"Chó và mèo có mối quan hệ thân thiết với con người hơn tất cả các động vật khác, và việc cấm tiêu thụ chó mèo cùng các thú cưng khác là một thực tế phổ biến ở nhiều quốc gia phát triển, tại Hong Kong và Đài Loan. Lệnh cấm này cũng phù hợp với yêu cầu và tinh thần của văn minh nhân loại", chính quyền thành phố Thâm Quyến cho hay trong một sắc lệnh hôm 2/4 và cho biết luật mới sẽ đi vào hiệu lực từ ngày 1/5.
Lệnh cấm được đưa ra sau khi giới chức Trung Quốc hồi cuối tháng hai cấm mua bán và tiêu thụ động vật hoang dã, được cho là nguồn gốc bùng phát Covid-19. Các nhà khoa học nghi ngờ nCoV đã lây truyền từ động vật sang người. Một số ca nhiễm đầu tiên là những người liên quan tới chợ buôn bán động vật hoang dã tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.
Chợ thịt chó tại Ngọc Lâm, tỉnh Quảng Tây, phía nam Trung Quốc, năm 2015. Ảnh: AFP |
Chính quyền các tỉnh thành khắp Trung Quốc đã thực thi lệnh cấm trên, nhưng Thâm Quyến tiến thêm một bước, mở rộng lệnh cấm với cả chó và mèo. Ông Liu Jianping, quan chức Trung tâm Ngăn ngừa và Kiểm soát Bệnh tật Thâm Quyến, cho hay lượng gia súc, gia cầm và hải sản vẫn được cung cấp đủ cho người tiêu dùng.
"Không có bằng chứng gì cho thấy động vật hoang dã nhiều dinh dưỡng hơn gia súc và gia cầm", ông Liu nói.
Ban đầu, giới chức Thâm Quyến đề xuất cấm tiêu thụ cả rùa và ếch, hai món ăn rất phổ biến ở miền nam Trung Quốc. Tuy nhiên, chính quyền thành phố tuần này thừa nhận rằng vấn đề này gây tranh cãi gay gắt và cho hay người dân có thể ăn rùa và ếch.
Mỗi năm, có 30 triệu con chó bị giết lấy thịt ở khắp châu Á, riêng tại Trung Quốc là 10 triệu con chó và 4 triệu con mèo, theo Hiệp hội Nhân đạo Quốc tế (HSI).
Teresa M. Telecky, phó chủ tịch ban động vật hoang dã của HSI, ca ngợi Thâm Quyến là "thành phố đầu tiên trên thế giới rút ra được những bài học từ đại dịch" và là "hình mẫu cho các chính quyền khắp thế giới học hỏi".
Tuy nhiên, cùng với lệnh cấm buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã, Trung Quốc chấp thuận việc sử dụng mật gấu để điều trị cho bệnh nhân Covid-19. Mật gấu với thành phần là axit ursodeoxycholic, từ lâu đã được xem như một bài thuốc Đông y chữa bệnh gan và sỏi thận. Tuy nhiên, không có bằng chứng nào cho thấy nó có tác dụng với nCoV và quá trình lấy mật gấu bị chỉ trích là gây đau đớn cho loài động vật này.
"Chúng ta không nên dựa vào các sản phẩm động vật hoang dã như mật gấu để chống lại nCoV, loại virus dường như bắt nguồn từ động vật hoang dã", ông Brian Daly, phát ngôn viên Quỹ Động vật châu Á, nói.
Anh Ngọc (Theo BBC, Reuters)