"Khi bạn ở vào trạng thái căng thẳng tột độ, bạn dễ bị hoảng sợ. Tôi cần tập trung cho sức khỏe tinh thần của bản thân, không gây nguy hiểm cho thể trạng và sự an lành của mình nữa", Biles giải thích về quyết định rút lui trong buổi họp báo sau phần thi chung kết đồng đội nữ hôm 27/7.
Quyết định của Biles khiến Mỹ không thể bảo vệ chiếc HC vàng đồng đội nữ Thể dục Dụng cụ. Một ngày sau đó, vì cùng lý do - sức khoẻ tinh thần, huyền thoại 24 tuổi người Mỹ tuyên bố bỏ tiếp phần thi toàn năng nữ - nội dung cô từng đoạt HC vàng tại Olympic Rio 2016. Biles cũng để ngỏ việc tham gia hai phần thi còn lại, gồm nhảy ngựa và tự do nữ. Cả bốn nội dung Biles tranh tài tại Tokyo lần này là bốn nội dung cô từng đoạt HC vàng trên đất Brazil năm năm trước.
Chuyện sức khoẻ tinh thần, hay tâm lý thi đấu của VĐV, vốn không mới trong thể thao đỉnh cao. Nhưng vì áp lực thành tích, khát vọng chinh phục và vô số lý do khác, chuyện này thường không được nhìn nhận đúng mực, nhất là ở khía cạnh tác động ngược của nó lên các VĐV. Chỉ đến khi một huyền thoại như Biles - chủ nhân của bốn HC vàng Olympic, 19 HC vàng ở giải VĐTG, biểu tượng đấu tranh chống phân biệt chủng tộc và lạm dụng tình dục với các VĐV - lên tiếng, vấn đề mới nhận được sự quan tâm sâu rộng. Nhiều huyền thoại thể thao, nhân vật ảnh hưởng, trong đó cựu kinh ngư Michael Phelps, cựu Đệ nhất Phu nhân Mỹ Michelle Obama, ngôi sao bóng rổ NBA Pau Gasol... và ngay cả những VĐV Mỹ, Canada... đang thi đấu tại Tokyo đều lên tiếng ủng hộ quyết định của Biles.
Sự hồi hộp trước lượt nhảy cuối cùng, sự tập trung trước lượt đánh quyết định, việc tính toán sẽ xử lý thế nào trong từng đường bóng, sự căng thẳng trong loạt đá luân lưu may rủi... Tất cả những khoảnh khắc này trong thể thao, đều đi kèm với tâm lý thi đấu - yếu tố có thể quyết định đến thành bại của một VĐV.
"Trí óc cũng như cơ bắp, bạn phải rèn luyện nó", Toni Martos -nhà tâm lý học đã tư vấn cho các VĐV từ năm 1996 - nói trên Marca. "VĐV có thể tập luyện theo nhiều cách khác nhau, từ khả năng giữ tập trung, chịu đựng hay kiểm soát tâm lý, đến việc đưa ra quyết định thông qua thư giãn".
Với một giải đấu đỉnh cao như Olympic, được tổ chức bốn năm một lần, trừ ngoại lệ bị muộn một năm như Tokyo 2020 lần này, việc chuẩn bị tâm lý vững vàng là tối quan trọng khi thành bại có thể được định đoạt chỉ trong vài giây, và cơ hội để sửa sai là rất ít.
Vì thế, tâm lý học thể thao, vốn trải qua quá trình phát triển mạnh mẽ trong những thập kỷ gần đây, đã trở thành một phần không thể thiếu trong thể thao đỉnh cao. "Sự phát triển của một VĐV được xét trên nhiều yếu tố, như thể chất, kỹ thuật, thể lực và tâm lý thi đấu", Lucía Guisado, HLV đội thể dục dụng cụ Tây Ban Nha, nhấn mạnh.
Thể dục dụng cụ là một trong những môn thể thao đầu tiên ở Tây Ban Nha làm việc với các nhà tâm lý học, từ thập niên 1990. Đặc thù của môn thể thao này, trong đó có việc các VĐV phải thi đấu ở độ khó cao nhất khi mới 16 tuổi, là một trong những yếu tố thiết lập quan hệ chuyên nghiệp giữa VĐV và nhà tâm lý học thể thao từ sớm.
"Tuổi teen là giai đoạn tâm lý có nhiều thay đổi. Các VĐV thể dục dụng cụ đôi khi phải gánh vác trách nhiệm lớn từ khi còn nhỏ. Vì vậy, chúng tôi đã phải làm việc với các chuyên gia trong lĩnh vực tâm lý học để phát huy thế mạnh, đồng thời giải quyết những khó khăn của VĐV", HLV Guisado phân tích thêm.
Bên cạnh kỹ thuật căn bản, các VĐV thể dục dụng cụ phải học cách làm chủ và vượt qua nỗi sợ nội tại của môn thể thao mà họ phải "bay" trên không trung, thực hiện những kỹ thuật khó rồi tiếp đất. "Khi tập luyện, các VĐV có đệm để bảo vệ khi bị ngã. Nhưng họ sẽ không có sự bảo vệ đó khi dự những giải đấu đỉnh cao. Ví dụ, các VĐV phải đi trên thanh xà ngang rộng 10 centimet, nơi họ phải nhảy và xoay người. Và các nhà tâm lý học là những người có thể giúp họ kiểm soát nỗi sợ đó", Guisado tiếp tục.
Giống kỹ thuật và thể lực, nhiều VĐV đã tìm đến bác sĩ, chuyên gia tâm lý để xây dựng tinh thần thi đấu vững vàng, qua đó có sự chuẩn bị tốt nhất cho các giải đấu lớn như Olympic. "Thông thường, tôi trò chuyện với các VĐV và đội ngũ HLV, để đặt ra các mục tiêu cụ thể cho họ", nhà tâm lý học thể thao María Martínez nói. "Tôi như một HLV khác vậy, người lên kế hoạch cho việc chuẩn bị tâm lý thi đấu cho các VĐV".
Các nhà tâm lý học giao bài tập, tùy thuộc vào nhu cầu và mục tiêu của mỗi VĐV, nhằm cải thiện khả năng chịu đựng, sự tập trung bất chấp mệt mỏi, duy trì động lực thi đấu hay kiểm soát sự tự tin. "Chúng tôi nhìn ra những khiếm khuyết và điểm mạnh của từng VĐV, qua đó giúp mỗi người cảm thấy khỏe mạnh, không né tránh tập luyện và thi đấu, và có thể trở thành phiên bản hoàn hảo nhất của họ khi vào các giải đấu đỉnh cao", Martínez chia sẻ thêm.
Võ sĩ judo Tây Ban Nha Julia Figueroa là một trường hợp như vậy. "Tôi bắt đầu làm việc với bác sĩ tâm lý thể thao từ 2017. Ở nhiều giải đấu, tôi tự nhận thấy mình luôn vượt trội các đối thủ, cả về tâm lý lẫn sức mạnh. Nhưng rồi mọi thứ trở nên phức tạp, và tôi đã thua vài giải. Khi đó, tôi nhận ra mình đang tụt lùi về khía cạnh tâm lý", cô nói. Nhờ chuẩn bị tâm lý tốt, võ nữ võ sĩ 30 tuổi này rất thoải mái khi bước vào tranh tài ở Tokyo 2020. Figueroa nói: "Tôi cảm thấy mình được trang bị tốt hơn khi đến với Thế vận hội. Đây là giải đấu lớn nhất đời tôi cơ mà".
Việc Olympic Tokyo 2020 hoãn một năm nảy sinh thêm nhiều vấn đề. Các VĐV không chỉ phải chờ đợi thêm 365 ngày. Vì vô số quy định phòng dịch hà khắc, VĐV không thể tập luyện bình thường. Rất nhiều trường hợp rơi vào trạng thái hoang mang, rối loạn khi kế hoạch tập huấn, thi đấu cọ xát để chuẩn bị cho Thế vận hội bị xáo trộn lịch, hoặc tệ hơn, bị huỷ.
"Chúng tôi đã phải giải quyết tất cả điều đó. Covid-19 khiến tất cả chúng ta, bao gồm cả các VĐV, dễ bị tổn thương", Martos nói. "Tuy nhiên, một trong những phẩm chất tuyệt vời của những VĐV hàng đầu là khả năng thích nghi, và họ đã trở thành tấm gương trong thời kỳ dịch bệnh. Họ phải tập luyện ở nhà, nhưng không thay đổi mục tiêu thi đấu".
Khả năng thích nghi cũng giúp VĐV bớt hụt hẫng vì bối cảnh chưa từng có của Olympic Tokyo 2020 lần này - diễn ra mà không có khán giả cổ vũ. Các VĐV đến Nhật Bản tranh tài trong những nhà thi đấn, sân bóng vắng lặng. Không có tiếng vỗ tay, cổ vũ từ người hâm mộ, mà chỉ có lời nhắc nhở của HLV, của trọng tài, và cùng lắm vài tiếng hò reo, cổ vũ từ chính các đồng đội, đồng nghiệp đang có mặt, nhưng không phải bận thi đấu.
"Trong một năm qua, nhiều VĐV từng thi đấu trong cảnh vắng khán giả rồi, nhưng Olympic là giải đấu rất khác, và có những người bị ảnh hưởng lớn bởi sự yên ắng trên các khán đài. Đây là tình huống mới, ngay cả với các nhà tâm lý học, nhưng có thể giải quyết được", Martos khẳng định.
Sự thích nghi ấy thể hiện rõ qua những màn đua tranh quyết liệt ở các nội dung bơi. Trong bối cảnh bình thường, các VĐV bơi luôn tìm thấy sự hưng phấn từ đám đông sôi động, liên tục hò reo cổ vũ trong những cung thể thao đầy ắp khán giả. Nhưng tại Tokyo 2020, bất chấp sự vắng lặng, vẫn có 20 kỷ lục Olympic và Thế giới được thiết lập.
Cá biệt, ở nội dung 100m ngửa nữ, liên tiếp ba kỷ lục Olympic bị phá trong ba cuộc thi loại (heat), với các mốc thành tích 58,17 giây của VĐV Canada Kylie Masse, 57,96 giây của VĐV Mỹ Regan Smith rồi 57,88 giây của VĐV Australia Kaylee McKeown. Vào bán kết, tới lượt Smith lại vượt lên, lập kỷ lục mới với 57,86 giây. Nhưng kỷ lục này cũng chỉ tồn tại đến ... chung kết, nơi McKeown giành HC vàng kèm kỷ lục mới với 57,47 giây.
Hồng Duy tổng hợp