Cô gái 30 tuổi từng nghĩ dịch Covid-19 ở Hồ Bắc rất xa xôi và sẽ không ảnh hưởng tới mình. Cuối tháng 1, thành phố Phổ Nhĩ của cô xuất hiện các ca bệnh đầu tiên. Zhang đi mua khẩu trang nhưng các hiệu thuốc đều "cháy" hàng. Đến cả tiệm tạp hóa cũng không cho cô bước vào nếu không đeo khẩu trang. Thất vọng, Zhang quyết tự làm một chiếc với hai lớp bông bên ngoài và tấm bọc thực phẩm bằng nhựa bên trong.
"Khẩu trang vừa vặn với khuôn mặt tôi. Có điều, nó hơi khó thở", cô nói.
Zhang đại diện cho hàng triệu người Trung Quốc hiện nay, đối phó với tình trạng khan hiếm khẩu trang bằng cách tự chế tại nhà.
Khi đất nước 1,4 tỷ dân bất ngờ đối mặt với dịch bệnh, mọi người được yêu cầu đeo khẩu trang không chỉ ở những nơi công cộng mà cả ngoài trời. Nhu cầu gia tăng khiến nguồn cung nhanh chóng cạn kiệt.
Năng suất của Trung Quốc là 22 triệu khẩu trang một ngày - không đủ đáp ứng toàn bộ dân số. Nước này kỳ vọng số lượng sẽ tăng khi các dây chuyền sản xuất hoạt động trở lại sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài, song mọi thứ không như mong đợi. Đến ngày 2/3, dù sản lượng tăng 10% so với đầu tháng 2, đây vẫn là mặt hàng khan hiếm.
Khẩu trang tự chế nhanh chóng trở thành chủ đề nóng nhất trên các diễn đàng và trang web mua sắm online trong nhiều ngày liền. Người dân "săn lùng" vật liệu, từ thanh kẹp mũi đến vải không dệt để lọc bụi và virus. Một cửa hàng trực tuyến nhỏ tại Phúc Kiến bán ra hơn 5.500 gói vật liệu DYI, đủ làm 50 đến 200 khẩu trang y tế.
Riêng Zhang đã chi tới 200 tệ (khoảng 660.000 đồng) cho các vật liệu này. Là một nhà thiết kế xường xám, đến nay cô làm được 60 chiếc khẩu trang với máy may cá nhân. Lớp ngoài cùng là vải không dệt chống nước màu xanh, bên trong có vải lọc ngăn chặn vi trùng và giọt bắn, cuối cùng là lớp vải bông.
"Tôi đã gửi chúng cho bố mẹ và người thân. Không chắc khả năng bảo vệ đến đâu, nhưng tin tốt là thành phố của chúng tôi chưa ghi nhận thêm ca nhiễm mới trong một thời gian rồi", Zhang nói.
Trào lưu khẩu trang tự chế được người dân thực hiện vô cùng nghiêm túc. Họ thành lập các nhóm chat để thảo luận về độ an toàn của vật liệu và phương pháp khử trùng. Tất cả đều cố gắng tạo ra sản phẩm chuyên nghiệp nhất.
Alex Zhang, một nhân viên văn phòng ở Thượng Hải đã quyên tặng khẩu trang N95 của bản thân cho thành phố Vũ Hán, tâm dịch theo lời kêu gọi của các bệnh viện. Song cô cũng cần dùng đến chúng. Chính quyền Thượng Hải chỉ cho phép gia đình mua một lượng khẩu trang nhất định, không đủ cho gia đình cô sử dụng.
Tách đôi một chiếc N95 tiêu chuẩn, Alex cảm thấy cấu tạo của nó không quá phức tạp hay đòi hỏi kỹ thuật đặc biệt, cô quyết định tự làm.
Alex chi 45 tệ (khoảng 150.000 đồng) cho hai mét vuông vải lót ngăn virus, ép lại bằng hai lớp vải không dệt và một miếng đệm khí. Cô tỉ mỉ khâu các phần lại với nhau, đặt chúng vào lò nướng điện ở nhiệt độ 70 độ C trong một phút để khử trùng và hoàn thành sản phẩm với một dải dây chun.
"Chi phí cho mỗi chiếc khoảng 3 tệ (9.000 đồng) và chúng gần giống với khẩu trang N95. Tôi không thấy quá khó khăn, khá hài lòng với sản phẩm của mình và cảm thấy an toàn khi đeo ở nơi công cộng", cô nói. Để tái sử dụng, cô mua một miếng lót thấm sữa thay thế lớp gần mặt nhất.
Khẩu trang tự chế cũng được khuyên dùng trong trường hợp khan hiếm ở môi trường làm việc. Nhà sản xuất hàng may mặc Shenzhou International tỉnh Chiết Giang đã chỉ định 100 nhân viên làm khẩu trang bằng vải không dệt, đáp ứng nhu cầu mỗi ngày một chiếc của 15.000 lao động tại đây. Các bệnh viện thiếu vật tư y tế kêu gọi y bác sĩ tự bọc dụng cụ đã khử trùng bằng loại vải này. Ít nhất ba bệnh viện ở tỉnh Tây An và Chiếc Giang đã tự chế khẩu trang cho nhân viên tuyến đầu.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từng khuyến cáo chỉ đeo khẩu trang là chưa đủ để ngăn ngừa lây nhiễm Covid-19. Người dân các nước cần kết hợp biện pháp như rửa tay bằng xà bông hoặc cồn.
Song đối mặt với tình trạng khan hiếm có lẽ sẽ không kết thúc sớm, các cơ quan y tế thay đổi khuyến nghị, từ vứt bỏ khẩu trang sau 4 lần sử dụng bằng tái chế đúng cách và dùng chúng lâu hơn. Theo hướng dẫn, khẩu trang dùng lại cần được treo ở nơi sạch sẽ, khô ráo, thoáng mát hoặc đựng trong túi giấy sạch.
Theo Cai Haodong, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Ditan, Bắc Kinh, có thể tự làm khẩu trang bằng nhiều lớp vải bông nhưng không nên bọc thêm màng nhựa thực phẩm bởi dễ bị ngạt thở. Cai cho biết, bệnh viện của cô không có mặt nạ phẫu thuật, cũng không đủ N95. Trong đợt bùng phát dịch SARS năm 2003, nhân viên y tế đã tự chế khẩu trang để sử dụng cho bác sĩ tuyến đầu, khử trùng bằng nước sôi và phơi dưới ánh nắng mặt trời.
Thục Linh (Theo SCMP)