Trung tâm Y tế Đại học Rush, Chicago, tiếp nhận cuộc điện thoại của một bệnh nhân nghi nhiễm. Người này cho biết mình đã đi du lịch Tokyo gần đây và sốt một tuần trước.
"Tất cả triệu chứng của anh ấy đều đặc trưng: ho, sốt và mệt mỏi", bác sĩ Meeta Shah, làm việc tại phòng cấp cứu của Trung tâm Y tế Rush, cho biết.
Sau khi trao đổi, cô không chỉ định người bệnh nhập viện mà chuyển anh đến phòng y tế của thành phố. Rush và nhiều bệnh viện lớn trên toàn nước Mỹ đang gấp rút triển khai sàng lọc và điều trị từ xa cho bệnh nhân Covid-19, một biện pháp an toàn ngăn chặn virus lây lan rộng hơn.
Bác sĩ Shah nhận định: "Đây là bước ngoặt đối với hệ thống kiểm tra y tế trực tuyến. Chúng thực sự cho thấy hiệu quả trong những giai đoạn khủng hoảng y tế thế này".
Dù khái niệm thăm khám trên máy tính hoặc điện thoại di động không mới mẻ, điều trị từ xa vẫn chưa phổ biến ở Mỹ. Bảo hiểm y tế cho phép bệnh nhân lựa chọn bác sĩ trực tuyến như một biện pháp thay thế trong trường hợp khẩn cấp, song hầu hết không ai sử dụng.
Hiện các bác sĩ và bệnh viện cân nhắc cách sử dụng công cụ khám bệnh từ xa để giảm lo lắng cho người dân cũng như chữa trị đúng cách cho nhóm dễ mắc bệnh.
Tiến sĩ Stephen Parodi, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm, người điều hành Tập đoàn Y khoa Permanente nhận định, chẩn bệnh qua điện thoại sẽ rất hữu ích trong đại dịch lần này.
Chính phủ Mỹ đã đầu tư khoản tiền 8,3 tỷ USD khống chế sự lây lan của virus, một phần trong số đó dành cho công tác khám bệnh từ xa. Tại cuộc họp báo ngày 9/3, Trung tâm Chăm sóc Sức khỏe và Trợ cấp y tế đã ca ngợi nỗ lực của nước này trong việc mở rộng điều trị qua điện thoại cho những người từ 65 tuổi trở lên.
Trong cuộc họp hôm 10/3 tại Nhà Trắng cùng Tổng thống Donald Trump, các công ty bảo hiểm tư nhân cũng cho biết sẽ chi trả phí khám bệnh trực tuyến cho những khách hàng nhiễm Covid-19.
Chỉ với một chiếc điện thoại hoặc máy tính, bệnh nhân được hướng dẫn có cần làm xét nghiệm hay không, thay vì đột ngột đến bệnh viện hoặc phòng cấp cứu mà không báo trước. Những người có biểu hiện nghiêm trọng hoặc đã chẩn đoán dương tính có thể tự cách ly tại nhà, được bác sĩ chuyên khoa và bác sĩ chăm sóc chính thăm khám từ xa. Họ không cần xếp hàng tại phòng chờ đông đúc của bệnh viện, tránh được nguy cơ lây nhiễm chéo.
Nhờ tư vấn sức khỏe trực tuyến, bệnh viện và các y bác sĩ chủ động hơn nhiều. Tuần trước, khi tiếp nhận một sinh viên nghi nhiễm Covid-19, Trung tâm Y tế Đại học Rush có cơ hội dọn sẵn xe cứu thương để đảm bảo an toàn cho nhân viên. Tới khu cách ly, bệnh nhân được bác sĩ cấp cứu một y tá kiểm tra sức khoẻ, cả hai đều mặc đồ bảo hộ. Chuyên gia về bệnh truyền nhiễm sau đó tư vấn cho người bệnh qua máy tính bảng. Sinh viên được xuất viện vào ngày 6/3. Trung tâm Y tế Đại học Rush tránh được số phận như nhiều bệnh viện khác ở Mỹ, nơi bệnh nhân mắc Covid-19 khiến nhiều bác sĩ phải cách ly.
Toàn bộ hệ thống y tế đang chạy đua với thời gian để thích nghi, thậm chí đẩy mạnh dịch vụ này lên vị trí tiền tuyến.
"Điều trị từ xa đang được nhìn nhận lại. Mọi người đều cho rằng phải đồng tâm hiệp lực. Chúng tôi cần mở rộng quy mô đến bất cứ nơi đâu", Tiến sĩ Peter Antall, giám đốc y tế của AmWell, một công ty có trụ sở tại Boston cho biết.
Tại Trung tâm Chăm sóc sức khoẻ NYU, các bệnh nhân nghi nhiễm Covid-19 sẽ được tư vấn trực tuyến khẩn cấp, truy cập bằng điện thoại hoặc máy tính. Các bác sĩ đang trong thời gian tự cách ly vì từng đi du lịch cũng có thể thăm khám qua mạng cho bệnh nhân.
Song Tiến sĩ Paul A. Testa, giám đốc y tế của trung tâm nhấn mạnh, những người thực sự cần gặp trực tiếp bác sĩ không nên ngần ngại tới bệnh viện.
"Chúng tôi chào đón bất cứ ai", ông nói.
Tuy nhiên khám chữa bệnh từ xa vẫn còn nhiều hạn chế. Một số cơ sở y tế không có đầy đủ trang thiết bị để chẩn đoán và điều trị cho bệnh nhân nghi nhiễm virus. Zoom+Care là một ví dụ.
"Chúng tôi nói rõ với các bệnh nhân rằng Zoom+Care không thể xét nghiệm Covid-19 cho họ", Tiến sĩ Mark Zeitzer, giám đốc y tế của phòng khám cho biết.
Tính đến ngày 12/3, Covid-19 đã lây lan tới 123 quốc gia và vùng lãnh thổ, khiến hơn 126.000 người nhiễm bệnh và 4.633 bệnh nhân tử vong. Trong khi đó, 68.403 người đã được điều trị thành công. Tối 11/3, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chính thức công bố đây là "đại dịch" toàn cầu, bày tỏ lo ngại sâu sắc cả về mức độ lây lan, tính chất nghiêm trọng của dịch lẫn sự thờ ơ đáng báo động của nhiều bên.
Thục Linh (Theo NY Times)