Tổng thống đắc cử Donald Trump sẽ phải đối diện với một Trung Đông rất khác khi ông bắt đầu nhiệm kỳ thứ hai vào tháng tới cùng những câu hỏi ngày càng cấp bách về tương lai của khoảng 2.000 lính Mỹ đang đóng quân ở miền đông Syria. Tại đây, trong hơn một thập kỷ qua, Washington đã triển khai hàng loạt tiền đồn để chống lại tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và theo dõi Iran.
Sự sụp đổ của chính quyền tổng thống Syria Bashar al-Assad là lời nhắc nhở về những thay đổi mạnh mẽ đang diễn ra trên khắp khu vực, sau khi Hamas tấn công lãnh thổ Israel hồi tháng 10 năm ngoái, châm ngòi xung đột ở Dải Gaza, thổi bùng những cuộc tấn công chưa từng có giữa Iran và Israel, đồng thời khiến các nhóm vũ trang thân Tehran bị suy yếu nghiêm trọng.
Ông Trump nhiều lần đe dọa rút quân đội Mỹ khỏi Syria trong nhiệm kỳ đầu tiên và những ngày gần đây tìm cách ngăn Washington tham gia quá nhiều vào những biến động đang diễn ra ở đất nước này.
Tổng thống đắc cử chưa tiết lộ kế hoạch cụ thể đối với sứ mệnh quân sự của Mỹ tại Syria, song ông và các cố vấn đã ra hiệu rằng ưu tiên hàng đầu vẫn là kiềm chế IS, nhóm đang tập hợp lại ở sa mạc phía nam Syria, nơi Mỹ vài tuần qua liên tục gây sức ép bằng cách cuộc không kích dữ dội.
James Jeffrey, cựu đặc phái viên về Syria trong nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, lưu ý rằng Hay'at Tahrir al-Sham (HTS), phong trào Hồi giáo Sunni đã lật đổ tổng thống Assad và đang xây dựng chính phủ mới tại Syria, từng thành công trong cuộc chiến chống IS trước đây. Thực tế này có thể làm gia tăng thêm những câu hỏi cho Tổng thống đắc cử Mỹ.
"Ông Trump sẽ đặt câu hỏi 'tại sao tôi phải giữ binh lính lại Syria để chiến đấu với IS khi về cơ bản chúng ta chỉ ném bom họ ở sa mạc", Jeffrey nói. "Sẽ rất khó trả lời câu hỏi đó".
Hạ nghị sĩ Cộng hòa Michael Waltz, sĩ quan lực lượng đặc nhiệm đã nghỉ hưu được ông Trump chọn làm cố vấn an ninh quốc gia, cho biết Tổng thống đắc cử sẽ ưu tiên hạn chế can dự ở nước ngoài, nhưng cũng mô tả việc ngăn chặn IS trỗi dậy là "ưu tiên số một".
"Tổng thống đắc cử đã thể hiện rất rõ ông ấy sẽ làm mọi thứ có thể để ngăn chúng ta bị kéo vào nhiều cuộc chiến tranh ở Trung Đông hơn nữa", Waltz nói với Fox News trong cuộc phỏng vấn gần đây. "Nhưng ở Syria, ông ấy cũng nhận thức rất rõ về việc mối đe dọa từ IS vẫn còn đó. Chúng ta phải kiềm chế nó".
Cả nhóm công tác của ông Trump và chính quyền Tổng thống Joe Biden đang thực hiện những bước đi thận trọng khi tương tác với HTS, nhóm từng có quan hệ với al-Qaeda. Dù HTS đã cam kết hướng tới mục tiêu tái thiết Syria và hòa nhập, họ vẫn bị Mỹ đưa vào danh sách các nhóm khủng bố nước ngoài.
Lãnh đạo lâm thời của Syria, chỉ huy HTS Ahmed al-Shara, đã kêu gọi các lực lượng dân quân trên khắp Syria giải tán, nhưng chưa nói rõ liệu chính phủ do ông dẫn dắt có muốn Mỹ ở lại hay không.
