Đây, mùa xuân đến!
Những ngày cận Tết, ngoài đường người người, xe xe nhốn nháo. Nhớ ngày này năm ngoái dịch bệnh căng thẳng, tình hình còn đang leo thang từng ngày; đường phố chẳng rực rỡ những đèn, những hoa; hàng quán có khi đóng, có khi mở. Chớp mắt đã gần hết một năm. Thời gian bị kìm kẹp ấy làm người ta lúc nào cũng muốn vươn ra ngoài, để được trải nghiệm nhiều hơn và sống nhiều hơn. Chưa có khoảng thời gian nào mà người ta khát khao nhiều hơn thế. Vượt qua được thì thấy mọi thứ đều là kỷ niệm hay và trở thành những câu chuyện hài. Nhưng đôi khi cũng là bài học để ta nhớ mãi không quên.
Mùa xuân đang tới mở ra một năm mới “bình thường” hơn, mang theo không khí Tết vội vã, sục sôi trên từng con đường, từng con người, từng hơi thở. Dù là tốt hay xấu, cứ hết một năm người ta không chỉ lo lắng chuẩn bị những thứ bên ngoài: nhà cửa, quần áo, bánh kẹo mứt, cây cối hoa lá; mà điều đặc biệt hơn cả là ta phải sửa soạn lại chính bản thân mình: quẳng lại những âu lo, dẹp tan những muộn phiền, sắp xếp mọi dự định dở dang, hay hân hoan hưởng thụ nốt những niềm vui tưởng chừng bất tận, để đón một năm mới đến.
Đàn ông thì lo công, lo việc: rằng năm nay làm việc như này đã ổn chưa? Sắp xếp mọi thứ như thế nào cho gọn gàng để sang năm khởi đầu thật tươi mới, thật hoàn hảo? Đàn bà thì lo Tết năm nay đặt mấy con gà, nhà đã mua đủ lá é để làm nồi lẩu ấm ăn Tết cho đỡ ngán chưa? Nem năm nay cuốn mấy chục để nấu cỗ cho vừa đủ? Mỗi người trong gia đình đều có vai trò nhất định của mình, họ tấp nập chuẩn bị những thứ mà mình làm tốt nhất, để cả đại gia đình khi xuân sang được đón cái Tết trọn vẹn. Mà “công việc nhà” của người phụ nữ trong những ngày Tết này quan trọng vô cùng: nhà cửa có sạch sẽ hay không, bàn ăn có mâm cao cỗ đầy hay không, là nhờ một tay người phụ nữ bé nhỏ quán xuyến đảm đang. Công sức các chị đi chợ biết mặc cả bớt một thêm hai; đong lọ nước mắm, đếm củ dưa hành; để đồ vừa ngon, giá cả lại phải chăng là cũng tiết kiệm được một khoản kha khá bằng tiền công các anh đi làm mấy ngày Tết rồi ấy chứ!
Đây, mùa xuân đến!
Những ngày cận Tết, ngoài đường người người, xe xe nhốn nháo. Nhớ ngày này năm ngoái dịch bệnh căng thẳng, tình hình còn đang leo thang từng ngày; đường phố chẳng rực rỡ những đèn, những hoa; hàng quán có khi đóng, có khi mở. Chớp mắt đã gần hết một năm. Thời gian bị kìm kẹp ấy làm người ta lúc nào cũng muốn vươn ra ngoài, để được trải nghiệm nhiều hơn và sống nhiều hơn. Chưa có khoảng thời gian nào mà người ta khát khao nhiều hơn thế. Vượt qua được thì thấy mọi thứ đều là kỷ niệm hay và trở thành những câu chuyện hài. Nhưng đôi khi cũng là bài học để ta nhớ mãi không quên.
