Đêm 18/12, đội tuyển Argentina đã giành chiến thắng trước Pháp tại vòng chung kết World Cup, vô địch thế giới lần thứ ba sau năm 1978 và 1986. Một trong những người hùng làm nên chiến thắng đó là Lionel Messi. Ở tuổi 35, anh giữ được phong độ và thể lực ổn định. Tuy nhiên, ít ai biết cầu thủ xuất sắc nhất World Cup 2022 từng trải qua căn bệnh hiếm gặp, suýt khiến anh phải từ bỏ đam mê, do chiều cao và thân hình còi cọc.
Messi sinh ngày 24/6/1987 trong một gia đình nghèo ở Rosario, Argentina. Ông Jorge Horacio, cha của anh từng là một cầu thủ thất thế phải chuyển sang làm công nhân, còn người mẹ là lao công thời vụ. Thiệt thòi lớn nhất của Messi là không có được một thể lực và sức khỏe như người bình thường. Ngay từ khi mới sinh, Messi đã ốm yếu, dặt dẹo hơn những đứa trẻ khác.
Năm 11 tuổi, Messi được chẩn đoán mắc GHD, một dạng thiếu hụt hormone tăng trưởng hiếm gặp. Đây là dạng bệnh ảnh hưởng đến tuyến yên trong não. Tuyến yên có nhiệm vụ tổng hợp hormone tăng trưởng, cho phép trẻ em phát triển, quyết định mật độ xương, độ mềm của cơ và sự phát triển của mỡ trong cơ thể.
GHD có thể gây hại theo nhiều cách khác nhau, song giới chuyên gia chưa thể lý giải nguyên nhân cụ thể. Các biến chứng thường gặp nhất là nhiễm trùng, u não, chấn thương. Những biến chứng này có thể hạn chế tăng trưởng, tăng phần mỡ quanh eo, giảm khối lượng cơ, dẫn đến rối loạn hành vi như trầm cảm và lo âu. Như vậy, căn bệnh này sẽ khiến Messi trở nên thấp lùn, chiều cao khó lòng vượt qua ngưỡng 1,4 m, thể chất cũng bị ảnh hưởng.
Dù Messi có là "thần đồng", các câu lạc bộ địa phương là River Plate và Old Boys ở Argentina đều không đủ khả năng chi trả cho việc điều trị. Tuy nhiên, anh vẫn tiếp tục chơi bóng và được Barcelona chú ý. CLB của Tây Ban Nha nhanh chóng ký bản hợp đồng giúp thay đổi cuộc đời anh. Barca cam kết chi trả 900 USD phí trị liệu mỗi tháng của Messi trong vòng hai năm.
Phương pháp điều trị GHD là tiêm hormone tăng trưởng. Đây là một trong những yếu tố giúp các bệnh nhân nói chung phát triển chiều cao, giải quyết nhiều vấn đề bên trong như chức năng tuyến yên, triệu chứng ngoài da, răng, thị lực và cải thiện khả năng miễn dịch.
Messi không dùng hormone tăng trưởng để tăng cường thể chất (vốn bị cấm trong thể thao). Với anh, đây là phương pháp điều trị theo quy định, được các bác sĩ theo dõi, giúp anh vượt qua bệnh tật.
Năm 2018, Messi cũng từng tiết lộ quá trình tiêm hormone tăng trưởng khi là một cậu bé trong bài phỏng vấn trên kênh La Cornisa của America TV.
"Tôi phải tự tiêm vào chân mỗi tối, bắt đầu năm 12 tuổi. Đó là việc không để lại ấn tượng vui vẻ gì với tôi. Lúc đầu, bố mẹ tiêm thuốc cho tôi cho tới khi tôi ý thức được và tự làm việc này. Đó là một cái kim tiêm nhỏ không gây đau đớn, tôi làm nhiều thành quen, thành việc bình thường", Messi nhớ lại.
Tiêm hormone tăng trưởng là phương pháp mang lại hiệu quả cao, song cũng có không ít nhược điểm. Các tác dụng phụ thường gặp là phù thũng, sưng ngón tay. Nam giới có thể khiến phát triển vùng ngực, đầy bụng, sưng đau khớp. Liệu pháp cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh đái tháo đường, tim mạch, ung thư đường tiêu hóa,... Bên cạnh đó, chi phí thực hiện khá đắt đỏ. Bố mẹ Messi từng phải trả khoảng 1.500 USD cho các loại hormone tăng chiều cao.
Thục Linh (Theo Bleacher Report)