Giới chức tại Lầu Năm Góc và Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM), đơn vị giám sát các hoạt động trên khắp Trung Đông, đã tổ chức các cuộc họp nhằm đánh giá mối liên hệ giữa số phận của Syria với tình hình biến động đang diễn ra trên khắp Trung Đông, theo một quan chức quốc phòng giấu tên.
Rủi ro đối với các quân nhân Mỹ hoạt động tại những căn cứ nhỏ ở Syria là rất cao. Kể từ khi xung đột Gaza nổ ra, lực lượng dân quân được Iran hậu thuẫn đã thực hiện ít nhất 211 cuộc tấn công vào quân đội Mỹ khắp Trung Đông bằng máy bay không người lái (UAV), tên lửa hoặc khí tài khác, theo dữ liệu từ Lầu Năm Góc. Hơn 130 cuộc tấn công trong số đó nhắm vào các vị trí của Mỹ tại Syria.
Những câu hỏi xuất hiện ngày càng nhiều khi Lầu Năm Góc tuần trước lần đầu tiên thừa nhận rằng các quan chức quân sự cấp cao đã không công khai suốt nhiều tháng việc số lượng lính Mỹ đồn trú tại Syria tăng gấp đôi từ khoảng 900 lên 2.000 trong năm nay.
Phát ngôn viên Lầu Năm Góc, thiếu tướng Patrick Ryder, cho hay ông vừa mới biết về động thái tăng quân này, song thêm rằng các quan chức quân đội đôi khi che giấu thông tin như vậy do những lo ngại về an ninh ngoại giao và hoạt động chiến trường.
Mỹ không phải quốc gia duy nhất bị buộc phải xem xét lại hiện diện quân sự của mình tại Syria sau khi tổng thống Assad bị lật đổ. Nhiều năm qua, Iran cũng cung cấp hỗ trợ quân sự và tài chính cho Syria, nơi đóng vai trò là căn cứ để họ răn đe đối thủ truyền kiếp Israel. Khi Assad ra đi, những mối liên kết đó đã bị cắt đứt.
Kể từ năm 2015, Nga đóng vai trò chủ chốt giúp quân đội Syria chống lại các lực lượng đối lập thách thức quyền lực của tổng thống Assad. Moskva đã củng cố lực lượng ở vùng ven biển Syria trong những ngày gần đây. Giống như Washington, họ không đưa ra bất kỳ tuyên bố chắc chắn nào về tương lai sứ mệnh của họ tại đây.
Yếu tố chính định hình tương lai của sứ mệnh quân sự Mỹ nằm ở các thỏa thuận sắp tới giữa người Kurd ở đông bắc Syria với chính quyền mới do HTS lãnh đạo ở Damascus và Mỹ quyết tâm tới đâu để bảo vệ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF), nhóm do người Kurd dẫn dắt và là đối tác chính của Washington trong cuộc chiến chống IS.
SDF đã chứng tỏ mình là người bạn đồng hành kiên cường trong cuộc chiến, nhưng hy vọng đảm bảo quyền tự trị lâu dài của lực lượng này từ lâu đã gây ra bất đồng giữa Mỹ và đồng minh NATO Thổ Nhĩ Kỳ. Ankara coi SDF là một phần của đảng Công nhân người Kurd (PKK), nhóm họ coi là "khủng bố" và đã đối đầu suốt nhiều thập kỷ.
Quân đội Quốc gia Syria (SNA), lực lượng dân quân được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, đang tính toán chiếm Kobane, thành phố mang tính biểu tượng với người Kurd.
Theo Charles Lister, chuyên gia cấp cao tại Viện Trung Đông, trụ sở tại Washington, SDF đang ở trong một vị thế "rất, rất thách thức" khi những thành viên không phải người Kurd trong hàng ngũ của họ đã bỏ trốn và các lãnh đạo nhóm đang hoài nghi về việc họ sẽ được nhận hỗ trợ từ Mỹ trong bao lâu nữa.
"Họ hiện tại dễ bị tổn thương hơn bao giờ hết", Lister nói.
