Một thị trưởng phàn nàn về việc các bác sĩ buộc phải lựa chọn không điều trị cho người già, khiến họ tử vong. Ở một thành phố khác, bệnh nhân Covid-19 bị trả về nhà.
Covid-19 khiến khu vực Bologna bị ảnh hưởng nặng nề, cho thấy những điều có thể xảy đến với các nước khác nếu chính phủ không thể ngăn chặn sự lây lan của virus. Ngay cả những quốc gia phát triển có hệ thống chăm sóc sức khỏe tiên tiến cũng phải đứng trước nguy cơ quá tải.
"Đây là một cuộc chiến", Massimo Puoti, trưởng khoa Y học Truyền nhiễm tại bệnh viện Niguarda, thành phố Milan, một trong những bệnh viện tuyến đầu điều trị Covid-19, cho biết.
Theo ông, mục tiêu là hạn chế lây nhiễm, ngăn chặn dịch bệnh và tìm hiểu thêm về bản chất của virus.
"Chúng tôi cần thời gian", ông nói.
Tuần trước, Italy đã áp đặt các biện pháp quyết liệt như hạn chế đi lại, đóng tất cả cửa hàng ngoại trừ hiệu thuốc, tạp hóa và dịch vụ thiết yếu. Song động thái dường như quá chậm trễ để khống chế dịch lây lan. Những ngày qua, các ca nhiễm mới tăng vọt tạo áp lực lên hệ thống y tế vốn được đánh giá cao.
Diễn biến ở Italy chứng minh cho quan điểm các chính phủ rất cần thiết phải hành động dứt khoát và nhanh chóng, thậm chí trước khi số ca bệnh đạt đến mức khủng hoảng. Tuy nhiên Italy đã để lỡ "thời điểm vàng" ngăn chặn virus. Kể từ Thế chiến Thứ hai, các quốc gia phát triển tại châu Âu chưa từng mường tượng về viễn cảnh quá tải hệ thống chăm sóc sức khỏe.
Các bác sĩ phải lựa chọn bệnh nhân để điều trị, các ca phẫu thuật bị hủy bỏ, khẩu trang khan hiếm. Nhà chức trách đề xuất lập bệnh viện dã chiến trên những khu vực bị giải tỏa hoặc bỏ hoang. Bệnh viện lớn dựng các "lều truyền nhiễm". Ở Brescia, bệnh nhân chen chân trong hành lang chật hẹp.
Hàng nghìn bệnh nhân cần được xét nghiệm, cấp cứu hoặc chăm sóc đặc biệt hoàn toàn miễn phí theo nguyên tắc của nền dân chủ Italy. Song, những hình ảnh bên trong bệnh viện gần đây khiến nhiều người lo ngại. Bức ảnh y tá Elena Pagliarini nằm gục xuống bàn khi vẫn còn đeo khẩu trang tại một bệnh viện ở thị trấn phía bắc Cremona sau 10 giờ làm việc đã trở thành biểu tượng.
"Chúng tôi gần như kiệt quệ về cả thể chất lẫn tinh thần", Francesca Mangiatordi, đồng nghiệp của Elena, cũng là người chụp ảnh cho hay. Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình địa phương, anh kêu gọi người dân tự bảo vệ bản thân, tránh để virus lây lan.
Bác sĩ Daniele Macchini làm việc tại một bệnh viện ở Bergamo chia sẻ về những áp lực mà hệ thống y tế phải chịu đựng bởi số lượng bệnh nhân quá đông.
"Chiến tranh đang bùng nổ theo nghĩa đen, chúng diễn ra cả ngày lẫn đêm", bác sĩ Daniele viết trên trang cá nhân. Ông cũng gọi tình huống này là "thảm họa dịch tễ".
Fabiano Di Marco, Trưởng khoa phổi Bệnh viện Papa Giovanni XXIII tại Bergamo, cho biết các bác sĩ thậm chí phải vẽ một đường trên sàn nhà, phân chia các khu vực vô trùng và nhiễm khuẩn để tránh lây chéo. Bác sĩ Marco thường xuyên ngủ lại văn phòng từ khi dịch lan đến nước này.
Thị trưởng Bergamo Giorgo Gori nói rằng ở một số vùng tại Lombardy, cách biệt quá lớn giữa lực lượng y tế và số người bệnh buộc các bác sĩ phải quyết định không đặt nội khí quản cho một số bệnh nhân cao tuổi. Điều này khiến họ tử vong.
Hôm 12/3, Flavia Petrini, Chủ tịch Đại học Gây mê, Giảm đau và Chăm sóc Chuyên sâu Italy cho biết đã ban hành các hướng dẫn về những điều cần làm giữa thời kỳ dịch bệnh. Theo đó, trong bối cảnh thiếu hụt nguồn lực y tế nghiêm trọng, nên ưu tiên điều trị cho các bệnh nhân có cơ hội sống sót nhiều nhất.
"Không ai bị đuổi đi cả, nhưng chúng tôi đang đưa ra các ưu tiên. Những tiêu chí này áp dụng trong cả lúc bình thường. Điều bất thường ở đây là bạn phải chữa bệnh cho 600 người cùng một lúc", bà Flavia Petrini nói.
Matteo Stocco, Giám đốc bệnh viện San Paolo & San Carlo ở Milan, cho biết 13 nhân viên trong đội ngũ của ông phải tự cách ly tại nhà sau khi xét nghiệm dương tính với nCoV. Một bác sĩ tại phòng cấp cứu cũng mắc bệnh sau khi làm việc liên tục trong ba tuần liền.
Nhiều nhân viên y tế phải giữ khoảng cách với nhau khi ăn, đeo khẩu trang tại các cuộc họp và tránh tụ tập trong phòng nhỏ. Một số người vẫn bị lây nhiễm chéo, dẫn đến hệ thống y tế nguy cơ thiếu hụt nhân sự.
Hiện 50% số bệnh nhân Covid-19 cần nhập viện, 10% trong số đó cần chăm sóc đặc biệt và điều trị khoảng hai đến ba tuần. Điều này tạo áp lực nặng nề cho hệ thống y tế. Giới chức y tế Italy lo rằng nếu virus lây lan ra vùng tây nam đất nước với cùng tốc độ, hệ thống y tế sẽ không đủ sức chống chọi.
Thục Linh (Theo NYTimes)