World Cup 1930, tại Uruguay. Ứng viên: Argentina và Uruguay.
Argentina vô địch Nam Mỹ hai lần gần nhất trước khi vào giải, còn Uruguay giành hai HC vàng Olympic gần nhất và có lợi thế sân nhà. Sở hữu đội hình toàn sao, Argentina và Uruguay cùng thắng 6-1 ở bán kết để tạo ra trận chung kết trong mơ.
Argentina dẫn 2-1 sau hiệp một, nhưng Uruguay thắng 4-2 chung cuộc để trở thành nhà vô địch World Cup đầu tiên.
World Cup 1934, tại Italy. Ứng viên: Áo.
Giới chuyên môn nhận định Áo - đội có biệt danh "The Wunderteam" khi đó (Đội tuyển Thần kỳ) - sẽ dễ dàng vô địch. Dàn ngôi sao dưới trướng HLV Hugo Meisl trải qua 14 trận bất bại, trong đó có các chiến thắng hủy diệt Scotland 5-0, Đức 5-0 và 6-0, Hungary 8-2 và Thụy Sĩ 8-1.
Italy chỉ thắng một trong 12 lần gần gặp Áo trước đó, gồm hai thất bại liên tiếp 0-4 tại Genoa và 2-4 ở Turin, trước khi đối đầu ở bán kết. Tuy nhiên, Italy đã tạo nên cơn địa chấn khi thắng 1-0, rồi đánh bại nốt Tiệp Khắc ở chung kết để vô địch.
World Cup 1938, tại Pháp. Ứng viên: Italy và Brazil.
Italy của HLV Vittorio Pozzo vẫn được đánh giá là ứng viên số một, dù chỉ còn sót lại bốn người từ đội hình vô địch năm 1934. Hai trong số đó là các tiền vệ trứ danh Giuseppe Meazza và Giovanni Ferrari. Với việc Argentina, Uruguay không dự giải, còn Áo rút lui, Brazil - đại diện duy nhất của Nam Mỹ năm đó - được đánh giá có thể lật đổ Italy. Nhưng tại bán kết, Brazil không thể tạo nên bất ngờ và thua 1-2.
Trong trận chung kết với Hungary, dù hai lần để đối thủ gỡ hòa, Italy vẫn thắng 4-2 với cú đúp của tiền đạo Silvio Piola. Meazza là tác giả của ba đường kiến tạo trong số bốn bàn thắng ghi vào lưới Hungary.
Năm 1938 cũng là kỳ đầu tiên nhà vô địch World Cup nghiễm nhiên có vé dự giải kế tiếp, cho đến khi luật này bị bỏ tại World Cup 2010. Đây cũng là sự kiện thể thao lớn cuối cùng, trước khi Chiến tranh Thế giới thứ hai nổ ra một năm sau - nguyên nhân khiến World Cup không thể diễn ra năm 1942 và 1946.
World Cup 1950, tại Brazil. Ứng viên: Brazil.
Brazil ghi 46 và chỉ thủng lưới bảy bàn trong hành trình vô địch Nam Mỹ 1949, và sở hữu hàng công hủy diệt với hai ngôi sao Zizinho và Ademir de Menezes. Ở vòng bốn đội, đại diện Nam Mỹ hủy diệt Thụy Điển 7-1 và Tây Ban Nha 6-1, trong khi Uruguay hòa Tây Ban Nha 2-2 và thắng Thụy Điển 3-2. Như vậy, Brazil chỉ cần hòa Uruguay ở lượt cuối để lần đầu đăng quang World Cup.
"Đây là nhà vô địch thế giới", phía trên bức ảnh của đội tuyển Brazil, là dòng tiêu đề trên tờ O Mundo vào ngày diễn ra trận đấu. Đội trưởng Uruguay Obdulio Varela đã mua 20 tờ báo này và rải trên sàn nhà vệ sinh của nhà hàng khách sạn. Varela thậm chí yêu cầu... đồng đội đi vệ sinh lên những tờ báo này.
Vào trận, Brazil vượt lên phút 47, nhưng Uruguay ngược dòng trong 25 phút cuối để thắng 2-1 và lần thứ hai đoạt World Cup. Đây cũng là thất bại đi vào lịch sử bóng đá Brazil với tên gọi "Thảm kịch Maracana".
World Cup 1954, tại Thụy Sĩ. Ứng viên: Hungary.
Trong lúc chuẩn bị cho giải, Hungary đè bẹp Anh hai lần, 6-3 tại Wembley và 7-1 tại Nepstadion. Vào giải, Ferenc Puskas, Sandor Kocsis và các đồng đội hủy diệt Hàn Quốc 9-0 và Tây Đức 8-3 ở vòng bảng. Tái đấu Tây Đức ở chung kết, Hungary khởi đầu như mơ khi dẫn 2-0 sau tám phút. Nhưng chung cuộc, họ thua 2-3 trong trận đấu được gọi là "Điều kỳ diệu ở thành Bern".
