Con tôi 9 tuổi, mới khỏi Covid-19 nhưng bé vẫn ho rất nhiều. Ho kiểu ngứa trong cổ và có đờm trong họng. Tôi có mua mấy loại thuốc siro giảm ho nhưng không đỡ. Vậy tôi phải làm sao? Có cần phải cho cháu đi bệnh viện để khám không? Mong bác sĩ tư vấn giúp!
Chào anh,
Thông tin anh cung cấp không cho biết bé bao nhiêu tuổi, bé nhiễm Covid-19 chính xác là bao lâu rồi? Trong lúc nhiễm Covid-19 bé có phải nhập viện và điều trị đặc biệt gì không? Bé ho khan hay ho có đờm, thời điểm nào ho nhiều nhất trong ngày? Ngoài ho, bé có triệu chứng gì khác không, như: sốt, khó thở, đau ngực, khò khè, nôn ói... Vì thế, chúng tôi chưa thể tư vấn cụ thể cho anh được.
Chúng tôi chỉ có thể cung cấp cho anh một số thông tin về vấn đề ho hậu Covid ở trẻ như sau: Trẻ hậu Covid-19 có thể xuất hiện nhiều triệu chứng, tuy nhiên thường gặp nhất là triệu chứng trên đường hô hấp. Thường gặp trẻ ho khan, một số ít ho có đờm. Thông thường, ho ở trẻ có thể cải thiện với các thuốc giảm ho. Tuy nhiên, trẻ nhỏ chỉ được sử dụng thuốc khi có chỉ định của bác sĩ. Ba mẹ không nên cho con ở nhà uống thuốc mà phải đưa đi khám ngay nếu triệu chứng ho hậu Covid-19 ở trẻ em dai dẳng không thuyên giảm, trẻ sốt cao hoặc khó thở... Tuy nhiên, ho có thể biểu hiện của nhiều bệnh lý khác nhau như nhiễm trùng đường hô hấp, trào ngược dạ dày thực quản... Trường hợp anh đã cho con uống thuốc rồi nhưng không giảm, anh nên đưa con đi khám để được bác sĩ thăm khám trực tiếp, tìm nguyên nhân và điều trị sớm nhất để tránh các di chứng đáng tiếc về sau.
Ngoài ra, ba mẹ cần bổ sung chế độ ăn đầy đủ dinh dưỡng, cho trẻ uống nhiều nước, khuyến khích trẻ vui chơi, vận động nhẹ nhàng để tăng cường thêm sức đề kháng.
Để đặt lịch khám với các chuyên gia Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, anh có thể liên hệ qua Tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc 0287 102 6789 (TP HCM); website hoặc nhắn tin cho fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được hỗ trợ. Thân mến!
Em bị Covid-19 đã khỏi được 2 tháng, nhưng đến nay vẫn bị mất ngủ, ăn uống không ngon miệng, tâm trạng bồn chồn lo lắng, đi ngủ không gối cao đầu được, nếu gối cao sẽ tê bì 2 tay. Xin hỏi bác sỹ, các triệu chứng này sau Covid-19 có tự khỏi không? Nếu điều trị phải sử dụng thuốc gì?
Chào bạn,
Theo CDC Mỹ, các rối loạn liên quan đến sức khỏe mới xảy ra, lập đi lập lại, kéo dài, xảy ra sau 4 tuần bị nhiễm Covid-19 thì được gọi là các triệu chứng hậu Covid-19. Trong các triệu chứng hậu Covid-19, có 11% bị rối loạn giấc ngủ, 12% rối loạn tiêu hóa, 13% rối loạn lo âu, bồn chồn, lo lắng... Các triệu chứng này nếu theo thời gian ngày càng thuyên giảm thì bạn cứ yên tâm sinh hoạt, ăn uống điều độ, tập thể thao để có sức khỏe ổn định. Nếu các triệu chứng trên kéo dài, làm ảnh hưởng đến công việc, chất lượng cuộc sống thì bạn nên đi thăm khám tại các cơ sở y tế để tìm nguyên nhân.
