Viêm phổi là viêm các phế nang trong phổi do một yếu tố gây bệnh nào đó gây nên, hay gặp nhất là vi khuẩn, virus hoặc vi nấm. Viêm phổi có thể ở một vùng hoặc một vài vùng (viêm phổi thùy hoặc "đa thùy") hoặc toàn bộ phổi.
Bác sĩ Vũ Đình Huy, nguyên trưởng khoa Nội, Bệnh viện Bưu Điện Hà Nội cho biết có nhiều nguyên nhân gây viêm phổi, thường gặp nhất là nhiễm trùng do vi khuẩn, virus, nấm, hóa chất... Ví dụ khi nhiễm virus đường hô hấp trên, virus làm tổn thương niêm mạc đường dẫn khí hô hấp, làm cho vi khuẩn dễ xâm nhập và tấn công vào phổi.
Khi tác nhân gây bệnh xâm nhập vào đường hô hấp, khả năng mắc viêm phổi phụ thuộc vào độc tính của tác nhân gây bệnh và sức đề kháng của cơ thể. Do đó những người có sức đề kháng kém, gồm người già, thường sức khỏe suy giảm và mắc một số bệnh mạn tính. Trẻ em từ 1-3 tuổi, cơ thể chưa phát triển đầy đủ nên sức đề kháng cũng yếu. Người mắc các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, di chứng tai biến mạch máu não phải nằm một chỗ, nhiễm HIV...
Triệu chứng của viêm phổi trong giai đoạn đầu chỉ ho, sốt, là những triệu chứng của viêm đường hô hấp trên (viêm phế quản). Ở những người có sức đề kháng yếu (hoặc nhiễm vi khuẩn, virus có độc lực mạnh), thì bệnh sẽ tiến triển đến viêm phổi. Khi đó người bệnh thường ho nhiều hơn, sốt cao hơn, (có thể có cơn rét run trong cơn sốt), và đau ngực. Nặng hơn nữa thì tổn thương viêm lan rộng, người bệnh có biểu hiện của suy hô hấp với các dấu hiệu thở nhanh, khó thở, tím môi.
Những trường hợp có suy hô hấp thường diễn biến nặng, có thể gây ra các biến chứng như áp xe phổi, tràn mủ màng phổi... và thậm chí có thể tử vong.
Khi có biểu hiện của viêm đường hô hấp là ho và sốt, nên đến cơ sở y tế khám bệnh, nhất là những người có sức đề kháng kém. Không nên tự ý dùng kháng sinh vì một số dạng viêm phổi do virus và kháng sinh không có tác dụng.
Theo bác sĩ Huy, để phòng viêm phổi, cần nâng cao sức đề kháng của cơ thể và tránh các tác nhân gây bệnh. Việc nâng cao sức đề kháng bao gồm ăn uống đủ chất, tập thể lực đều đặn, phòng tránh các bệnh mạn tính như đái tháo đường, bỏ thuốc lá để tránh bị viêm phế quản mạn và bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính, nếu nhiễm HIV thì uống thuốc điều trị đều đặn theo hướng dẫn của bác sĩ...
Với trẻ em và người già, ngoài việc ăn uống đủ chất, tập thể dục, nên giữ ấm cổ mùa lạnh, tránh ra ngoài trời khi không khí ô nhiễm, tránh khói bụi, khói thuốc lá, tiêm một số loại vắcxin theo hướng dẫn của y tế. Những người này cũng nên khám bệnh sớm khi có các triệu chứng ho, sốt để các bác sĩ chẩn đoán, điều trị sớm khi cần.
Để tránh các tác nhân gây bệnh, nên tránh tiếp xúc với những người có biểu hiện viêm đường hô hấp, nhất là hiện nay đang cảnh giác với bệnh viêm phổi cấp tính nhiễm virus nCoV từ Vũ Hán, Trung Quốc. Đeo khẩu trang khi không khí ô nhiễm hoặc trong bệnh viện...
Thúy Quỳnh