Chính quyền Tổng thống Joe Biden đang nỗ lực ngăn chặn cuộc tấn công tiềm tàng của Iran vào Israel, nhưng họ phải đối mặt hàng loạt thách thức mới, trong lúc tìm cách lặp lại thành công đã đạt được hồi tháng 4, khi một liên minh đa quốc gia giúp Israel đánh chặn loạt tên lửa và máy bay không người lái (UAV) phóng từ Iran.
Các quan chức Mỹ giấu tên cho biết họ đã thấy Iran di chuyển bệ phóng tên lửa và tiến hành các cuộc tập trận quân sự từ cuối tuần trước. Đây có thể là dấu hiệu về việc Tehran đang chuẩn bị cho một cuộc tấn công trong những ngày tới vào lãnh thổ Israel.
Ngoại trưởng Israel Israel Katz ngày 5/8 cho biết Iran đã gửi thông điệp qua Ngoại trưởng Hungary, thông báo rằng họ đã quyết định sẽ tấn công Israel để đáp trả vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Ismail Haniyeh tại thủ đô Tehran.
Các quan chức chính quyền Biden lo ngại một cuộc tấn công của Iran lần này có thể được thực hiện phối hợp với những đòn tập kích từ lực lượng Hezbollah ở Lebanon hay các nhóm dân quân khác do Tehran hậu thuẫn ở Trung Đông, nhằm áp đảo hệ thống phòng thủ Israel.
Mỹ hiện phải đối mặt với nhiệm vụ bảo vệ Israel khỏi cuộc tấn công của Iran nếu mọi động thái răn đe thất bại, đồng thời theo đuổi các biện pháp ngoại giao nhằm mang lại ổn định cho khu vực.
Nguy cơ xung đột toàn diện nổ ra giữa Iran và Israel có thể làm đảo lộn nỗ lực nhằm đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza, vốn đã trở thành trọng tâm trong di sản ngoại giao và chính sách đối ngoại của Tổng thống Biden ở Trung Đông, giới quan sát đánh giá.
Các quan chức cấp cao ở Washington đang thuyết phục Tehran không leo thang xung đột và cố gắng đảm bảo động lực ủng hộ từ các quốc gia Arab, trong bối cảnh Iran thường xuyên phát đi thông điệp đe dọa những nước có ý định tham gia vào lá chắn bảo vệ Israel.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken hôm 5/8 thúc giục Iran, các lực lượng ủy nhiệm của Tehran cũng như cả Israel hạ nhiệt căng thẳng, trong lời kêu gọi cuối cùng nhằm ngăn chặn xung đột lan rộng ra ra khu vực và biến thành một cuộc chiến tranh toàn diện.
"Chúng tôi đang ngày đêm thúc đẩy mạnh mẽ các hoạt động ngoại giao với một thông điệp rất đơn giản: Tất cả các bên phải kiềm chế leo thang", ông nói. "Điều quan trọng nữa là chúng ta phải phá vỡ vòng lặp này bằng cách đạt được lệnh ngừng bắn ở Gaza".
Chỉ hơn hai tuần trước, Ngoại trưởng Blinken đã bày tỏ hy vọng rằng các cuộc đàm phán ngừng bắn sẽ "chạy nước rút và tiến tới vạch đích" sau nhiều tháng đàm phán gián đoạn.
Mục tiêu chính quyền Biden hướng đến là đảm bảo lệnh ngừng bắn và giải cứu các con tin trong tay Hamas. Đây cũng chính là vấn đề hàng đầu trong chương trình nghị sự khi Tổng thống Biden và Ngoại trưởng Blinken gặp Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tại Nhà Trắng hôm 25/7.
Giới chức Mỹ cho rằng lệnh ngừng bắn giữa Israel và Hamas sẽ giúp xoa dịu khu vực, tạo tiền đề để xuống thang căng thẳng dọc biên giới phía bắc Israel giáp Lebanon, là một bước hướng tới việc thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Israel và Arab Saudi.
Nhưng vụ ám sát thủ lĩnh Hamas Haniyeh đã khiến triển vọng về lệnh ngừng bắn ở Gaza đổ bể. Điều này một lần nữa lại chất chồng chông gai cho nỗ lực ngoại giao của các quan chức Mỹ nhằm ngăn xung đột lan rộng.
Tổng thống Biden và Phó tổng thống Kamala Harris hôm 5/8 họp tại Phòng Tình huống với các trợ lý cấp cao để nghe tóm tắt về những diễn biến mới nhất và khả năng Iran phát động tấn công nhằm vào lãnh thổ Israel. Ngoại trưởng Blinken, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin và cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan cũng có mặt tại bàn thảo luận.
Đối với lãnh tụ tối cao Iran Ali Khamenei, vụ ám sát lãnh đạo chính trị Hamas Haniyeh ở Tehran được coi là hành động xúc phạm đặc biệt nghiêm trọng.
Theo giới chức Mỹ, các quan chức Iran dường như đang thảo luận về phạm vi cuộc tấn công tiềm tàng vào Israel và khả năng tham gia của các lực lượng ủy nhiệm. Hezbollah đã cân nhắc cách phản ứng với cuộc tập kích do Israel thực hiện vào Beirut hồi tháng trước khiến một chỉ huy cấp cao nhóm này thiệt mạng. Câu hỏi đặt ra là liệu Iran và Hezbollah có tính toán thời gian hành động trùng khớp nhau hay không?
Chính quyền Biden đã thận trọng không công khai chỉ trích hoạt động của Israel, nhưng vẫn gây sức ép buộc tất cả các bên phải hạ nhiệt căng thẳng.
"Tôi nghĩ chính quyền Biden đang thất vọng vì những gì họ coi là các hành động đơn phương từ Israel không tính đến đầy đủ lợi ích của Mỹ", David Schenker, cựu quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ phụ trách Trung Đông dưới thời chính quyền Donald Trump, nhận xét.
Tổng thống Biden hôm 5/8 thảo luận với Vua Jordan Abdullah II về những nỗ lực nhằm xoa dịu tình hình và thúc đẩy lệnh ngừng bắn. Ngoại trưởng Blinken trong lúc đó gọi điện cho những người đồng cấp Qatar và Ai Cập để thuyết phục họ góp sức xuống thang căng thẳng. Jordan và Arab Saudi đã thông báo riêng với Iran rằng Tehran không được phép xâm phạm không phận của họ nếu quyết định tấn công Israel.
Trong bối cảnh bất ổn tại khu vực, nhiều quan chức và nhà phân tích phương Tây vẫn đánh giá rằng Iran, Hezbollah và Israel không muốn một cuộc chiến tranh toàn diện, mặc dù họ thừa nhận bất kỳ hoạt động quân sự nào cũng có nguy cơ tính toán sai lầm.
Chính quyền Mỹ vẫn cố ngăn chặn và chuẩn bị cho kịch bản leo thang trong trường hợp bất khả kháng bằng cách gửi một phi đội tiêm kích tàng hình F-22 và một nhóm tác chiến tàu sân bay đến Trung Đông. Tướng Erik Kurilla, người đứng đầu Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ, đang có mặt ở Israel, giống như ông đã từng tới đây hồi tháng 4, khi căng thẳng Israel - Iran tăng nhiệt.
"Chúng tôi đang chuẩn bị bảo vệ Israel theo cách giống như hồi tháng 4", một quan chức Mỹ giấu tên cho hay.
Căng thẳng tiếp tục gia tăng khi một số quân nhân Mỹ hôm 5/8 bị thương trong cuộc tấn công bằng rocket nghi do các tay súng được Iran hậu thuẫn thực hiện nhằm vào lực lượng Mỹ và liên quân tại căn cứ không quân Al Asad, Iraq, theo Lầu Năm Góc.
Dennis Ross, cựu quan chức cấp cao Mỹ về vấn đề Trung Đông, nhận định mối đe dọa leo thang căng thẳng có thể đã khiến nỗ lực thúc đẩy ngừng bắn bị đình trệ. Nhưng theo ông, lãnh đạo Hamas tại Dải Gaza Yahya Sinwar vẫn có thể cởi mở hơn với đề xuất ngừng giao tranh nếu Israel tiếp tục gây sức ép trên chiến trường.
"Tôi đồng ý rằng Iran đang gây áp lực rất lớn, khiến thỏa thuận ngừng bắn không thể thành hiện thực ngay bây giờ và Sinwar cũng có lý do riêng để không thực hiện thỏa thuận vào lúc này", ông nói. "Điều đó không đồng nghĩa rằng hai bên sẽ không bao giờ đạt được thỏa thuận".
Nhưng nhiều chuyên gia khác tin rằng chính quyền Biden có thể bị mắc kẹt trong một vòng lặp luẩn quẩn. Họ khẳng định chỉ có lệnh ngừng bắn mới có thể ngăn chặn đà gia tăng bạo lực ở Trung Đông, nhưng nguy cơ Iran tấn công Israel đang làm chệch hướng nỗ lực đạt thỏa thuận.
Những điểm then chốt đối với một thỏa thuận ngừng bắn tiềm năng vẫn chưa được giải quyết, trong đó có việc làm thế nào để đảm bảo nó được duy trì lâu dài.
Việc sát hại Haniyeh, nhà đàm phán quan trọng của Hamas trong các cuộc thảo luận về lệnh ngừng bắn, sẽ làm phức tạp thêm tình hình. Trong khi đó, vị thế của Thủ tướng Netanyahu dường như đang được củng cố sau sự việc và sau chuyến thăm Nhà Trắng hồi tháng trước.
Việc Tổng thống Biden rút khỏi cuộc đua Nhà Trắng đã làm tăng thêm tính bất ổn đối với môi trường đàm phán vốn đã căng thẳng, khiến tất cả các bên phải chuẩn bị cho kịch bản một gương mặt hoàn toàn mới lãnh đạo nước Mỹ vào tháng 11, giới chuyên gia nhận định. Phó tổng thống Harris, ứng viên đại diện đảng Dân chủ, đã ngụ ý rằng bà có thể sẽ cứng rắn hơn trước Israel so với Tổng thống Biden.
Vũ Hoàng (Theo WSJ, Reuters, AFP)