World Cup 1958, tại Thụy Điển. Ứng viên: Tây Đức.
Tây Đức vượt qua Nam Tư - đội gây ấn tượng mạnh khi đè bẹp Italy 6-1 và Anh 5-0 - ở tứ kết, trước khi bị Thụy Điển loại.
Trận hòa Anh 0-0 - trận đấu không bàn thắng đầu tiên trong lịch sử World Cup - ở lượt thứ hai vòng bảng khiến HLV Vicente Feola của Brazil tung Garrincha và cầu thủ 17 tuổi Pele vào ở trận đấu cuối, rồi thắng 2-0 trước Liên Xô (cũ). Bộ đôi này sau đó kết hợp một cách kỳ diệu để đưa Brazil đến với chức vô địch World Cup đầu tiên.
World Cup 1962, tại Chile. Ứng viên: Brazil.
Brazil thắng 14 và hòa một trong 15 trận trước giải. Nhà vô địch châu Âu Liên Xô (cũ) và Nam Tư, dù thi đấu ấn tượng, được đánh giá khó lật đổ Brazil. Pele chấn thương từ ngay trận thứ hai và sớm chia tay giải. Nhưng Garrincha tiếp tục phong độ chói sáng để giúp Brazil bảo vệ ngôi vương.
World Cup 1966, tại Anh. Ứng viên: Brazil.
Brazil triệu tập đội hình luống tuổi tới châu Âu, nhưng vẫn được đánh giá cao nhất. Anh và Tây Đức là hai cái tên đáng chú ý khác, bên cạnh Bồ Đào Nha với thủ lĩnh Eusebio dự kỳ World Cup đầu tiên.
Tuy nhiên, Brazil sớm thành cựu vương khi bị loại từ vòng bảng. Eusebio tỏa sáng trong màu áo Bồ Đào Nha, nhưng Anh nhận Cúp Jules Rimet từ Nữ hoàng Elizabeth II nhờ trận thắng lịch sử 4-2 trước Đức.
World Cup 1970, tại Mexico. Ứng viên: Brazil.
Anh sở hữu đội hình mạnh hơn bốn năm trước, Italy bất bại trong hơn hai năm và Tây Đức có rất nhiều tài năng. Cả ba đều được coi là những ứng cử viên nặng ký để tạo ra bước đột phá cho châu Âu tại Mexico, nhưng Brazil vẫn được đánh giá cao hơn.
Ở tứ kết, Anh dẫn 2-0 nhưng thua ngược và nhìn Tây Đức vào bán kết. Sau đó, Italy hạ Tây Đức trong "trận đấu của thế kỷ" để vào trận hạ màn. Tại đây, Brazil hủy diệt Italy 4-1 để vô địch lần thứ ba và giữ chiếc cúp Jules Rimet bản gốc, như đã được quy ước bởi Jules Rimet - "cha đẻ" của World Cup năm 1930.
World Cup 1974, tại Tây Đức . Ứng viên: Hà Lan.
Sự góp mặt của Johan Cruyff giúp Hà Lan được đánh giá cao hơn Brazil - đội từng ba lần vô địch, và Tây Đức - đội từng vô địch châu Âu đồng thời có lợi thế sân nhà. Các CLB Hà Lan cũng giành bốn chức vô địch Cup C1 châu Âu liên tiếp trước khi Cruyff gia nhập Barca năm 1973, và trận thắng Argentina 4-1 trước giải khiến sự kỳ vọng vào Hà Lan càng gia tằng.
"Thứ bóng đá tổng lực" giúp Hà Lan dẫn trước ở chung kết, nhưng Tây Đức đã vùng lên để thắng ngược 2-1.
World Cup 1978, tại Argentina. Ứng viên: Tây Đức.
Nhà ĐKVĐ Tây Đức vào cuộc còn với tư cách á quân Euro 1976, các CLB của họ cũng thống trị các giải bóng đá châu Âu. Tây Đức vì thế được đánh giá cao hơn Brazil trên đường đua tranh Cup vàng FIFA. Trong khi đó, Argentina trải qua khoảng thời gian tệ hại khi không vô địch Copa America gần hai thập kỷ, không vượt qua vòng tứ kết World Cup kể từ năm 1930 và không thắng các đối thủ châu Âu trong bốn trận liên tiếp trước giải - thua Tây Đức 1-3, hòa Anh, Scotland và Pháp.