Mối quan tâm hàng đầu khác của Mỹ là những nhà tù và trại giam các tay súng IS cùng gia đình họ hiện do lực lượng SDF canh gác.
Farhad Shamsi, phát ngôn viên SDF, cho biết nhóm của ông đã đẩy mạnh phối hợp với lực lượng Mỹ do mối đe dọa ngày càng tăng từ IS. Shamsi cảnh báo IS đang cố gắng tiến vào đông bắc Syria.
"Chúng tôi hy vọng Mỹ sẽ duy trì sự hiện diện tại Syria, đặc biệt là trong tình hình nguy cấp hiện nay, vì chúng tôi lo IS sẽ trỗi dậy trở lại", ông nói, thêm rằng SDF còn lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không quan tâm đến những nỗ lực của Mỹ nhằm xoa dịu căng thẳng và chính quyền mới ở Damascus đã không đưa ra đảm bảo chắc chắn về vai trò của SDF ở Syria trong tương lai nếu họ đạt được một hiệp ước quốc gia rộng hơn.
Joseph Votel, cựu chỉ huy CENTCOM, cảnh báo vị thế và uy tín của Mỹ đối với các đối tác khác sẽ bị ảnh hưởng không nhỏ nếu họ bỏ rơi SDF.
"Tôi nghĩ chúng ta nên gây thêm áp lực với Thổ Nhĩ Kỳ để chấm dứt các hoạt động của họ và SNA", ông nói. " Lực lượng người Kurd có nhiều kinh nghiệm hơn các nhóm khác ở Syria trong việc chống lại IS".
Theo Votel, nếu rút quân, Mỹ có thể tạo ra một lỗ hổng mà IS có thể lợi dụng để trỗi dậy.
Hỗn loạn ở Syria còn đặt ra câu hỏi về tương lai của binh sĩ Mỹ đồn trú tại quốc gia láng giềng Iraq, nơi đóng vai trò là trung tâm an ninh và hậu cần cho các hoạt động chống phiến quân ở cả hai nước.
Dù quân đội Mỹ đã giúp Iraq chống lại IS và đóng vai trò là đối trọng với Iran trong khu vực, hiện diện của quân đội Mỹ vẫn là một chủ đề nhạy cảm đối với giới lãnh đạo ở Baghdad.
Mỹ đang thảo luận với chính phủ Thủ tướng Iraq Mohammed Shia al-Sudani tại Baghdad về việc thực hiện một thỏa thuận song phương sẽ giải thể liên minh quân sự do Mỹ thành lập để chống IS ở Iraq vào mùa thu năm 2025. Mỹ chưa công bố liệu khoảng 2.500 lính đang đồn trú tại Iraq có ở lại sau thời điểm trên hay không, nhưng giới chức địa phương hồi tháng 9 cho hay một thỏa thuận bổ sung sẽ buộc hầu hết lính Mỹ rút đi vào năm 2026.
Bây giờ, điều đó có thể thay đổi. Một quan chức cấp cao Iraq cho hay họ đang cân nhắc lại khả năng Mỹ rút quân "sau những diễn biến gần đây trong khu vực".
Thời hạn để rút quân "có vẻ còn xa", nhưng khi nó đến gần, "tôi rất mong đợi rằng Iraq sẽ yêu cầu gia hạn nhằm cho phép lực lượng Mỹ ở lại", ông nói.
Trong cuộc họp ngày 13/12 tại Baghdad với Ngoại trưởng Antony Blinken, Thủ tướng Sudani dường như cũng có đánh giá mới về lực lượng Mỹ đồn trú do tình hình bất ổn tại Syria, theo một quan chức Mỹ am hiểu vấn đề. Giới chức Iraq đồng thời tỏ ra cởi mở hơn với yêu cầu của Mỹ về việc bố trí khí tài trinh sát gần biên giới Iraq - Syria, dù Thủ tướng Sudani chưa đề cập đến việc kéo dài thời gian đồn trú của lính Mỹ.
Vũ Hoàng (Theo Washington Post, AFP, Reuters)