Diễn văn nhậm chức của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump với cam kết thực hiện chính sách "nước Mỹ trước tiên", nhưng không đưa ra bất kỳ kế hoạch nào để định vị vị thế của Mỹ trên toàn cầu, đang khiến nhiều quốc gia kể cả đồng minh của Washingon trên thế giới không khỏi cảm thấy bất an và lo lắng, theo AP.
Nhật Bản lo ngại
Nhiều người dân Nhật Bản lo ngại rằng chính sách "nước Mỹ trước tiên" của ông Trump mở ra một kỷ nguyên mới của chủ nghĩa dân túy và bảo hộ, ảnh hưởng tiêu cực đối với thế giới.
"Ông Trump đang nỗ lực thay đổi mọi việc. Thay đổi đôi khi có thể tốt, nhưng sẽ trở thành mối quan ngại lớn trong bối cảnh nước Mỹ đang bất ổn. Nếu ông Trump giữ đúng lời nói theo nghĩa đen, điều đó có thể gây bất ổn cho thế giới", một công nhân ngành sản xuất công nghiệp Nhật Bản nhận định.
Giám đốc Văn phòng Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản Akio Mimura cho rằng các chính sách bảo hộ của Mỹ sẽ tác động tiêu cực tới nền kinh tế thế giới, trong đó có cả Nhật Bản.
Trong tuyên bố chúc mừng gửi đến ông Trump, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe nhấn mạnh mặc dù là động lực của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng tình hình an ninh ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày càng trở nên căng thẳng.
Hàn Quốc lo lắng về liên minh và thương mại
Một số người dân Hàn Quốc lo ngại rằng Tổng thống Trump sẽ yêu cầu nước này phải gánh vác một phần chi phí để duy trì lực lượng Mỹ đang đóng quân tại đây, trong khi nhiều người cũng lo sợ Seoul sẽ bị lôi kéo vào cuộc xung đột giữa Washington và Bắc Kinh.
"Có nguy cơ Hàn Quốc sẽ trở thành nạn nhân bất đắc dĩ trong một cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc", Nam Hae-sook, 62 tuổi, cho biết.
Người phát ngôn đảng Nhân dân đối lập Kim Kyung-jin cho rằng trật tự kinh tế thế giới sẽ sụp đổ nếu Mỹ tìm kiếm các lợi ích kinh tế cho riêng mình.
Australia: Diễn văn của Trump gây chia rẽ
Người dân Australia nhận định diễn văn của Trump có nguy cơ gây ra tình trạng chia rẽ tại nước Mỹ cũng như trên thế giới.
"Những diễn văn nhậm chức thường có mục đích tập hợp và đoàn kết mọi người, nhưng diễn văn của ông Trump chỉ là một lời đe dọa không hơn không kém", Marek Rucinski, một công dân Australia phát biểu.
Biên tập viên đối ngoại của tờ The Australian Greg Sheridan phân tích rằng bài diễn văn nhậm chức của ông Trump cho thấy ông sẽ duy trì mọi cam kết và lời hứa mang màu sắc bảo hộ và dân túy trong chiến dịch tranh cử.
Mexico thận trọng
Có lẽ không quốc gia nào theo dõi diễn văn nhậm chức của ông Trump sát sao hơn Mexico, bởi những chỉ trích gay gắt của Tổng thống Mỹ từng dành cho quốc gia này.
Ricardo Anaya Cortes, chủ tịch đảng Hành động Quốc gia đối lập, kêu gọi tất cả người dân Mexico đoàn kết trước bài diễn văn mang màu sắc "bảo hộ, dân túy và mị dân của Tổng thống Mỹ".
"Nguy cơ là rất lớn, chúng tôi yêu cầu chính phủ Mexico không được do dự mà phải có thái độ kiên quyết và cứng rắn trong quan hệ với chính quyền mới của Mỹ", ông Anaya tuyên bố.
Trong khi đó, Tổng thống Mexico Enrique Pena Nieto, trong lời chúc mừng lễ nhậm chức của ông Trump, đã hứa hẹn hai bên sẽ hợp tác để củng cố quan hệ, đồng thời khẳng định sẽ xây dựng quan hệ ngoại giao với Mỹ dựa trên những mục tiêu như chủ quyền, lợi ích dân tộc và bảo vệ người dân Mexico.