Nhưng vào giải, Tây Đức gây thất vọng khi đứng thứ ba ở giai đoạn đấu bảng thứ hai, trong khi Argentina vượt qua Brazil để vào chung kết. Tại đây, đại diện Nam Mỹ đánh bại Hà Lan không có Cruyff trong hiệp phụ.
World Cup 1982, tại Tây Ban Nha. Ứng viên: Brazil.
Brazil bất bại suốt 20 trận, trong đó thắng Anh ở London, Pháp ở Paris và Tây Đức ở Stuttgart. Italy thì chạy đà tệ hại cho World Cup 1982.
Với Leandro, Junior, Falcao, Socrates, Zico và Eder, Brazil trình diễn bóng đá tấn công hấp dẫn. Họ thẳng tiến vào vòng bảng thứ hai, nơi họ khởi đầu bảng C bằng cách đánh bại Argentina 3-1. Một trận hòa trước Italy là đủ để họ vào chung kết, nhưng đoàn quân dưới trướng Tele Santana lại đứt mạch 25 trận bất bại khi thua 2-3. Sau đó, Italy hạ nốt Tây Đức 3-1 trong trận chung kết để lần thứ ba đăng quang.
World Cup 1986, tại Mexico. Ứng viên: Brazil.
Dù dàn sao từng khuấy đảo World Cup bốn năm trước, gồm Junior, Falcao, Socrates và Zico, đều bước qua tuổi 30, Brazil vẫn tới Mexico với tư cách là ứng viên nặng ký nhất. Diego Maradona được xem là niềm hy vọng số một của Argentina, trong khi Uruguay với thủ lĩnh Enzo Francescoli là ứng viên số ba.
Brazil thi đấu bùng nổ trước khi thua Pháp trong loạt luân lưu ở tứ kết. Maradona thăng hoa giúp Argentina nhấn chìm Uruguay, Anh và Bỉ để vào chung kết, nơi Jorge Burruchaga ghi bàn quyết định ở phút 85 mang về chiến thắng 3-2 nghẹt thở trước Tây Đức.
World Cup 1990, tại Italy. Ứng viên: Italy.
Italy vào giải với tư cách là chủ nhà, giữ sạch lưới hơn 12 giờ và sở hữu dàn sao gồm Franco Baresi, Paolo Maldini, Giuseppe Giannini, Roberto Baggio và Gianluca Vialli. Ứng viên thứ hai tại World Cup 1990 là đương kim vô địch châu Âu Hà Lan, với những hảo thủ Ronald Koeman, Frank Rijkaard, Ruud Gullit và Marco van Basten.
Vào giải, Italy thắng năm trận và giữ sạch lưới để vào bán kết, nơi họ thua Argentina 3-4 trên loạt luân lưu. Trong khi đó, Tây Đức vượt qua ứng viên Hà Lan ở vòng 16 đội, trước khi hạ Tiệp Khắc, Anh và Argentina để lần thứ ba đăng quang.
World Cup 1994, tại Mỹ. Ứng viên: Brazil và Tây Đức.
Brazil chật vật ở vòng loại và suýt đứt mạch kỷ lục là đội tuyển duy nhất góp mặt ở mọi kỳ World Cup. Nhưng khi vào giải, nhờ dàn sao như Romario, Bebeto, Aldair, Taffarel, Dunga...., họ vẫn được xem là ứng cử viên nặng ký số một cùng Tây Đức, xếp sau lần lượt là Italy và Hà Lan.
Vào giải, Tây Đức trở thành cựu vương khi thua Bulgaria ở tứ kết. Trong khi đó, Romario truyền cảm hứng đưa Brazil vào chung kết, nơi thủ thành Taffarel sắm vai người hùng khi giúp đội tuyển thắng Italy 3-2 trong loạt luân lưu.
World Cup 1998, tại Pháp. Ứng viên: Brazil.
Brazil được đánh giá mạnh vượt trội khi sở hữu "Người ngoài hành tinh" Ronaldo Nazario ghi 15 bàn ở sân chơi quốc tế vào năm trước và giành liên tiếp hai danh hiệu Cầu thủ hay nhất thế giới của FIFA. Pháp cũng được đánh giá cao với lợi thế sân nhà, nhưng vị trí của Zinedine Zidane trong đội hình xuất phát là chủ đề tranh cãi.
Vào giải, sau khi Zidane nhận thẻ đỏ ở trận gặp Saudi Arabia, Pháp lần lượt đánh bại Paraguay nhờ bàn thắng vàng, Italy trên loạt luân lưu và Croatia nhờ cú đúp của Lilian Thuram để vào chung kết.
