Sáng 12/9, trường Tiểu học - THCS Minh Chuẩn, huyện Lục Yên, tỉnh Yên Bái, huy động 30 thầy cô, phụ huynh, cùng sự hỗ trợ 75 quân nhân nạo vét bùn, dọn rửa trường sau khi nước lũ rút.
Cô Phạm Thị Dịu, Hiệu phó, cho hay thời điểm đỉnh lũ, có chỗ bị ngập đến cửa sổ tầng hai. Nước rút để lại lớp bùn đất dày ngang đầu gối. Công tác dọn dẹp tốn nhiều công sức, thời gian do sân trường thấp hơn mặt đường. Khu vực này còn mất điện từ đêm 8/9, đến nay chưa được khôi phục.
Các giáo viên đang thống kê số sách vở, dụng cụ học tập, bàn ghế hư hỏng, trôi theo nước để xin hỗ trợ.
"Nhiều thầy cô mặc nhà cửa còn ngổn ngang, ưu tiên đến dọn dẹp trường lớp", cô Dịu nói.
Ông Trần Quý Dương, Phó trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Lục Yên, cho biết Tiểu học - THCS Minh Chuẩn là trường ngập và thiệt hại nặng nhất huyện. Phòng dự kiến huy động thêm giáo viên khu vực lân cận hỗ trợ vét bùn đất, vệ sinh.
Khoảng 10 trường khác bị ảnh hưởng bởi sạt lở, bị đất đá đè, đổ một số công trình. Các trường đều đang khẩn trương dọn dẹp để đón học sinh trở lại.
"Dự kiến, học sinh toàn huyện có thể đến lớp vào tuần tới, trừ trường Minh Chuẩn", ông Dương cho hay.
Tỉnh Yên Bái có 27 trường ngập lụt, tính đến sáng 12/9. Hàng chục trường bị đổ tường rào, hỏng thiết bị (bàn ghế, máy tính, máy chiếu...). Sạt lở đất cũng khiến hơn 1.000 nhà của giáo viên bị ngập. Trong đó, 46 nhà bị sập hoàn toàn, 75 gia đình phải di dời.
Ở Lào Cai, đến sáng nay, toàn tỉnh có khoảng 70 trường bị sạt lở taluy, đổ tường rào hoặc ngập úng. Số nhân viên, giáo viên toàn ngành giáo dục bị ảnh hưởng, cần hỗ trợ là trên 500 người. Tỉnh có 26 học sinh thiệt mạng, trong đó riêng huyện Bảo Yên 21 em.
Các trường đang huy động lực lượng dọn dẹp vệ sinh, tu sửa phòng học, để đón học sinh trở lại vào ngày 16/9.
Tại Quảng Ninh, bão Yagi đi qua hôm 7/9 khiến hàng loạt trường học bị thiệt hại, gồm gãy đổ, cây, vỡ cửa kính, bay cổng. Bà Nguyễn Vân Anh, Phó phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hạ Long, cho biết công việc dọn dẹp được bắt đầu ngay sau bão, liên tục những ngày qua, với sự tham gia của nhiều lực lượng. Thành phố ưu tiên dọn đường đi trước, tạo điều kiện cho xe vào các ngõ chở cây cối đổ, sau đó mới tới mạng và điện.
"Cố gắng nhanh. Không gì bằng cho trẻ đến trường, bố mẹ mới yên tâm đi làm", bà chia sẻ.
Hôm nay, phần lớn trường học mở trở lại. Song vẫn còn một số trường bị thiệt hại nặng, vẫn tiếp tục dọn dẹp, sửa chữa, trong đó có THCS Kim Đồng.
Cô Nguyễn Thị Thu Lương, Hiệu trưởng, cho biết mái ngói các dãy nhà với hơn 30 phòng học, bị thổi tung trong bão. Trước đó, trường chỉnh trang khuôn viên, trồng một loạt cây mới để kỷ niệm 60 năm thành lập, giờ hàng loạt cây đổ gục, gãy cành. Gần 100 mét tường rào của trường bị sập, phần lớn lớp học bị bung cửa, một số phòng bị ngập.
