"Châu Âu ghi nhận nhiều ca nhiễm và chết vì nCoV hơn so với phần còn lại của thế giới cộng lại, ngoài Trung Quốc. Châu Âu giờ đã trở thành tâm của đại dịch", Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus nói trong cuộc họp ngày 13/3 tại Geneva, Thụy Sĩ.
Khởi phát từ Vũ Hán, Trung Quốc, tháng 11/2019, Covid-19 đến nay đã xuất hiện tại 145 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, hơn 145.000 ca bệnh, hơn 5.400 người tử vong, hơn 72.529 người đã hồi phục. Số ca nhiễm mới những ngày gần đây tăng mạnh tại nhiều quốc gia châu Âu như Italy, Tây Ban Nha, Đức, Pháp và Thụy Sĩ.
"Số ca bệnh mới được phát hiện mỗi ngày thậm chí còn cao hơn Trung Quốc ở thời kỳ đỉnh dịch. Số người chết vì nCoV vượt qua mốc 5.000 là sự kiện bi thảm", Ghebreyesus nói.
Maria Van Kerkhove, người đứng đầu đơn vị phụ trách dịch bệnh mới bùng phát của WHO, cảnh báo chưa thể dự đoán thời gian Covid-19 đạt đỉnh trên toàn cầu.
"Chúng tôi hy vọng Covid-19 sẽ sớm đạt đỉnh", Kerkhove nói.
Các quốc gia châu Âu đang ban hành những biện pháp để ngăn nCoV lây lan trong cộng đồng. Italy áp lệnh cấm di chuyển toàn quốc và yêu cầu dân ở nhà ngày 10/3 đến 3/4. Tây Ban Nha tuyên bố tình trạng báo động trên toàn quốc trong 15 ngày. Thủ tướng Pedro Sanchez cảnh báo nước này có thể phát hiện hơn 10.000 ca nhiễm nCoV trong tuần tới.
Tedros cảnh báo các quốc gia không chủ quan và cho rằng Covid-19 không bùng phát mạnh như một số nước khác, gọi đó là "sai lầm chết người". Tổng giám đốc WHO nói các biện pháp phân tán xã hội có thể giúp các nước chống Covid-19 song cần "tiếp cận toàn diện" với vấn đề.
"Không thực hiện riêng rẽ xét nghiệm, truy vết, cách ly và phân tán xã hội. Phải thực hiện tất cả! Không thể chống lại nCoV nếu không biết nó ở đâu. Phải tìm, cách ly, xét nghiệm và xử lý mọi trường hợp để phá vỡ chuỗi lây bệnh", Tedros nói.
WHO thông báo thành lập Quỹ Đoàn kết Phản ứng Covid-19, do Quỹ Liên Hợp Quốc và Quỹ Từ thiện Thụy Sĩ điều hành, nhằm thu hút các công ty, tổ chức và cá nhân đóng góp giúp chống đại dịch. Các tập đoàn công nghệ lớn và nhiều tổ chức đã quyên góp hàng triệu USD sau khi quỹ này được thành lập.
WHO ước tính cần sẽ cần 750 triệu USD trong ba tháng đầu để khống chế nCoV. Tuy nhiên trong lúc dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, chi phí không chế dịch "có thể tăng ít nhất 10 lần" so với ước tính ban đầu, theo Scott Pendergast, người đứng đầu bộ phận của WHO phụ trách các trường hợp khẩn cấp, chiến lược, chương trình và quan hệ đối tác.
Chi Lê (Theo AFP)