Ngày 5/9, ông Trump có bài phát biểu kéo dài một giờ tại Câu lạc bộ Kinh tế New York trước những gương mặt nổi tiếng của Phố Wall, vào thời điểm Phó tổng thống Kamala Harris, ứng viên đảng Dân chủ, đã thu hẹp lợi thế của cựu tổng thống trong các cuộc khảo sát cử tri về vấn đề kinh tế. Cả ông Trump và bà Harris đều chịu áp lực phải đưa ra tầm nhìn chính sách cụ thể để giúp thúc đẩy nền kinh tế, vốn bị sa lầy bởi giá cao và lãi suất vay tăng cao, khi có nhiều lo ngại về nguy cơ tăng trưởng chậm.
"Tôi cam kết thuế thấp, cắt giảm quy định, chi phí năng lượng thấp, lãi suất thấp, biên giới an toàn, tỷ lệ tội phạm cực thấp và thu nhập cao cho công dân bất kể chủng tộc, tôn giáo, màu da hay tín ngưỡng. Kế hoạch của tôi sẽ đẩy lùi lạm phát, nhanh chóng hạ giá và khôi phục mức độ tăng trưởng kinh tế bùng nổ", ứng viên đảng Cộng hòa nói.
Ông nêu kế hoạch bổ nhiệm tỷ phú Elon Musk làm lãnh đạo ủy ban "chịu trách nhiệm giám sát tài chính và hiệu suất của toàn bộ chính phủ liên bang, cũng như đưa ra các khuyến nghị cải cách mạnh mẽ". Cựu tổng thống đặt mục tiêu rằng ủy ban này sẽ giúp loại bỏ "hàng nghìn tỷ USD" chi tiêu lãng phí.
Ông Trump ca ngợi thành tựu kinh tế trong nhiệm kỳ đầu của mình, đồng thời chỉ trích các chính sách của chính quyền Biden - Harris về kinh tế và nhập cư. "Chúng tôi đã tạo ra phép màu kinh tế, nhưng Harris và Biden đã biến nó thành thảm họa", ông Trump nói, đổ lỗi cho chính quyền hiện tại về lạm phát cao.
Lạm phát đã tăng vọt trong nhiệm kỳ của ông Biden sau khi đại dịch Covid-19 làm tắc nghẽn chuỗi cung ứng, song đã giảm đáng kể sau khi đạt đỉnh vào năm 2022. Lạm phát đang theo đà giảm và dự kiến xuống mức mục tiêu 2%, theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ. Tuy nhiên, ông Trump và các đồng minh vẫn liên tục công kích phe Dân chủ về vấn đề này.
Một lời hứa hẹn của ông Trump làm hài lòng giới doanh nghiệp là ông sẽ gia hạn đạo luật cắt giảm thuế mà ông từng thông qua năm 2017. Ông nhấn mạnh sự tương phản giữa mình với bà Harris, khi bà đã nêu kế hoạch tăng thuế doanh nghiệp từ 21 lên 28%.
Trump đề xuất giảm thuế doanh nghiệp xuống 15%. Tuy nhiên, mức giảm sẽ chỉ dành cho các công ty sản xuất tại Mỹ, những công ty thuê sản xuất ngoài, chuyển dây chuyền ra nước ngoài hoặc không thuê lao động Mỹ không đủ điều kiện hưởng ưu đãi.
"Thông điệp của chúng tôi rất đơn giản: hãy tạo ra sản phẩm của bạn ở Mỹ. Chỉ ở Mỹ mà thôi", ông Trump nói.
Cựu tổng thống cũng hứa hẹn mang lại "năng lượng dồi dào, độc lập và thậm chí thống trị ngành năng lượng" nếu trở lại Nhà Trắng. Ông dự định tuyên bố tình trạng khẩn cấp quốc gia để cắt giảm các quy định liên quan tới khai thác dầu khí và tăng cường sản xuất năng lượng trong nước.
Trump khẳng định những hành động này sẽ làm giảm giá năng lượng ít nhất một nửa trong vòng 12 tháng sau khi ông nhậm chức, cam kết chấm dứt "cuộc thập tự chinh chống năng lượng" của ứng viên đảng Dân chủ. Giá xăng và các chi phí năng lượng khác tại Mỹ hiện cao hơn so với thời Trump còn tại nhiệm.
Về thuế quan, Trump đã đề xuất mức thuế chung là 10% với tất cả sản phẩm nhập khẩu vào Mỹ. Tuy nhiên, tại một sự kiện tháng trước ở North Carolina, ông gợi ý thuế suất có thể tăng lên 20%. Với các sản phẩm từ Trung Quốc, ông muốn áp thuế 60%.
Trong bài phát biểu ngày 5/9, Trump gọi đây là "chính sách thương mại có lợi cho Mỹ, sử dụng thuế quan để khuyến khích sản xuất trong nước" và sẽ dẫn đến "sự phục hưng kinh tế quốc gia".
Trump gợi ý rằng ông có thể sử dụng số tiền thu được từ thuế quan để thành lập một quỹ đầu tư quốc gia, nhằm tài trợ cho dự án cơ sở hạ tầng, chi phí chăm sóc trẻ em hay trả nợ công.
Nhiều nhà kinh tế cảnh báo những mức thuế quan đó có thể phản tác dụng bằng cách làm tăng giá cả cho các gia đình Mỹ, làm mất việc làm và gây ra chiến tranh thương mại toàn cầu. "Đó là chính sách bảo hộ kinh tế khủng khiếp", Douglas Holtz-Eakin, chủ tịch tổ chức tư vấn trung hữu Diễn đàn Hành động Mỹ, nói.
Trong khi đó, Trump tin các chính sách của ông sẽ thúc đẩy tăng trưởng, chứ không dẫn tới những hậu quả như làm suy yếu tăng trưởng và khiến giá cả tăng vọt như nhiều nhà kinh tế cảnh báo.
Chiến dịch tranh cử của bà Harris cáo buộc ông Trump "nói dối trắng trợn người dân Mỹ, không cho họ biết những hậu quả nghiêm trọng từ kế hoạch kinh tế của ông ấy".
Karoline Leavitt, thư ký báo chí chiến dịch của ông Trump, phản bác ý kiến này.
"Nhiều nhà kinh tế và chuyên gia từng hoài nghi kế hoạch kinh tế của Tổng thống Trump trong nhiệm kỳ đầu. Họ đã sai lầm và sẽ tiếp tục được chứng minh sai lầm một lần nữa. Tổng thống Donald Trump đã áp thành công thuế quan với Trung Quốc trong nhiệm kỳ đầu tiên và cắt giảm thuế cho người Mỹ. Ông ấy sẽ làm điều đó lần nữa trong nhiệm kỳ thứ hai. Kế hoạch của Tổng thống sẽ mang đến hàng triệu việc làm và hàng trăm tỷ USD từ Trung Quốc về Mỹ", Leavitt nói.
Người sáng lập Key Square Scott Besent nhận xét bài phát biểu đã cho thấy phần nào chương trình nghị sự chính sách của ông Trump với nhiều mục mới, dự kiến "tăng sức hấp dẫn" cho cựu tổng thống.
"Ông ấy đã đưa ra cảnh báo về các chính sách hiện tại của chính quyền Tổng thống Biden, sau đó đưa ra giải pháp đầy lạc quan như đã làm năm 2016", Bessent, một trong những đồng minh lớn nhất của ông Trump trong lĩnh vực tài chính, nói.
Thùy Lâm (Theo Politico, FT, CNN)