Mùa xuân đang tới mở ra một năm mới “bình thường” hơn, mang theo không khí Tết vội vã, sục sôi trên từng con đường, từng con người, từng hơi thở. Dù là tốt hay xấu, cứ hết một năm người ta không chỉ lo lắng chuẩn bị những thứ bên ngoài: nhà cửa, quần áo, bánh kẹo mứt, cây cối hoa lá; mà điều đặc biệt hơn cả là ta phải sửa soạn lại chính bản thân mình: quẳng lại những âu lo, dẹp tan những muộn phiền, sắp xếp mọi dự định dở dang, hay hân hoan hưởng thụ nốt những niềm vui tưởng chừng bất tận, để đón một năm mới đến.
Đàn ông thì lo công, lo việc: rằng năm nay làm việc như này đã ổn chưa? Sắp xếp mọi thứ như thế nào cho gọn gàng để sang năm khởi đầu thật tươi mới, thật hoàn hảo? Đàn bà thì lo Tết năm nay đặt mấy con gà, nhà đã mua đủ lá é để làm nồi lẩu ấm ăn Tết cho đỡ ngán chưa? Nem năm nay cuốn mấy chục để nấu cỗ cho vừa đủ? Mỗi người trong gia đình đều có vai trò nhất định của mình, họ tấp nập chuẩn bị những thứ mà mình làm tốt nhất, để cả đại gia đình khi xuân sang được đón cái Tết trọn vẹn. Mà “công việc nhà” của người phụ nữ trong những ngày Tết này quan trọng vô cùng: nhà cửa có sạch sẽ hay không, bàn ăn có mâm cao cỗ đầy hay không, là nhờ một tay người phụ nữ bé nhỏ quán xuyến đảm đang. Công sức các chị đi chợ biết mặc cả bớt một thêm hai; đong lọ nước mắm, đếm củ dưa hành; để đồ vừa ngon, giá cả lại phải chăng là cũng tiết kiệm được một khoản kha khá bằng tiền công các anh đi làm mấy ngày Tết rồi ấy chứ!
Người già ngày Tết này ngồi đếm tuổi mình rồi đếm tuổi con, cháu, chắt thôi có khi cũng mệt rồi, nên hạnh phúc nhất là người già cứ ngồi cười, ngồi nghe, chăm cây, ngắm hoa là cả nhà quây quần đều vui. Trẻ con vô lo vô nghĩ, háo hức Tết vô cùng, xem lịch đếm từng ngày. Chúng chỉ biết rằng, cứ gần ngày ấy là nhà mình có cây hoa đào, có cành hoa mai; cứ đúng ngày là có pháo hoa bắn đẹp lắm; rồi sau ngày ấy là có lì xì, bánh kẹo ăn ngập ngụa như một thiên đường trong mơ. Trẻ con ngày Tết “tắm” trong tiền, có khi cả ngày chỉ ngồi sung sướng đếm đi, đếm lại đống tiền được người lớn mừng tuổi, tính ra còn nhiều hơn tổng số tiền trong suốt cả năm chúng được ba mẹ cho tiêu vặt.
Còn người trẻ, sức dài vai rộng nhất có khi lại đương khủng hoảng, mang nỗi lo sợ rằng mỗi năm mới sang thì ta lại “già” thêm một tuổi, trong khi còn bao việc dở dang, lỡ làng. Nhưng cái không khí đón Tết, đón Xuân rộn ràng lại đánh lừa rằng người ta đang trẻ ra. Sức sống căng tràn từ cây cối mơn mởn, từ thời tiết dịu dàng, từ cơn mưa phùn rơi mát mặt, từ không khí tấp nập sắm sửa trên đường phố, làm mờ đi những rãnh nhăn khô nứt nẻ trên mặt người ta sau một mùa đông giá rét khắc nghiệt. Người trẻ lại thấy hừng hực sức lao động để sống và để yêu thương.
