nhuận Mayo Clinic ở Mỹ, nói.
Khoảng 29 quốc gia đã ghi nhận ca nhiễm biến chủng Lambda. Nó lần đầu xuất hiện ở Peru vào tháng 12 năm ngoái và được cho có khả năng lây lan chậm. Nhưng sau đó, nó đã tăng tốc và chiếm tới 90% tổng số ca nhiễm ở đây.
Theo Adam Taylor, nhà nghiên cứu về virus mới nổi tại Viện Y tế Menzies thuộc Đại học Griffith ở Queensland, Australia, bằng chứng sơ bộ cho thấy Lambda có thể xâm nhập tế bào con người dễ dàng và né hệ miễn dịch tốt hơn đôi chút, nhưng vaccine vẫn có hiệu quả.
"Dữ liệu sơ bộ về protein gai của Lambda cho thấy nó làm tăng tính lây nhiễm, đồng nghĩa có thể dễ dàng nhiễm bệnh cho tế bào hơn chủng gốc xuất hiện ở Vũ Hán, cũng như hai chủng Alpha và Gamma", ông nói.
Vũ Hoàng (Theo ABS-CBN, news.com.au,CNN)