Trung Quốc chuẩn bị cho những tình huống xấu
Global Times, ấn phẩm phụ của Nhân dân Nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc nhận định rằng diễn văn nhậm chức của ông Trump báo hiệu chắc chắn những căng thẳng trong quan hệ thương mại giữa Bắc Kinh và Washington.
"Chắc chắn chính quyền của ông Trump sẽ châm ngòi cho nhiều 'ngọn lửa' trước cửa ngõ nước Mỹ và trên toàn thế giới. Chúng ta hãy chờ xem bao giờ thì đến lượt Trung Quốc", báo viết.
Châu Âu phản ứng khác biệt
Trong khi đó phản ứng từ các lãnh đạo châu Âu về diễn văn nhậm chức của Tổng thống Mỹ tương đối khác biệt.
Tổng thống Pháp Francois Hollande ngày 21/1, tuy không nhắc trực tiếp đến ông Trump, cáo buộc chủ nghĩa bảo hộ là một xu thế tồi tệ nhất, ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của mọi quốc gia mà nó hiện hữu.
"Chúng ta cần phản chống lại chủ nghĩa bảo hộ và hướng tới một thế gới toàn cầu hóa với những chuẩn mực thương mại chung được thiết lập giữa các quốc gia và các vùng", ông Hollande nhấn mạnh.
Tại Đức, trong khi Phó thủ tướng Sigmar Gabriel cảnh báo xu thế "cực đoan hóa mạnh mẽ" sẽ hình thành trong nền chính trị Mỹ, thì Thủ tướng Angela Merkel khẳng định sẽ tìm kiếm mối quan hệ với chính quyền mới của Washington thông qua các kênh truyền thống như các thỏa thuận và hội nghị quốc tế.
Trong khi đó, giới lãnh đạo Nga lại tỏ ra phấn khởi, do những cam kết tái cài đặt quan hệ với Moscow của ông Trump.
"Chúng tôi đã sẵn sàng thực hiện phần việc của mình để cải thiện mối quan hệ giữa hai nước", Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev viết trên Facebook
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Thế giới tại Davos, Thụy Sĩ, Phó thủ tướng Nga Igor Shuvalov bày tỏ hy vọng rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ làm việc với người Nga nhằm giải quyết cuộc cuộc khủng hoảng Ukraine và những hồ sơ khác, nhưng nhấn mạnh hai bên sẽ cần nhiều thời gian.
Afghanistan, thất vọng đan xen hy vọng
Nhiều người dân Afghanistan tỏ ra thất vọng khi diễn văn nhậm chức của Tổng thống Mỹ không hề đề cập đến quốc gia này.
"Ông Trump không đề cập dù chỉ là một từ tới Afghanistan trong bài phát biểu của mình. Tiền lương của quân đội và cảnh sát Afghanistan là do Mỹ chi trả. Nếu Mỹ dừng hỗ trợ Afghanistan thì đất nước của chúng tôi sẽ lại trở thành nơi trú ẩn cho những kẻ khủng bố. Tôi hy vọng ông Trump không quên Afghanistan", Mohammad Nahim chủ một cửa hàng ở thủ đô Kabul bày tỏ.
Tuy nhiên, một số người vẫn bày tỏ sự hy vọng vào quyết tâm diệt trừ khủng bố của Tổng thống Mỹ.
"Ông Trump tuyên bố sẽ diệt trừ tận gốc khủng bố trên thế giới, điều đó có nghĩa rằng Afghanistan vẫn nằm trong phạm vi quan tâm của nước Mỹ", Mohammed Kasim Zazi, một người dân ở miền đông Afghanistan nói.
Trong khi đó, nhà lãnh đạo cấp cao của Afghanistan Abdullah Abdullah cảm thấy được khuyến khích bởi những phát biểu của ông Trump và khẳng định hợp tác giữa hai nước sẽ phát triển tốt đẹp.
Xem thêm: Toàn văn phát biểu nhậm chức của Donald Trump
Nguyễn Hoàng