Bạn 48 tuổi, tuổi này cũng là lúc bước vào giai đoạn tiền mãn kinh. Các triệu chứng của bạn nêu trên cũng có thể là các dấu hiệu của tiền mãn kinh. Bạn có thể đến bệnh viện gần nhất có khả năng xét nghiệm nội tiết, khám nội thần kinh, khám phụ khoa để chẩn đoán và điều trị chính xác. Thân mến!
Sau khi khỏi Covid-19 mình hay bị đau đầu. Cổ họng thì luôn có cảm giác nóng và hay có cảm giác nhói đau. Người mệt mỏi cảm giác như kiểu hụt hơi. Nhờ bác sĩ tư vấn giúp!
Chào bạn,
Sau khi khỏi Covid-19, người bệnh có thể có một số triệu chứng tại chỗ hoặc toàn thân được gọi là hội chứng hậu Covid-19, thường các triệu chứng sẽ tự giới hạn sau nhiều tháng. Tình trạng đau đầu và nóng, đau rát ở cổ họng có thể là do hậu Covid-19, nhưng cũng có thể là biểu hiện của các bệnh lý liên quan như viêm mũi xoang, viêm họng hoặc các bệnh lý thần kinh gây đau đầu khác. Bác sĩ khuyên bạn nên đến khám trực tiếp để được đánh giá một cách đầy đủ hơn, từ đó bác sĩ có thể tư vấn chi tiết hơn và đưa ra hướng điều trị phù hợp cho bạn.
Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh có đầy đủ phương tiện để tầm soát các vấn đề của bạn như chụp CT-scan, nội soi Tai mũi họng... Để đặt lịch khám với các chuyên gia Hệ thống BVĐK Tâm Anh, bạn có thể liên hệ qua Tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc 0287 102 6789 (TP HCM); truy cập website; nhắn tin cho fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh. Thân mến!
Ba em hậu Covid-19 bị ho dai dẳng và khàn giọng đến nay đã 4 tháng mới có dấu hiệu giảm nhưng chưa dứt. Không biết như vậy phổi có bị tổn thương hay không và có cách nào để điều trị dứt điểm không ạ? Em cảm ơn!
Chào bạn,
Ho kéo dài và khàn tiếng là triệu chứng của nhiều bệnh lý có thể ảnh hưởng từ mũi họng, thanh quản đến phổi. Để xác định được và điều trị có hiệu quả thì bạn cần khám, nội soi và làm một số xét nghiệm hình ảnh học để kiểm tra nhé! Bệnh viện Tâm Anh có nội soi hoạt nghiệm thanh quản, giúp chẩn đoán chính xác nguyên nhân khàn giọng của ba bạn. Từ kết quả chẩn đoán, bác sĩ sẽ đưa ra hướng điều trị thích hợp cho trường hợp của ba bạn!
Để đặt lịch khám với các chuyên gia Hệ thống Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh, bạn có thể liên hệ qua Tổng đài: 1800 6858 (Hà Nội) hoặc 0287 102 6789 (TP HCM); truy cập website, nhắn tin cho fanpage Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh để được hỗ trợ. Thân mến!
Em âm tính khoảng 2 tuần rồi. Em ngủ bị đau bụng bên trái cả tuần nay. Tầm 4h sáng là bị, trưa là hết đau. Xin bác sĩ cho biết em bị gì?
Tôi bị Covid-19 nhẹ, đã khỏi bệnh khoảng 2 tuần, nhưng vẫn còn ho về đêm. Ho rát cổ họng và có vẻ mệt mỏi hơn thời kỳ mới phát Covid-19. Mong bác sĩ tư vấn!
