Ngày 11/9, khách sạn Centrica ở Hạ Long đón hai đoàn khách đầu tiên sau bão Yagi, sử dụng 21 phòng. Đoàn đã đặt dịch vụ từ trước. Theo đại diện khách sạn, cơ sở cơ bản đã dọn dẹp xong nhưng hệ thống điện Mặt Trời bị hỏng chưa thể thay mới, khu vực vẫn mất điện từ sau bão. Để phục vụ, khách sạn sử dụng máy phát điện nên tính ra "có khách còn lỗ hơn ngồi không".
Ngày 9/9, Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh ghi nhận một số đoàn khách quốc tế có chương trình từ trước vẫn thực hiện hành trình đến Hạ Long. Các cơ sở lưu trú phục vụ khách nhưng công tác tổ chức phục vụ gặp khó khăn do chưa có điện, nước; hệ thống viễn thông, cung ứng thực phẩm, xăng dầu chưa đầy đủ; nhiều tuyến đường, phố và các khu điểm du lịch bị chia cắt; cây đổ gây ách tắc giao thông; tình hình mưa lũ tiếp tục kéo dài liên tục.
Ông Trần Quốc Hùng, Trưởng phòng Phát triển Sản phẩm Mustgo - nền tảng đặt phòng trực tuyến với hơn 2.000 đối tác khách sạn toàn quốc - nói tới sáng 11/9, khoảng 60% khách sạn tại Hạ Long vẫn đóng cửa, ít nhất tới hết tuần, lý do lớn nhất là chưa có điện. Một số khách sạn cũng đóng cửa vì hư hại nặng nề. Một khách sạn 5 sao ở phường Hùng Thắng bị bão quật vỡ nhiều mặt kính, đã thông báo tạm dừng hoạt động đến khi khắc phục xong.
Cảng tàu khách Quốc tế Tuần Châu đã hoạt động vào 10/9 nhưng khung cảnh còn ngổn ngang, 27 tàu du lịch trong ngày và một tàu ngủ đêm bị bão đánh chìm, chưa được trục vớt.
Đến ngày 11/9, ông Đào Huy Hiếu, chủ tàu Đông Dương phục vụ khách theo giờ vẫn chưa thể hoàn thành thủ tục trục vớt con tàu với 48 chỗ của mình. Ông Hiếu nói việc trục vớt phải thực hiện tuần tự do các tàu chìm đều nằm trong bến cảng. Khu vực tàu Đông Dương chìm còn có 6 tàu bị đánh đắm một phần khác, nằm chồng lên nhau.
Chủ tàu này nói theo quy định, tất cả tàu bị chìm đều phải được trục vớt, chi phí do chủ tàu trả. Chi phí trục vớt, sửa chữa cho tàu ước tính khoảng 700 triệu đồng. Ông Hiếu cho rằng tàu vỏ gỗ ngâm nước lâu đã bị hư hại nặng, khó đưa vào sử dụng lại. Ông dự định bán các phần còn có thể sử dụng, làm thủ tục đóng mới, chi phí khoảng 5 tỷ đồng.
"Thiệt hại của tôi còn quá nhỏ so với những người khác, những con tàu ngủ đêm có giá tới vài chục tỷ đồng", ông nói. Hiện tại, ông Hiếu không còn tàu để kinh doanh nhưng vẫn có thể thực hiện các hợp đồng đã ký bằng cách gửi khách đến các chủ tàu liên kết.
Hải Phòng cũng là địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề bởi bão Yagi. Thống kê từ Mustgo chỉ ra 80% cơ sở lưu trú trên đảo Cát Bà không còn khả năng phục vụ khách tới ít nhất hết tuần này. Cát Bà hiện tan hoang, nhiều cơ sở du lịch thiệt hại hàng chục tỷ đồng. UBND huyện đảo Cát Hải cho biết 4.717 ngôi nhà bị hư hỏng, thiệt hại tổng thể chưa thể thống kê.
Anh Lê Mạnh Hiệp, chủ khách sạn Dolphin Hotel 230, cho biết gia đình thiệt hại khoảng 500 triệu đồng, các cơ sở khác cũng ảnh hưởng vô cùng lớn. Việc sửa chữa ước tính sẽ kéo dài từ một tháng đến hè năm sau. Không riêng các khách sạn nhỏ, một resort lớn trên đảo cũng tạm ngừng đón khách trong tuần này.
Khu vực vịnh Lan Hạ tập trung nhiều du thuyền ngủ đêm nhưng khả năng đón khách vẫn còn bỏ ngỏ. Dù hoạt động tham quan, ngủ đêm trên vịnh đã trở lại, nhiều tàu vẫn chưa được khắc phục hoàn toàn thiệt hại sau bão. Du thuyền 5 sao Heritage chỉ có thể nhận khách từ 16/9 vì bị hư hại ở mũi và đuôi, nhà chờ cũng đang được sửa chữa.
Ông Phạm Hà, chủ du thuyền, dự tính chuyển khách đã đặt từ Heritage sang tàu Emperor, hoạt động trên vịnh Hạ Long và dự kiến đón đoàn khách đầu tiên từ 12/9. Dù một số tàu đã được cấp phép hoạt động trong ngày 10/9, nhưng tới tối cùng ngày, UBND tỉnh Quảng Ninh yêu cầu các phương tiện quay về bến cảng "vì tình hình mưa bão còn diễn biến phức tạp". Kế hoạch khởi động lại của tàu Emperor sẽ tạm lùi sang 13/9.
Tú Nguyễn
VnExpress mở chiến dịch "Cùng đồng bào vượt lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây.