Dữ liệu của các công ty điện thoại Italy cho thấy khoảng 40% dân nước này không chấp hành khuyến cáo "ở yên trong nhà" của chính phủ, tờ Corriere della Sera đưa tin. Giới chức vùng Lombardy cũng đang "đau đầu" vì chỉ 60% dân địa phương ở nhà sau lệnh phong tỏa và đang hối thúc họ "triệt để tuân thủ khuyến cáo".
Italy là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng thứ hai thế giới vì Covid-19, với hơn 41.000 ca nhiễm và hơn 3.400 người chết, cao hơn cả Trung Quốc. Miền bắc Italy, đặc biệt là vùng Lombardy, ghi nhận nhiều số ca nhiễm và tử vong vì nCoV nhất cả nước.
Chính quyền trung ương và địa phương Italy cũng chưa thống nhất được quy mô xét nghiệm nCoV tại các vùng dịch. Chính phủ Italy khuyến nghị "chỉ xét nghiệm cho những người có triệu chứng", song giới chức vùng Lombardy quyết định cho xét nghiệm cả các ca nghi nhiễm nCoV chưa có triệu chứng, bao gồm người từng tiếp xúc với bệnh nhân.
"Xét nghiệm người nghi nhiễm là cần thiết để xác định sớm bệnh nhân dương tính với nCoV và đưa họ đi cách ly. Do phụ thuộc vào chính sách, chưa có quyết định cho phép làm xét nghiệm quy mô rộng hơn. Tôi mong giới chức sẽ hành động đúng đắn", tiến sĩ Maria Capobianchi, giám đốc phòng thí nghiệm virus thuộc Viện Các bệnh Truyền nhiễm Quốc gia ở Rome, Italy, nói trong cuộc phỏng vấn ngày 19/3.
Ngoài ý thức chấp hành lệnh phong tỏa của người dân, Italy còn đối mặt với khó khăn khác là những chuyến hàng vật tư y tế phải mất nhiều thời gian hơn để tới nước này khi nhiều quốc gia châu Âu đóng biên để ngăn nCoV. Những đoàn xe xếp hàng nhiều km tại các cửa khẩu, bởi tài xế phải xuống xe để lực lượng biên phòng đo thân nhiệt.
"Tại Italy, cứ 10 ca bệnh lại có một bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt, tình trạng gián đoạn nguồn cung vật tư y tế này là điều không mong muốn. Nhiều địa phương của Italy phải nhận thiết bị y tế từ các nước EU khác. Phải tránh gián đoạn để đảm bảo phân phối đồng đều vật tư y tế đến những nơi đang cần chúng nhất", Capobianchi nói.
Pháp và Đức, hai nền kinh tế hàng đầu trong khu vực, cũng đã đóng biên do đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng bởi Covid-19. Đức ghi nhận hơn 15.300 ca nhiễm và 44 người chết, Pháp xác nhận gần 11.000 người nhiễm, trong đó hơn 370 người đã tử vong. Capobianchi nói việc tái áp đặt các biện pháp kiểm soát biên giới bên trong khối EU giờ không còn hữu ích để dập Covid-19.
"Bài học chúng tôi rút ra từ Trung Quốc là cuộc chiến chống Covid-19 chỉ chấm dứt khi số ca nhiễm nCoV mới liên tục giảm. Điều đó chưa xảy ra tại Italy. Khả năng chữa trị cho các bệnh nhân nặng vẫn là vấn đề nan giải do hạn chế về số giường chăm sóc đặc biệt tại các bệnh viện. Giới chức y tế Italy đang nỗ lực cung cấp thêm giường và thực hiện các dự án khác", Capobianchi nói.
Bà cho biết Trung Quốc đã hỗ trợ cho Italy nhiều vật tư y tế, trong đó có các trang phục bảo hộ để chống Covid-19, cũng như cử nhóm chuyên gia y tế tới nước này truyền đạt kinh nghiệm. "Việc học hỏi từ thành công và sai lầm của các quốc gia khác rất quan trọng", bà cho biết.
Covid-19 khởi phát từ Trung Quốc vào tháng 12/2019, tới nay đã xuất hiện tại 180 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 245.000 ca nhiễm, hơn 10.000 người chết và hơn 88.000 người đã khỏi bệnh.
Nguyễn Tiến (Theo SCMP)