Chào chị,
Ho đêm là triệu chứng gặp trong rất nhiều bệnh, có thể kể đến như viêm họng, trào ngược dạ dày thực quản, viêm mũi xoang và cũng có thể là triệu chứng của hội chứng hậu Covid-19. Để có thể tư vấn chính xác và điều trị vấn đề có thể gây ho, rát họng và mệt mỏi mà chị đang gặp phải, bác sĩ cần khám nội soi mũi - họng hoặc kết hợp thêm các chẩn đoán hình ảnh khác. Chị nên đến bệnh viện để bác sĩ có thể trực tiếp thăm khám, đánh giá thêm và có thể đưa ra hướng điều trị cụ thể cho chị. Thân mến!
Mình đang mắc Covid-19 và đang nổi rất nhiều nốt mề đay, ngứa. Mình đã uống thuốc rồi vẫn lên, lên càng ngày nhiều và càng ngày càng bị lan ra chỗ khác. Có cách nào chữa được tình trạng này không. Mong bác sĩ giải đáp thắc mắc.
Chào bạn!
Virus gây ra nhiều phản ứng miễn dịch trong cơ thể, do đó không có gì khó hiểu nếu vùng da của bạn bị ảnh hưởng khi nhiễm Covid-19. Tình trạng da nổi mẩn ngứa, với những nốt nhỏ hoặc có khi xuất hiện vết trợt da có thể xảy ra ngay cả khi bạn đang nhiễm lẫn giai đoạn nhiều tuần sau đó. Nếu triệu chứng ngứa nhiều, thoa các loại kem làm ẩm da hoặc corticoid tại chỗ có thể giúp làm giảm triệu chứng ngứa.
Covid-19 cũng có thể gây tình trạng nổi ban lan rộng và ngứa, gọi là mày đay dị ứng. Tình trạng này có thể xuất hiện sớm sau khi nhiễm Covid-19 và có thể kéo dài đến nhiều tháng sau đó. Bạn có thể dùng thuốc kháng histamin theo chỉ dẫn để kiểm soát triệu chứng ngứa. Nếu mày đay này lan đến mặt, gây ra phù môi hoặc lưỡi, cần đến khám ngay với bác sĩ. Thậm chí với những trường hợp cấp cứu, khi mà tình trạng phù vùng mặt gây khó thở, thì nên đến khám cấp cứu ngay tại cơ sở y tế gần nhất.
Hầu hết ban dị ứng do Covid-19 sẽ tự giới hạn mà không cần điều trị, mặc dù vậy, cần khám với bác sĩ ngay nếu có tình trạng nốt mềm, màu sẫm (hoặc tím, đen) xuất hiện đột ngột bất kì đâu trên cơ thể. Tình trạng này gọi là ban xuất huyết.
Với tình trạng ban dị ứng của bạn, dù đã uống thuốc (không rõ là thuốc gì) mà vẫn còn triệu chứng nhiều thì bạn nên đi khám để được bác sĩ đánh giá tình trạng chính xác và tư vấn hướng điều trị phù hợp nhất.
Thân mến!
Em mắc Covid-19 cách đây một tháng, hiện tại đã khỏe nhưng em đang gặp vấn đề về tâm lý. Em hay suy nghĩ tiêu cực, lo lắng quá mức. Vậy bác sĩ cho em hỏi có cách nào khắc phục không ạ?
Chào bạn,
Đại dịch Covid-19 đã gây ra mất mát thiệt hại lớn về con người, kinh tế. Thêm vào đó, tình trạng phong tỏa kéo dài hạn chế các hoạt động vui chơi, giải trí nên vấn đề sức khỏe tâm thần trong người dân là một vấn đề đáng quan tâm. Theo thống kê của Trung tâm bệnh tật Mỹ, có khoảng 13% người sau nhiễm Covid-19 bị rối loạn lo âu và 12% người bị trầm cảm.