"Xót xa quá", nữ giáo viên đã 30 năm gắn bó với trường nói. "Năm nào nơi đây cũng có bão, để lại thiệt hại nhưng đây là lần đầu tiên tôi thấy trường tan hoang như vậy". Hôm đó, vì vẫn mất điện, thông tin liên lạc bị gián đoạn, một số giáo viên phải đến tận nhà thông báo cho học sinh nghỉ học.
Theo cô Lương, lực lượng quân đội đã tới hỗ trợ trường dọn dẹp, có hôm tới tận 20h chưa xong.
Tại tỉnh Phú Thọ, một số trường học như THPT Hùng Vương (thị xã Phú Thọ), Hiền Đa (huyện Cẩm Khê), Chân Mộng (huyện Đoan Hùng), Minh Hòa (huyện Yên Lập) bị tốc mái, đổ tường rào, đổ, gãy cây xanh, biển hiệu. Từ hôm 8/9, các trường đã tập trung vệ sinh trường, lớp, thu dọn cành cây đổ để đảm bảo an toàn, phòng chống dịch bệnh.
Với những nơi cổng trường, tường rào, lớp học bị tốc mái, hư hỏng, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các trường rà soát, đánh giá tình hình, đề xuất các biện pháp khắc phục và nhanh chóng sửa chữa lại.
Tại Hà Nội, hàng chục trường bị ngập nước, sau khi nước sông Hồng dâng cao, hôm 11/9. Đến nay, nước chưa rút hẳn nên phần lớn chưa thể dọn dẹp.
Ở trường Tiểu học Nghĩa Dũng ở phường Phúc Xá, quận Ba Đình, sáng nay giáo viên còn phải di chuyển bằng thuyền để vào trường.
Buổi chiều, ngay khi nước rút, toàn bộ giáo viên và nhân viên vệ sinh được huy động đến đến dọn dẹp. Cô Hoàng Anh Đào, Hiệu trưởng, cho biết trước mắt các thầy, cô giáo xối đất, bùn, dọn rác và cọ rửa đồ dùng, lau bàn ghế, phòng học.
Vất vả nhất là vệ sinh bể nước ngầm, chứa khoảng 30 khối nước phục vụ bán trú. Trường đang bơm nước bẩn đọng lại sau nhiều ngày mưa ngập ra, dự kiến hết đêm nay mới xong. Y tế phường sẽ hỗ trợ thau bể, khử khuẩn, trước khi đưa nước sạch vào.
"Trường sẽ khử khuẩn bằng Cloramin B các khu vực hàng ngày, sau đó đợi 1-2 hôm nắng lên sẽ phun thuốc muỗi", cô Đào cho hay. "Nước rút đi mới nhiều vấn đề nên phải phòng dịch cẩn thận".
Trước đó, cơn bão Yagi đi qua đã khiến nhiều trường bị đổ gần 3.600 m tường rào; hơn 450 mái nhà và phòng học bị lật; 915 cửa hư hỏng... Những trường này về cơ bản đã khắc phục xong để học sinh quay trở lại.
Bãi Yagi là cơn bão số 3 đổ bộ vào Việt Nam năm nay, với sức gió giật mạnh nhất lên 201 km/h, đạt cấp 16 siêu bão. Khi vào đất liền, Yago quét qua nhiều tỉnh, thành miền Bắc như Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội..., sức gió mạnh cấp 10, giật cấp 12-13.
Gần 20 địa phương cho học sinh nghỉ để các trường học khắc phục hậu quả.
Năm ngày sau, miền Bắc ngập lụt chưa từng thấy. Lượng mưa lớn đẩy mực nước sông Hồng, Thái Bình, sông Thao, sông Lô... vượt báo động 3 (cao 3-4 m) - mức lũ nguy hiểm nhất.
Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng hôm qua cho biết sẽ đóng cửa trường học đến hết tuần; Phú Thọ chưa xác định thời gian cho học sinh đi học lại. Ở Thái Nguyên, Hải Phòng, Bắc Giang, Hà Nội..., nhiều trường học cũng chưa thể đón học sinh.
Bình Minh - Dương Tâm - Lệ Nguyễn
VnExpress mở chiến dịch "Cùng đồng bào vượt lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây.