Robert F. Kennedy Jr. ngày 23/8 thông báo đình chỉ tranh cử, rút tên khỏi lá phiếu ở 10 bang chiến trường và ủng hộ Trump. Ông thể hiện bất bình với nhiều chính sách của đảng Dân chủ và cho biết có quan điểm đồng thuận với cựu tổng thống Trump trong một số vấn đề chủ chốt.
Đây là động thái đáng chú ý vì Kennedy Jr., 70 tuổi, ban đầu tranh cử với tư cách ứng viên Dân chủ trước khi chuyển thành ứng viên độc lập hồi tháng 10/2023. Cha và bác của Kennedy Jr., cựu bộ trưởng tư pháp Robert F. Kennedy và cố tổng thống John F. Kennedy, đều từng là những chính trị gia nổi bật nhất của đảng Dân chủ.
Giới phân tích cho rằng Kennedy Jr. có thể giúp ông Trump có thêm chút lợi thế trong cuộc đua. Tuy nhiên, do chỉ nhận được tỷ lệ ủng hộ một chữ số trong các cuộc thăm dò, việc Kennedy Jr. rút lui khó có thể khiến cán cân Trump - Harris lệch hẳn về một phía.
Trước khi đưa ra tuyên bố mới nhất, Kennedy Jr. đã được 24 bang chấp thuận ghi danh trên phiếu bầu tổng thống và đang chờ phán quyết từ 21 bang cùng thủ đô Washington.
Trung bình kết quả các thăm dò do RealClearPolitics tập hợp gần đây cho thấy bà Harris dẫn trước ông Trump 1,6 điểm phần trăm trong cuộc đấu 5 người, gồm hai ứng viên Cộng hòa, Dân chủ và các ứng viên độc lập Kennedy Jr., Jill Stein, Cornel West.
Chênh lệch Harris - Trump giảm còn 1,5 điểm phần trăm nếu hai ứng viên này đấu tay đôi, cho thấy cựu tổng thống Mỹ có hưởng lợi nhưng không đáng kể từ việc Kennedy Jr. không xuất hiện trên phiếu bầu.
Trong khi đó, kết quả khảo sát do Cao đẳng Emerson, bang Massachusetts, công bố ngày 15/8 cho thấy đảng Dân chủ và Cộng hòa hưởng lợi như nhau khi Kennedy Jr. rút lui. Tỷ lệ ủng hộ ông Trump và bà Harris đều tăng thêm 2 điểm phần trăm.
Theo New York Magazine, việc Kennedy Jr. tuyên bố ủng hộ Trump sẽ là thông tin thống trị các mặt báo, góp phần làm lu mờ bất kỳ cú hích nào mà bà Harris nhận được từ Đại hội Toàn quốc đảng Dân chủ vừa diễn ra ở Chicago, bang Illinois. Tuy nhiên, quan điểm của Kennedy Jr. về một số vấn đề có nguy cơ khiến chiến dịch của Trump hứng công kích.
Kennedy Jr. là luật sư môi trường và tác giả sách, nhiều lần gây tranh cãi về quan điểm chống vaccine và các thuyết âm mưu thiếu căn cứ.
"Tóm lại, hiện chưa rõ Kennedy Jr. có thể mang lại điều gì cho Trump. Nhưng việc Kennedy Jr. chuyển phe sẽ giúp cựu tổng thống có thông tin tích cực để đề cập", tạp chí bình luận.
Chris Hahn, nhà bình luận chính trị tại đài News Nation, lại cho rằng chiến dịch của bà Harris sẽ hưởng lợi nhiều hơn. Đảng Dân chủ vốn lo ngại về một "kẻ ngáng đường" từ bên thứ ba có thể hút bớt phiếu bầu, đặc biệt là ở những bang chiến trường quan trọng có thể định đoạt kết quả bầu cử. Kịch bản này từng xảy ra năm 2016, bà Stein nhận 31.072 phiếu ở bang Wisconsin, trong khi ông Trump thắng bà Clinton với chênh lệch khoảng 22.700 phiếu.
Năm 2000, ứng viên Cộng hòa George W. Bush đánh bại ứng viên Dân chủ Al Gore ở Florida với chênh lệch 537 phiếu. Ralph Nader của đảng Xanh nhận gần 100.000 phiếu ở bang này. Phe Dân chủ cho rằng Nader đã hút bớt cử tri nghiêng về cánh tả vốn nhiều khả năng bầu cho Al Gore, từ đó tạo điều kiện để ông Bush đắc cử.
Ngoài ra, khi thêm yếu tố cử tri độc lập vào các thăm dò, bà Harris dẫn trước ông Trump với tỷ lệ 48%-37% trong khảo sát NPR/PBS/Marist và 33%-20% trong khảo sát Economist/YouGov. Điều này cho thấy ứng viên Dân chủ có thể thu hút được lượng lớn cử tri độc lập từng ủng hộ Kennedy Jr.
Chủ tịch chi nhánh đảng Dân chủ bang Wisconsin Ben Wilker nói nghiên cứu về cử tri ủng hộ Kennedy Jr. cho thấy nhiều người trong số họ chọn ứng viên độc lập vì không thích ông Biden và ông Trump, hai ứng viên tổng thống lớn tuổi nhất của cả hai chính đảng.
Giờ đây, ông Biden đã rời cuộc đua và nhường cơ hội cho bà Harris. Bà Harris và ứng viên cấp phó Tim Walz "đang là phương án thay thế hấp dẫn", theo Wilker.
Jen O'Malley Dillon, chủ tịch chiến dịch tranh cử của bà Harris, thúc giục cử tri từng ủng hộ ông Kennedy Jr. đổi phe. "Dù chúng ta không phải lúc nào cũng đồng thuận về các vấn đề, Kamala Harris hiểu rằng có nhiều điều giúp chúng ta trở nên đoàn kết hơn là chia rẽ", Dillon nói.
Như Tâm (Theo Forbes, Washington Post)