Bộ kit được phân phối bởi CDC, cho phép các bang tự thực hiện quá trình xét nghiệm và có kết quả chẩn đoán nhanh hơn so với việc gửi mẫu đến trụ sở của cơ quan này ở Atlanta. Tuy nhiên, sau khi phát hiện một số trục trặc của bộ kit, các chuyên gia cân nhắc không sử dụng chúng, tiếp tục gửi mẫu xét nghiệm đến CDC. Điều này khiến bệnh nhân phải chờ vài ngày mới có kết quả chẩn đoán.
Khi được dùng thử ở một số bang, bộ kit của CDC cho ra kết quả "không rõ ràng". Xét nghiệm không sử dụng mẫu bệnh phẩm của những ca nghi nhiễm, tuy nhiên là một phần trong công tác đánh giá trước khi đưa vào thực tiễn.
Tiến sĩ Nancy Messonnier, giám đốc Trung tâm Miễn dịch và Bệnh Hô hấp Quốc gia cho biết: "Hiển nhiên là không thể làm xét nghiệm lâm sàng với bộ kit khi nó không cho ra kết quả chính xác và hoàn hảo như ở CDC".
Mỗi bộ kit có thể kiểm tra từ 700 đến 800 mẫu bệnh phẩm. Tuần trước, CDC cho biết đã vận chuyển khoảng 200 bộ dụng cụ đến các phòng thí nghiệm ở Mỹ, 200 bộ khác cho 30 quốc gia trên thế giới. Tuy nhiên, đến ngày 12/2, tiến sĩ Messonnier thông báo lô hàng cho 30 nước đã bị thu hồi.
Bà từng nhiều lần nhấn mạnh tại các cuộc họp báo rằng bộ kit sẽ không được phân phối trước khi CDC chắc chắn về độ chính xác của chúng. Giới chức nước này hiện chưa cho biết số lượng bộ thử lỗi.
Theo nhận định của bà Messonnier, trục trặc có thể nằm ở một vài thành phần liên quan đến xét nghiệm. Người phát ngôn của CDC tuyên bố, các bang không phát hiện lỗi có thể tiếp tục sử dụng bộ kit. Cơ quan cam kết sẽ nhanh chóng cung cấp bổ sung cho các phòng thí nghiệm toàn quốc, song chưa cho biết thời gian cụ thể.
CDC cũng không khuyến khích xét nghiệm cho những người có yếu tố dịch tễ nhưng chưa biểu hiện triệu chứng lâm sàng. Trong thời kỳ ủ bệnh, dù có nhiễm nCoV, số lượng virus cũng quá thấp để phát hiện và cho kết quả xét nghiệm dương tính. Đây là một trong những lý do chỉ nên cách ly người về từ Vũ Hán, thay vì xét nghiệm quá sớm, tránh trường hợp "âm tính giả". Vì lý do tương tự, giới chức y tế cũng không tiến hành kiểm tra bệnh phẩm đối với hành khách không có triệu chứng trên các du thuyền.
Tiến sĩ Jeanne Marrazzo, Giám đốc Khoa Truyền nhiễm, Đại học Alabama, thành phố Birmingham cho biết, việc chẩn đoán chính xác là vô cùng có giá trị.
"Xét nghiệm là cách duy nhất để biết được bạn có nhiễm bệnh hay không. Nó cũng cần thiết trong việc thống kê số ca dương tính, sàng lọc các bệnh nhân, điều trị nếu có biện pháp và cách ly họ kịp thời", bà nói.
Các bác sĩ tại Trung Quốc cũng cần thêm các thiết bị chẩn đoán nhanh chóng và đơn giản hơn.
Theo khuyến nghị của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, các bệnh nhân có triệu chứng như sốt, ho, khó thở, từng du lịch đến Trung Quốc trong vòng 14 ngày qua hoặc có yếu tố dịch tễ, cần được xét nghiệm nCoV.
Tính đến ngày 13/2, số người chết vì Covid-19 đã tăng lên 1.369. Bệnh cũng ảnh hưởng đến 60.374 dân số thế giới. 8.219 người trong tình trạng nguy kịch và 6.079 người được chữa khỏi.
Dịch khởi phát tại Vũ Hán kể từ tháng 12/2019, đến nay đã lan rộng ra 31 tỉnh thành của Trung Quốc và 25 quốc gia, vùng lãnh thổ. Nhiều nước đã hỗ trợ trang thiết bị, vật tư y tế giúp chính quyền đại lục chống dịch.
Thục Linh (Theo NY Times)