Nhưng có lẽ điều tuyệt vời nhất mà mùa xuân mang lại, đó chính là hy vọng. Dù năm cũ có ra sao, dù có bao nhiêu mùa xuân đã qua trong cuộc đời ta, dù ta đã trải qua bao nhiêu biến cố, mất mát; thì cũng chẳng gì có thể ngăn ta lại hy vọng, lại mơ mộng về một khởi đầu mới tươi đẹp hơn. Đến cây cối vô tri, vô giác còn đến mùa thay lá, ra hoa thì cớ gì ta không tự cho mình một cơ hội mới để làm tốt hơn những gì đã cũ. Đầu năm đi chúc Tết những người ta thương mến, nhà cửa khang trang làm người khác trầm trồ, xiêm y lộng lẫy làm người ta thán phục, nhưng với tôi điều kỳ diệu nhất là niềm hy vọng bừng sáng lấp lánh trong ánh mắt từng người trong gia đình. Trong một năm đã qua, dù vượt qua nhiều thách thức, khó khăn hay làm ăn thuận buồm xuôi gió; dù là già, trẻ, gái, trai; có thể vui, có thể buồn; có thể cười, có thể khóc; có thể yêu đương, có thể chia ly; nhưng chắc chắn sẽ phải luôn có hy vọng.
Vì bạn tôi ơi, mùa xuân là mùa của hy vọng!
Người già ngày Tết này ngồi đếm tuổi mình rồi đếm tuổi con, cháu, chắt thôi có khi cũng mệt rồi, nên hạnh phúc nhất là người già cứ ngồi cười, ngồi nghe, chăm cây, ngắm hoa là cả nhà quây quần đều vui. Trẻ con vô lo vô nghĩ, háo hức Tết vô cùng, xem lịch đếm từng ngày. Chúng chỉ biết rằng, cứ gần ngày ấy là nhà mình có cây hoa đào, có cành hoa mai; cứ đúng ngày là có pháo hoa bắn đẹp lắm; rồi sau ngày ấy là có lì xì, bánh kẹo ăn ngập ngụa như một thiên đường trong mơ. Trẻ con ngày Tết “tắm” trong tiền, có khi cả ngày chỉ ngồi sung sướng đếm đi, đếm lại đống tiền được người lớn mừng tuổi, tính ra còn nhiều hơn tổng số tiền trong suốt cả năm chúng được ba mẹ cho tiêu vặt.
Còn người trẻ, sức dài vai rộng nhất có khi lại đương khủng hoảng, mang nỗi lo sợ rằng mỗi năm mới sang thì ta lại “già” thêm một tuổi, trong khi còn bao việc dở dang, lỡ làng. Nhưng cái không khí đón Tết, đón Xuân rộn ràng lại đánh lừa rằng người ta đang trẻ ra. Sức sống căng tràn từ cây cối mơn mởn, từ thời tiết dịu dàng, từ cơn mưa phùn rơi mát mặt, từ không khí tấp nập sắm sửa trên đường phố, làm mờ đi những rãnh nhăn khô nứt nẻ trên mặt người ta sau một mùa đông giá rét khắc nghiệt. Người trẻ lại thấy hừng hực sức lao động để sống và để yêu thương.
Nhưng có lẽ điều tuyệt vời nhất mà mùa xuân mang lại, đó chính là hy vọng. Dù năm cũ có ra sao, dù có bao nhiêu mùa xuân đã qua trong cuộc đời ta, dù ta đã trải qua bao nhiêu biến cố, mất mát; thì cũng chẳng gì có thể ngăn ta lại hy vọng, lại mơ mộng về một khởi đầu mới tươi đẹp hơn. Đến cây cối vô tri, vô giác còn đến mùa thay lá, ra hoa thì cớ gì ta không tự cho mình một cơ hội mới để làm tốt hơn những gì đã cũ. Đầu năm đi chúc Tết những người ta thương mến, nhà cửa khang trang làm người khác trầm trồ, xiêm y lộng lẫy làm người ta thán phục, nhưng với tôi điều kỳ diệu nhất là niềm hy vọng bừng sáng lấp lánh trong ánh mắt từng người trong gia đình. Trong một năm đã qua, dù vượt qua nhiều thách thức, khó khăn hay làm ăn thuận buồm xuôi gió; dù là già, trẻ, gái, trai; có thể vui, có thể buồn; có thể cười, có thể khóc; có thể yêu đương, có thể chia ly; nhưng chắc chắn sẽ phải luôn có hy vọng.
Vì bạn tôi ơi, mùa xuân là mùa của hy vọng!
Minh Châu