Đại dịch Covid-19 đã gây ảnh hưởng tới nền kinh tế toàn cầu. Riêng tại Mỹ, nó đã cho thấy khoảng cách rõ rệt giữa người giàu và nghèo, cũng như số lượng lớn những người không được đảm bảo sức khỏe và tài chính ngay tại nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Mỹ hiện ghi nhận 1.762 ca nhiễm nCoV, trong đó 41 người đã tử vong. Tuy nhiên, nhiều người dân Mỹ không thể tuân theo chỉ dẫn tự cách ly khi phát hiện triệu chứng nhiễm virus, bởi họ không đủ hoặc không có ngày phép nghỉ ốm hưởng lương nên vẫn phải làm việc để kiếm sống.
"Virus đang gửi thông điệp rất rõ ràng: Toàn bộ người Mỹ đều không an toàn nếu những người nghèo không được tiếp cận các lợi ích cơ bản như chăm sóc sức khỏe và nghỉ ốm", Edward Alden, giáo sư thỉnh giảng trường đại học Tây Washington, nêu quan điểm.
Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 11/3 thông báo các công ty bảo hiểm sẽ thanh toán chi phí xét nghiệm nCoV, nhưng không trả tiền điều trị. Giới chuyên gia cho rằng chính sách này là không đủ và chính quyền Trump cần hành động nhiều hơn.
Nghỉ ốm có lương là một trong những chính sách gây tranh cãi giữa các phe phái chính trị Mỹ suốt nhiều năm nay. Đảng Dân chủ muốn chính sách này trở thành bắt buộc, trong khi phe Cộng hòa cho rằng nó sẽ gây ra gánh nặng thái quá cho các doanh nghiệp.
Dịch bệnh lây lan tại Mỹ buộc hàng loạt sự kiện bị hủy, đồng thời ảnh hưởng tới hàng loạt doanh nghiệp như khách sạn và nhà hàng. Điều này làm những cuộc tranh cãi nóng trở lại, khiến áp lực nhằm vào chính quyền Trump ngày càng gia tăng.
"Chúng ta không thể đối phó nCoV một cách hiệu quả, trừ khi mọi người dân biết rằng họ sẽ được xét nghiệm miễn phí", Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi nói. Bà cho rằng giới chức Mỹ sẽ không thể kìm hãm tốc độ lây lan Covid-19 khi người lao động phải đối mặt với "lựa chọn tồi tệ" là ở nhà để tránh nhiễm nCoV hoặc đi làm kiếm sống và có nguy cơ mắc bệnh.
Đảng Dân chủ đang đề xuất áp dụng chính sách 14 ngày nghỉ ốm có lương cùng tối đa 3 tháng nghỉ vì vấn đề y tế gia đình khẩn cấp, cũng như mở rộng khoản bảo hiểm thất nghiệp cho người dân Mỹ. Các nghị sĩ Cộng hòa phản đối, cho rằng đây là "mơ ước hão huyền".
Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) kêu gọi các công ty áp dụng chính sách nghỉ ốm linh hoạt và "chủ động khuyến khích nhân viên bị ốm nghỉ tại nhà".
"Tôi sẽ sớm thực thi các biện pháp khẩn cấp và chưa từng có tiền lệ để cung cấp hỗ trợ tài chính", Trump nói trong bài phát biểu tại Nhà Trắng tối 11/3, khẳng định những giải pháp này sẽ hỗ trợ người lao động "đang ốm, bị cách ly hoặc phải chăm sóc người khác nhiễm nCoV", nhưng không cho biết chi tiết.
Câu hỏi hiện nay là những biện pháp tạm thời như vậy có được áp dụng dài hạn sau khi đại dịch kết thúc hay không.
Giáo sư Alden cho rằng Covid-19 đã cho thấy các thiếu sót của hệ thống chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội của Mỹ. Covid-19 bùng phát đúng vào chiến dịch tranh cử tổng thống Mỹ, khiến những vấn đề này sẽ trở thành trọng tâm tranh luận giữa các đảng phái và ứng viên.
"Đây là cơ hội đặc biệt để đối phó với những thách thức không được giải quyết từ lâu. Con người lạc quan trong tôi tin rằng đại dịch có thể tạo ra bước ngoặt tại Mỹ", ông nói thêm.
Ứng viên tổng thống đảng Dân chủ Bernie Sanders từ lâu đã tìm cách cải thiện hệ thống chăm sóc sức khỏe Mỹ, nhằm bảo đảm khả năng chi trả cho 87 triệu người không có bảo hiểm hoặc không được thanh toán đầy đủ.
"Chúng ta không thể sống trong một đất nước mà người giàu được tiếp cận với mọi phương án chữa trị để bảo toàn tính mạng, trong khi người nghèo và tầng lớp lao động phải chấp nhận những thứ dưới đáy. Đó là điều không thể chấp nhận được", Sanders phát biểu trước người ủng hộ hôm 12/3, đồng thời chỉ trích cách Trump đang ứng phó với Covid-19.
Cựu phó tổng thống Mỹ Joe Biden cũng có quan điểm tương đồng, cho rằng ông chủ Nhà Trắng "đang đe dọa mạng sống của nhiều người Mỹ vì sự bất tài và liều lĩnh".
Tuy nhiên, những tranh cãi chính trị như vậy chỉ khiến nỗ lực tăng lợi ích cho tầng lớp lao động sẽ gặp nhiều khó khăn sau khi đại dịch Covid-19 chấm dứt.
73% người làm việc trong các công ty tư nhân Mỹ được hưởng lợi từ chính sách nghỉ có lương, theo dữ liệu tháng 3/2019 của Bộ Lao động Mỹ. Tuy nhiên, con số này chỉ là 43% với những người làm bán thời gian, đặc biệt trong lĩnh vực nhà hàng và khách sạn.
Nhân viên các tập đoàn công nghệ cao như Google và Apple được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, nhưng họ phải đối mặt với nguy cơ lây nhiễm từ những người làm việc trong căng tin công ty. Điều tương tự cũng xảy ra với giới thượng lưu, những người vẫn đến nhà hàng trong lúc dịch bệnh bùng phát.
"nCoV chính là kẻ thù chung đầu tiên của nước Mỹ kể từ Thế chiến II", giáo sư Alden nhận xét.
Vũ Anh (Theo AFP)