"Mục tiêu duy nhất của chúng tôi là chấm dứt chiến tranh và tiến tới thực hiện giải pháp hai nhà nước", Ngoại trưởng Tây Ban Nha Jose Manuel Albares nói trong cuộc họp báo ngày 6/6, khi thông báo cùng Nam Phi tham gia vụ kiện chống lại Israel tại Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ).
Ông Albares nói thêm Tây Ban Nha hành động như vậy là vì cam kết của họ với luật pháp quốc tế, mong muốn hỗ trợ công việc của ICJ cũng như củng cố vị thế Liên Hợp Quốc.
Tuyên bố của Ngoại trưởng Tây Ban Nha được đưa ra sau khi nước này cùng Ireland, Na Uy công nhận nhà nước Palestine, động thái khiến Israel nổi giận.
Nam Phi hồi tháng 12/2023 đệ đơn kiện lên ICJ, cáo buộc Israel có những hành động "diệt chủng" tại Dải Gaza. Nước này sau đó liên tục chỉ trích Israel coi thường luật pháp quốc tế, nhưng Tel Aviv bác bỏ các cáo buộc.
Hồi tháng 1, ICJ ra lệnh cho Israel làm mọi cách để "ngăn chặn hành động diệt chủng trong hoạt động quân sự tại Dải Gaza". Kể từ đó, Nam Phi nhiều lần lập luận với ICJ rằng tình hình nhân đạo ở dải đất đang rất thảm khốc, nhằm gây sức ép để ICJ ra thêm phán quyết.
ICJ hôm 24/5 ra lệnh cho Israel "lập tức" dừng chiến dịch quân sự ở thành phố Rafah và tiếp tục mở cửa khẩu biên giới tại đây để không cản trở viện trợ nhân đạo. Tòa án tuần trước tiếp tục ra lệnh cho Israel không cản trở các điều tra viên được Liên Hợp Quốc (LHQ) ủy quyền để điều tra cáo buộc diệt chủng, đồng thời kêu gọi "thả vô điều kiện" các con tin đang bị Hamas giữ ở Dải Gaza.
ICJ, cơ quan tư pháp tối cao của Liên Hợp Quốc, là tòa án hàng đầu thế giới đứng ra giải quyết những khiếu nại pháp lý giữa các quốc gia về cáo buộc vi phạm luật pháp quốc tế. Phán quyết của ICJ mang tính ràng buộc, nhưng cơ quan này không có phương thức đảm bảo thực thi phán quyết. Trong một số vụ trước đây, nước bị kiện vẫn phớt lờ phán quyết của tòa.
Ngọc Ánh (Theo AFP/Reuters)