Nếu bạn đã từng nhiễm Covid-19 và đang có những suy nghĩ tiêu cực, lo lắng quá mức thì bạn nên nhìn nhận những vấn đề đang làm cho mình lo lắng. Vấn đề mà bạn đang lo lắng ấy có thể tâm sự được cùng với ai, hãy tìm người thân hay bạn bè có thể giúp cho mình giải tỏa lo lắng. Bạn cũng nên tìm một công việc để làm, vừa tạo kinh tế cho bản thân vừa giúp đỡ mọi người xung quanh. Hiện tại, xã hội đang bước vào thời kỳ mới, các hoạt động xã hội, vui chơi đã bắt đầu khởi sắc. Những hoạt động thể thao, những mối giao tiếp dần trở lại, mặc dù vẫn còn rào cản nhỏ là chiếc khẩu trang thì vẫn có thể tạo ra cho chúng ta nguồn năng lượng tích cực.
Nếu đã áp dụng các biện pháp trên mà không cải thiện được tình trạng sức khỏe tâm thần thì bạn có thể đến BVĐK Tâm Anh để được các bác sĩ chuyên khoa Nội Thần kinh khám bệnh và đưa ra những chỉ định phù hợp như dùng thuốc thế hệ mới giúp người bệnh vượt qua những suy nghĩ tiêu cực, lo lắng. Chúc bạn mau lấy lại trạng thái sức khỏe tốt nhất, vui vẻ và làm việc hiệu quả.
Thân mến!
Chồng tôi bị u tuyến yên đã mổ hai lần. Tuần trước bị mắc Covid-19, sau khi âm tính nếu nằm tại giường thì không sao, nhưng khi ngồi dậy đi lại có hiện tượng hoa mắt chóng mặt. Xin bác sĩ tư vấn. Tôi xin chân thành cảm ơn ạ!
Chồng em đã phẫu thuật tuyến yên 2 lần rồi thì nên đi tái khám định kỳ theo lịch hẹn. Khi tái khám nên báo cho bác sĩ biết các triệu chứng hoa mắt, chóng mặt khi ngồi dậy vì những triệu chứng này có thể là dấu hiệu báo trước của những bệnh nguy hiểm như u não tái phát, tai biến mạch máu não hay tụt huyết áp tư thế. Ít nguy hiểm hơn thì có thể là cơn chóng mặt kịch phát lành tính tư thế. Sau mắc Covid-19 cũng có thể bị đau đầu, chóng mặt. Vì vậy, tốt nhất em nên đưa chồng em đi tái khám lại càng sớm, càng tốt. Chúc cho chồng em mau bình phục.
Sau khi bị Covid-19 thì thời gian quan hệ suy giảm rõ rệt và khó cương, không còn như trước. Xin chuyên gia tư vấn ạ.
Theo miêu tả của bạn, bạn đã có dấu hiệu rối loạn cương. Rối loạn cương là thuật ngữ Y khoa do Hội Nam học Quốc tế sử dụng từ năm 1997 để chỉ tình trạng dương vật cương không đủ cứng hay không đủ khả năng duy trì tình trạng cương để thỏa mãn hoạt động tình dục.
Bệnh không gây tử vong, không cần xử trí cấp cứu nhưng ảnh hưởng đến tinh thần của người bệnh và bạn tình, gây chán nản trong sinh hoạt vợ chồng, trong quan hệ xã hội và công tác, có thể gây suy nhược thần kinh, trầm cảm...
Hiện nay, các phương pháp điều trị rối loạn cương bao gồm: thay đổi lối sống, liệu pháp tâm lý, thuốc uống, thuốc tiêm vào dương vật, thuốc đặt vào niệu đạo, phẫu thuật đặt thể hang nhân tạo... Lời khuyên dành cho trường hợp của bạn là nên đến bệnh viện chuyên khoa Nam học để được bác sĩ thăm khám trực tiếp và cho lời khuyên cụ thể, chi tiết hơn.