Trung tâm Ươm tạo và phát triển bán dẫn (VSIC) và Không gian ươm tạo startup về bán dẫn được đặt tại Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) ở Cầu Giấy, Hà Nội. Nơi này đặt một số thiết bị cho việc thử nghiệm, thiết kế vi mạch, cùng hệ thống máy tính, phần mềm dùng trong thiết kế chip, nhằm tạo môi trường đào tạo nhân lực chất lượng cao và thúc đẩy khởi nghiệp trong lĩnh vực bán dẫn. Dự án do NIC, FPT cùng một số công ty bán dẫn, như Alchip Technologies từ đảo Đài Loan thiết lập.
Tại buổi khai trương sáng 28/3, ông Nguyễn Đức Tâm, Thứ trưởng Tài chính, nhấn mạnh Việt Nam đang nổi lên như điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư nhờ môi trường kinh doanh thuận lợi, chính sách hỗ trợ mạnh mẽ và nguồn lao động trẻ, năng động. Ông Tâm dẫn thống kê từ năm 2001 đến 2021 cho thấy ngành bán dẫn tăng trưởng trung bình 14% mỗi năm, đạt gần 600 tỷ USD năm 2023 và dự báo đạt một nghìn tỷ USD năm 2030.

Thứ trưởng Tài chính Nguyễn Đức Tâm phát biểu tại sự kiện ngày 28/3. Ảnh: Nguyễn Trang
Việc thành lập trung tâm VSIC, theo ông Tâm, là bước tiến quan trọng trong việc thực hiện chủ trương, định hướng về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, trong đó thúc đẩy hợp tác công tư, mô hình "3 Nhà" là Nhà nước - Nhà trường - Nhà doanh nghiệp, để phát triển ngành công nghiệp bán dẫn tại Việt Nam. Việc này góp phần hiện thực hóa mục tiêu đào tạo 50.000 kỹ sư bán dẫn tại Việt Nam năm 2030 và có 100 doanh nghiệp thiết kế chip, theo Chiến lược phát triển công nghiệp bán dẫn Việt Nam.
"Sự hợp tác sẽ tạo dựng một hệ sinh thái và phát triển nguồn nhân lực bền vững, giúp Việt Nam không chỉ bắt kịp mà còn từng bước tiến cùng và vươn lên trong xu hướng công nghệ toàn cầu", ông Tâm nói, đồng thời đánh giá cao việc một công ty nước ngoài là Alchip đã quyết định mở rộng hoạt động tại Việt Nam.
Ông Peter Teng, Phó chủ tịch Alchip Technologies, nhận định Việt Nam có cơ hội lớn trong lĩnh vực chip bán dẫn, gọi trung tâm mới "là cánh cửa dẫn dắt công ty đến với nguồn nhân lực kỹ thuật xuất sắc của Việt Nam".
Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc NIC, cho biết trước đó đã cùng FPT triển khai nhiều dự án liên quan đến phát triển ngành bán dẫn. Năm 2024, họ cấp học bổng về thiết kế vi mạch và hỗ trợ kỹ thuật cho trên 40 trường đại học kỹ thuật tại Việt Nam, với sự tham gia từ nhiều đối tác như Cadence, Keysight, Tektronix, các trường như Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo ông Huy, trung tâm mới sẽ tập trung ươm tạo, phát triển doanh nghiệp, công nghệ và nguồn nhân lực, tạo môi trường cho chuyên gia, kỹ sư, giảng viên, sinh viên nghiên cứu và tiếp cận công nghệ tiên tiến. "Từ đó Việt Nam từng bước làm chủ công nghệ và phát triển startup trong lĩnh vực bán dẫn", ông nói.
Trong khi đó, ông Trần Đăng Hòa, Chủ tịch FPT Semiconductor, nói việc phát triển nhân lực bán dẫn tại Việt Nam hiện vẫn còn khoảng cách giữa việc đào tạo tại trường đại học so với nhu cầu của doanh nghiệp. Việc có các trung tâm như VSIC sẽ giúp thu hẹp khoảng cách. Ông cho biết FPT sẽ đồng hành cùng VSIC để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, giúp Việt Nam trở thành một trong những trung tâm bán dẫn năng động sáng tạo của khu vực, thúc đẩy hệ sinh thái bán dẫn tại Việt Nam. Ngày 27/3, FPT cũng khai trương Trung tâm R&D về công nghệ cao và chip bán dẫn tại Đà Nẵng.
Lưu Quý