Ronaldo lên cơn động kinh bí ẩn - co giật toàn thân và sùi bọp mép - ngay sau buổi ăn trưa của Brazil ngày diễn ra trận chung kết. Nhưng anh vẫn được HLV Mario Zagallo xếp đá chính tại Stade de France. Dù vậy, tiền đạo này lu mờ trước Zidane - người lập cú đúp đánh đầu giúp Pháp thắng 3-0, để lần đầu vô địch.
World Cup 2002, tại Nhật Bản và Hàn Quốc. Ứng viên Argentina.
Argentina dẫn đầu vòng loại Nam Mỹ với 12 điểm, và bước vào World Cup với chuỗi 17 trận bất bại, gồm việc đánh bại Italy ở Rome và Đức ở Stuttgart. Ứng viên thứ hai là Pháp, trong khi Brazil không được đánh giá cao vì chật vật vượt qua vòng loại còn Ronaldo vật lộn với chấn thương suốt hai năm.
Bước vào giải đấu tại Hàn Quốc và Nhật Bản, dù sở hữu dàn sao hùng hậu Javier Zanetti, Walter Samuel, Juan Sebastian Veron, Diego Simeone, Pablo Aimar, Gabriel Batistuta hay Hernan Crespo, Claudio Lopez... Argentina gây thất vọng khi hòa Thụy Điển 1-1, thua Anh 0-1, chỉ thắng Nigeria 1-0 và cán đích thứ ba bảng F. Pháp cũng rời giải từ vòng bảng và thậm chí không thể ghi bàn. Trong khi đó, Ronaldo vụt sáng trở lại với tám bàn để giúp Brazil lập kỷ lục vô địch lần thứ năm.
World Cup 2006, tại Đức. Ứng viên: Brazil.
Brazil vùi dập Argentina 4-1 trong trận chung kết FIFA Confederations Cup năm trước và bước vào giải đầy tự tin với năm siêu sao trên hàng công Ronaldinho, Kaka, Robinho, Adriano và Ronaldo. Trong khi đó, Italy bị Hàn Quốc loại khỏi World Cup 2002, đứng sau Thụy Điển và Đan Mạch ở vòng bảng Euro 2004. Ngay trước thềm giải đấu trên đất Đức, Italy còn chịu cú sốc từ "quả bom" Calciopoli - vụ bê bối dàn xếp tỷ số liên lụy đến một loạt tuyển thủ và cả HLV trưởng Marcelo Lippi.
Nhưng vào giải, Ronaldinho nhạt nhòa và Brazil một lần nữa nhận trái đắng trước Pháp của Zidane ở tứ kết. Italy khởi đầu không quá ấn tượng, nhưng càng vào sâu càng hay, và giành quyền vào chung kết sau khi hạ chủ nhà Đức ở hiệp phụ bán kết. Trong trận chung kết tại Berlin, Zidane nhận thẻ đỏ trực tiếp vì húc đầu vào ngực Marco Materazzi trước khi Italy thắng Pháp 5-3 trong loạt luân lưu.
World Cup 2010, tại Nam Phi. Ứng viên: Tây Ban Nha.
Với thứ bóng đá tika-taka, Tây Ban Nha vô địch Euro 2008 và trải qua chuỗi 35 trận bất bại cho đến năm 2009. Brazil, Anh và Argentina cũng được đánh giá cao, nhưng không thể ngăn cản Tây Ban Nha. Ở chung kết trên sân Soccer City, Andres Iniesta lập công ở hiệp phụ thứ hai giúp Tây Ban Nha hạ Hà Lan 1-0.
World Cup 2014, tại Brazil. Ứng viên: Brazil.
Trước giải, World Cup được tổ chức ở châu Mỹ bảy lần và các đội Nam Mỹ đều vô địch. Nhưng họ không thể duy trì thành tích này khi chủ nhà Brazil nhận trận thua kinh hoảng 1-7 trước Đức ở bán kết. Tới trận hạ màn, đại diện châu Âu tiếp tục gieo sầu cho Argentina của Lionel Messi với pha làm bàn ở hiệp phụ của Mario Gotze.
World Cup 2018, tại Nga. Ứng viên: Brazil và Đức.
Các nhà cái áp tỷ lệ vô địch không chênh lệch nhiều giữa Brazil, Đức, Tây Ban Nha và Pháp, trong khi Argentina, Bỉ và Anh cũng được đánh giá cao. Đức trở thành ĐKVĐ thứ ba liên tiếp bị loại ở vòng bảng, trong khi Bỉ loại Brazil ở tứ kết. Ở trận hạ màn, pha phản lưới của Mario Mandzukic cùng các bàn của Paul Pogba, Antoine Griezmann, Kylian Mbappe giúp Pháp hạ Croatia 4-2.
Hồng Duy (theo FIFA)