Mỹ đánh giá cao năng lực y tế của Việt Nam nói chung và đặc biệt trong công tác kiểm soát dịch viêm phổi corona (Covid-19) nói riêng, tin rằng Việt Nam sẽ chống dịch bệnh Covid-19 hiệu quả, giám đốc Văn phòng châu Á - Thái Bình Dương thuộc Bộ Y tế Mỹ Erika Elvander cho biết trong cuộc làm việc với Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ hôm 19/2.
Quan chức Mỹ cũng đánh giá cao hợp tác chặt chẽ của Việt Nam khi thường xuyên chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và hợp tác phòng dịch bệnh. Bộ Y tế Mỹ nhận định Việt Nam đã có các biện pháp toàn diện, quyết liệt và triệt để đối phó với Covid-19, đồng thời sở hữu hệ thống cơ sở y tế về cơ bản tốt và đã triển khai rộng khắp công tác tiêm chủng, phòng bệnh từ lâu nay.
Ông Mitchell Wolfe, Chuyên gia Y tế trưởng thuộc Văn phòng Giám đốc Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát Dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết cơ quan này dự kiến cử đoàn công tác sang Việt Nam trong tháng 3/2020 để trao đổi hợp tác, cũng như chuẩn bị thành lập Văn phòng CDC khu vực tại Việt Nam.
Các cơ quan của Mỹ, trong đó có Trung tâm Nguồn thuốc thử quốc tế (IRR), sẵn sàng chia sẻ với Việt Nam các kết quả nghiên cứu về Covid-19, trao đổi chuyên gia, cung cấp các bộ thử và trang thiết bị bảo hộ cá nhân cho Việt Nam để nâng cao năng lực phòng chống dịch.
Dịch Covid-19 đã xuất hiện tại 30 quốc gia và vùng lãnh thổ sau khi khởi phát tại Vũ Hán, Trung Quốc tháng 12/2019. Toàn thế giới đã ghi nhận 77.672 người nhiễm nCoV, 2.360 người chết, 20.895 người bình phục và 12.071 trong tình trạng nguy kịch.
Việt Nam đã điều trị khỏi 15 trong 16 ca nhiễm bệnh, chỉ còn một bệnh nhân nam ở Vĩnh Phúc đang được điều trị và chưa ghi nhận thêm ca dương tính nCoV nào từ ngày 13/2.
Mỹ hôm qua xác nhận 34 người nhiễm nCoV, trong đó gồm 18 hành khách trên du thuyền Diamond Princess ở Nhật và 3 người tại Vũ Hán được Bộ Ngoại giao Mỹ đưa về nước. Trước đó, CDC chỉ ghi nhận 13 ca nhiễm nCoV trên lãnh thổ nước này.
Quan chức CDC cho biết các nhà khoa học Mỹ đang tích cực nghiên cứu về Covid-19 để tìm hiểu bản chất, cơ chế hoạt động và đề ra biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Một số phòng thí nghiệm của Mỹ đã phát triển vaccine, dự kiến thử nghiệm trên người trong hai tháng tới và có thể đưa ra sử dụng sau 6 tháng đến một năm.
Vũ Anh