Sức khỏe
Thứ tư, 11/3/2020, 14:35 (GMT+7)

60 triệu dân Italy sống dưới lệnh phong toả

Ngay sau khi lệnh phong toả với 60 triệu dân Italy được đưa ra, phố xá, trung tâm thương mại ngày 10/3 trở nên vắng vẻ, các điểm du lịch không bóng người.

Quảng trường Duomo ở trung tâm thành phố Milan, thủ phủ vùng Lombardy, lác đác vài người hôm qua, sau khi Thủ tướng Italy Giuseppe Conte tối 9/3 ban lệnh phong toả toàn quốc nhằm kiềm chế sự lây lan của Covid-19. Tất cả người dân được yêu cầu ở nhà, hoạt động đi lại trên toàn quốc sẽ bị ngừng đến ngày 3/4, trừ khi có lý do khẩn cấp hoặc vấn đề về sức khỏe.

Các rào chắn và chốt cảnh sát được bố trí ở Milan để kiểm soát người ra vào. Những người vi phạm lệnh phong toả có thể bị phạt 206 euro hoặc tới 3 tháng tù. 

Italy hiện là ổ dịch lớn thứ hai thế giới với số người nhiễm nCoV những ngày qua tăng mạnh lên hơn 10.000 ca, trong đó hơn 630 ca tử vong. Số bệnh nhân đang được chăm sóc đặc biệt cũng tăng lên 877 người.

Galleria Vittorio Emanuele II, trung tâm thương mại lâu đời nhất Italy và là một trong những địa danh nổi tiếng của Milan, hôm qua cũng đóng cửa. 

Trung Kiên, một người Việt ở Milan, cho hay các siêu thị trong thành phố vẫn đầy ắp thực phẩm, không có hiện tượng tích trữ đồ thái quá. Tuy nhiên, khẩu trang luôn trong tình trạng "cháy hàng".

Vùng Lombardy, tâm dịch của Italy, và 14 tỉnh thuộc các vùng phía bắc Emilia-Romagna, Veneto, Piedmont và Marche đã bị áp lệnh phong toả từ hôm 8/3. Mọi trường học, bảo tàng, nhà thi đấu, trung tâm văn hóa, khu trượt tuyết và bể bơi bị đóng cửa. Đám cưới, tang lễ và sự kiện thể thao cũng bị huỷ.

Quang cảnh đìu hiu cũng thấy rõ ở những con kênh tại thành phố Venice, thủ phủ vùng Veneto, hôm qua khi vắng bóng tàu chở du khách như thường ngày. Các vùng Lombardy, Emilia Romagna và Veneto chiếm 85% tổng số ca nhiễm và hơn 90% số ca tử vong vì nCoV ở Italy. Giới chức y tế cuối tuần trước cảnh báo các bệnh viện ở Lombardy đang thiếu giường bệnh.

Cảnh sát Rome tuần tra trước Đấu trường La Mã, nơi đã đóng cửa theo lệnh phong toả.

Hai người chạm chân để tránh nguy cơ lây nhiễm nCoV khi gặp nhau tại khu Trastevere, thủ đô Rome.

Một quán cafe ở trung tâm Rome đóng cửa vào lúc 18h vì không có khách. Theo lệnh phong toả, các quán bar và nhà hàng vẫn được phép mở 6-18h hàng ngày. 

Người dân đứng cách nhau ít nhất một mét để đảm bảo an toàn khi xếp hàng vào một siêu thị ở Messina, vùng Sicily, phía nam Italy. Phần lớn các ca đều ở phía bắc. Tuy nhiên, chính phủ nước này cho biết nếu dịch bệnh lan nhanh xuống phía nam, Italy sẽ không thể đối phó nổi.

Quang cảnh vắng lặng trước sân vận động Juventus Allianz ở thành phố Turin. Giải bóng đá Serie A và các sự kiện thể thao đã bị huỷ để phòng dịch.

Ga tàu Porta Susa ở thành phố Turin.

Các phương tiện ra vào Slovenia tại biên giới Slovenia - Italy. Nhiều người Italy đã tranh thủ biên giới mở với Slovenia để đi mua sắm ngay trước khi lệnh phong toả đi vào hiệu lực, bất chấp Rome tuyên bố cấm đi lại từ đêm hôm trước để ngăn chặn Covid-19.

Slovenia cho biết sẽ lập các chốt kiểm tra sức khoẻ ở biên giới cũng như đóng một số lối đi với Italy từ ngày 12/3. 

Quảng trường Michelangelo ở thành phố Florence, vùng Tuscany cũng vắng vẻ vì hầu hết người dân thực hiện chỉ thị ở nhà.

Một người đeo khẩu trang đi dọc bờ biển ở Napoli, thành phố lớn thứ ba của Italy sau Rome và Milan, thủ phủ của vùng Campania. Lệnh phong toả ở Italy gây hoài nghi bởi vẫn chủ yếu dựa vào ý thức của người dân. Các biện pháp cũng không quyết liệt như tại Trung Quốc, nơi khởi phát Covid-19.

Cảnh sát Italy trao đổi với một phụ nữ tại chốt chặn người ra vào nước này ở Mento, phía nam Pháp. Chính phủ Pháp cũng đã ban lệnh cấm các cuộc tụ tập trên 1.000 người, khiến nhiều buổi biểu diễn âm nhạc, các sự kiện văn hoá và thể thao bị huỷ.

Ảnh: AFP, Reuters