Sức khỏe
Thứ ba, 21/4/2020, 00:09 (GMT+7)

Tây Đô những ngày 'đóng cửa'

Cần ThơĐiểm tham quan ở Cần Thơ đóng cửa, người dân tranh thủ dọn dẹp vườn tược, trồng thêm cây cảnh chờ đợi ngày hết dịch đón khách trở lại.

Không còn du khách, tàu du lịch neo đậu chơ vơ trước chợ nổi Cái Răng. Chợ được hình thành khoảng 120 năm trước, mỗi ngày quy tụ khoảng 250-300 nghe, tàu chở hàng hóa nông sản từ các nơi đến buôn bán, trao đổi. Trước khi dịch Covid- 19 xảy ra, ngày nào cũng có khoảng 200 tàu du lịch đưa du khách đến tham quan chợ nổi lớn nhất miền Tây này. Du khách đến đây có thể giao lưu đờn ca tài tử, thưởng thức nhiều món ngon miền Tây ngay trên tàu... Bộ ảnh được chụp vào những ngày giữa tháng 4.

Ông Nguyễn Văn Trung có thâm niên 25 chạy xuồng máy bán thức ăn tại đây."Chợ không còn khách du lịch nên vắng và tan sớm lắm. Trước đây nhờ đông du khách, mỗi ngày tôi bán 200 tô bún, mì kiếm được khoảng 250.000 đồng", người đàn ông 53 tuổi nói và cho biết, giờ chỉ bán được khoảng 50 tô cho dân thương hồ tại chợ.  

Cảng du lịch mỗi ngày đón hàng trăm tàu du lịch tham qua sông nước Cần Thơ, phải tạm ngưng hoạt động. 

Thực hiện cao điểm phòng chống Covid-19, du thuyền sức chứa 500 khách tạm ngưng phục vụ ăn uống và tham quan sông Hậu, sông Cần Thơ.    

Bến Ninh Kiều vắng lặng trong một ngày giữa tháng 4.

Chợ cổ Cần Thơ, điểm tham quan, mua sắm nổi tiếng Tây Đô đóng cửa từ ngày 25/3. Công trình được được xây dựng vào năm 1915, cùng thời với chợ Bến Thành và chợ Bình Tây ở TP HCM.

Đến năm 2005, chợ được trùng tu với diện tích hơn 1.700 m2, giữ lại phần lớn kiến trúc cổ, hình chữ nhật, mặt trước cặp đường Hai Bà Trưng, mặt sau hướng ra sông Cần Thơ. Không gian bên trong được phân thành các lô nhỏ buôn bán, kinh doanh các sản phẩm phục vụ du khách.

Cầu đi bộ đầu tiên ở Cần Thơ vắng bóng người khi chiều xuống. Cầu dài gần 200 m, rộng 7,2 m, uốn lượn hình chữ S, tổng mức đầu tư gần 50 tỷ đồng, được khánh thành bốn năm trước, là điểm nhấn cảnh quan của trung tâm Cần Thơ.

Nhà cổ Bình Thủy đóng cửa, ngưng đón khách từ 25/3. Đây được mệnh danh là nhà cổ đẹp nhất miền Tây, xây dựng từ năm 1870 thuộc sở hữu của nhà họ Dương. Đầu thế kỷ 20, nhà được tôn tạo lại có diện mạo như hiện thời. Nhà cổ Bình Thủy là sự giao thoa của hai nền văn hóa Đông – Tây, mang hơi hướng kiến trúc biệt thự cổ kiểu Pháp.

Làng du lịch sinh thái lớn nhất Cần Thơ với 35 ha, tại huyện Phong Điền, đóng cửa từ giữa tháng 3. "Trước đây mỗi ngày có khoảng 400-500 khách đến vui chơi; dịp cuối tuần, dịp lễ, Tết từ 1.000 đến 5.000 người. Nhưng khi có Covid- 19, khách e ngại không còn đến nữa nên tôi chủ động ngưng phục vụ trước khi có lệnh", ông Lê Văn Sang - Giám đốc làng du lịch nói và cho biết, đã hai lần hỗ trợ lương thực, nhu yếu phẩm cho 50 nhân viên bị mất việc. 

Ngưng hoạt động từ 8/3 đến nay, mỗi ngày ông Lê Trung Tín ở Cồn Sơn, nằm giữa sông Hậu (quận Bình Thủy), phải tốn một triệu đồng cho đàn cá lóc bay hơn 10.000 con ăn. "Trong thời gian này, tôi tranh thủ dọn lại khu vườn cây ăn trái gần một ha, trồng thêm hoa kiểng, cây cảnh và duy trì tập luyện cho đàn cá bay để khi hết dịch bệnh  mở cửa đón khách tham quan liền", ông Tín nói. 

Cửu Long

Mời độc giả gửi bài, câu hỏi tại đây hoặc về dulich@vnexpress.net