Ông Lê Văn Sỹ, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa, cho biết, tiếp nhận bệnh nhân Trang, 25 tuổi ngày 23/1, đúng dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Các bác sĩ trực nhanh chóng khai thác yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch bệnh do virus corona, biết cô gái vừa từ Vũ Hán, Trung Quốc về Việt Nam một tuần. Tất cả các bệnh nhân từ vùng dịch trở về có dấu hiệu ho, sốt đều trong diện nghi nhiễm nCoV.
Lập tức, các bác sĩ đưa bệnh nhân vào khu điều trị cách ly theo đúng quy định và thực hiện các biện pháp phòng hộ cho bệnh nhân, người nhà và nhân viên y tế. Theo ông Sỹ: "Việc phát hiện sớm, cách ly sớm, điều trị tích cực là điều cực kỳ quan trọng".
Nhờ chuẩn bị chống dịch ngay từ đầu nên bệnh viện hoàn toàn chủ động trong quá trình phát hiện, cách ly và điều trị bệnh nhân. Mẫu bệnh phẩm của chị Trang nhanh chóng được lấy và gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương xét nghiệm. Trong thời gian này, nhân viên y tế theo dõi chặt chẽ diễn biến, biến chứng (nếu có) xảy ra. Mọi vấn đề về ăn uống, sinh hoạt của bệnh nhân hoàn toàn do nhân viên y tế đảm nhận, đảm bảo sự cách ly an toàn tuyệt đối.
Bệnh viện Đa khoa Thanh Hóa điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế, gồm cách ly, sử dụng thuốc, kháng sinh, hỗ trợ hô hấp, dinh dưỡng, nâng đỡ tổng trạng... Theo ông Sỹ, bệnh viện "điều trị cho bệnh nhân theo triệu chứng", tức có triệu chứng gì đặc biệt sẽ điều trị triệu chứng đó. Một ngày sau, bệnh nhân hết sốt, sức khỏe ổn định. Lúc này, chị Trang vẫn đang trong thời gian chờ kết quả xét nghiệm virus corona từ Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương.
Ngày 30/1, kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với nCoV. Bệnh viện cho biết bệnh nhân tình trạng sức khỏe ổn định, vẫn được cách ly, điều trị tích cực theo phác đồ của Bộ Y tế, cùng với đó, mẫu bệnh phẩm được gửi đi xét nghiệm lần 2.
Trong thời gian này, bệnh viện chú trọng chăm lo tinh thần cho người bệnh, để người bệnh thoải mái nhất. Theo ông Sỹ, bệnh nhân nhập viện sớm, được điều trị kịp thời, sức khỏe ổn định nhiều ngày nên hoàn toàn có khả năng chữa khỏi.
Ngày 3/2, sau 10 ngày điều trị cách ly tại viện, bệnh nhân có kết quả xét nghiệm âm tính với nCoV. Chị Trang được xuất viện ngay trong buổi sáng trong niềm vui của cả bác sĩ, bệnh nhân và người nhà.
Trao đổi với VnExpress.net, chị Trang cho biết rất bất ngờ khi được bác sĩ báo xuất viện sáng nay.
"Thực sự mình vỡ òa hạnh phúc. Mình rất nhớ bố mẹ và người thân. Suốt dịp Tết mọi người lo lắng cho mình rất nhiều", chị Nguyễn Thu Trang chia sẻ.
Chị cũng cho biết những ngày nằm điều trị cách ly tại bệnh viện dù là Tết vẫn được các y bác sĩ chăm sóc rất tận tình, chu đáo. Bác sĩ luôn động viên bệnh nhân phải yên tâm, tin tưởng phác đồ điều trị của bệnh viện. Chị Trang xuất viện với dặn dò của bác sĩ "về nhà cần ăn uống đầy đủ chất và vệ sinh, bảo vệ răng miệng, đường thở thường xuyên để cơ thể khỏe mạnh, có đủ sức đề kháng tốt".
Ông Sỹ cho biết, nhiều trường hợp khác nhiễm nCoV khó điều trị có thể do bệnh nhân được phát hiện muộn, nhập viện cách ly, điều trị muộn, tỷ lệ khỏi bệnh sẽ thấp hơn. Một số chủng cúm để lâu có thể dẫn tới các biến chứng suy hô hấp, suy đa tạng... quá trình điều trị khó khăn hơn nhiều.
Theo Bộ Y tế, hiện chưa có thuốc điều trị đặc hiệu với virus corona chủng mới nCoV, chủ yếu chỉ điều trị triệu chứng, phát hiện và xử trí kịp thời tình trạng suy hô hấp, suy thận và các tạng khác nếu có. Phòng lây nhiễm tại cộng đồng bằng cách đeo khẩu trang, rửa tay thường xuyên bằng xà phòng, che mũi, miệng khi hắt hơi và ho, đảm bảo chế độ ăn đầy đủ, tự cách ly và đi khám khi có biểu hiện hô hấp... Virus corona suy yếu khi nhiệt độ trên 20 độ C, nhất là trên 25 độ và điều kiện độ ẩm cao.
Tính đến ngày 3/2, Việt Nam có 8 ca dương tính nCoV, trong đó 2 trường hợp khỏi bệnh, một người xuất viện. Cả nước hiện cách ly 236 trường hợp nghi ngờ nhiễm nCoV, trong đó có 163 ca kết quả xét nghiệm âm tính, 73 trường hợp tiếp tục cách ly theo dõi để ngăn lây nhiễm ra cộng đồng. Bộ Y tế định nghĩa trường hợp "nghi nhiễm" là người có dấu hiệu sốt, ho, đến từ vùng dịch.
Thúy Quỳnh