Sáng 3/2, nhóm 40 người, trong đó một nửa là sinh viên trường Khoa học và kỹ thuật máy tính thuộc Đại học Vũ Hán ra mắt nền tảng trực tuyến kết nối nhà tài trợ với hơn 800 bệnh viện khắp Trung Quốc - những nơi đang cần cung cấp vật tư y tế. Nền tảng mang tên Luoying Shanlian, liệt kê thông tin liên lạc của những người đã đăng ký tài trợ cùng chi tiết thiết bị bệnh viện đang cần.
Cui Xiaohui, giáo sư tại Phòng thí nghiệm điện toán đám mây và dữ liệu lớn của Đại học Vũ Hán, người dẫn dắt nhóm này cho biết ý tưởng được đưa ra sau khi ông và sinh viên thấy bệnh viện, đặc biệt là ở vùng nông thôn, cần một số vật tư y tế để điều trị cho các bệnh nhân nhiễm virus corona chủng mới.
"Nhiều bệnh viện thiếu vật tư, nhưng không biết ai sẽ chuyển đến, nhiều nhà tài trợ không biết quyên góp ở đâu và chỉ đang thực hiện các yêu cầu thông qua bạn bè hoặc mạng xã hội. Nếu có thể tạo ra nền tảng kết nối sẽ rất hiệu quả trong phòng chống dịch", GS Cui nói và cho biết sinh viên cũng muốn phát triển nền tảng để phục vụ địa phương họ nhưng rồi các em vẫn quyết định sẽ ưu tiên cho các bệnh viện tuyến đầu.
Với sự hỗ trợ của hơn 300 tình nguyện viên hỗ trợ xác minh thông tin đăng ký của bệnh viện và nhà tài trợ, nhóm dự án chỉ cần 40 giờ để đưa nền tảng vào thực tế. Do tình hình dịch bệnh, mọi công việc của dự án được điều phối trực tuyến. Dù khó khăn, họ vẫn hoàn thành các nhiệm vụ được giao theo nhóm như nhóm dịch vụ khách hàng, phát triển hệ thống, bảo trì hệ thống, thu thập dữ liệu và sàng lọc thông tin.
Trong 24 giờ đầu sau khi Luoying Shanlian ra mắt, trang web đã nhận được 150.000 lượt truy cập. Cui và sinh viên hy vọng có thể làm tốt hơn ít nhất một tổ chức từ thiện được thành lập bài bản.
Tại Đại học Nam Kinh cách đó Vũ Hán khoảng 500 km, Zheng Jiawen, nhà nghiên cứu tại trường Báo chí và Truyền thông cùng sinh viên do Zheng hướng dẫn đã tập trung phát triển nền tảng phương tiện truyền thông nổi tiếng của trường - NJU FactCheck, để thông báo về dịch corona và chỉ ra thông tin sai lệch xung quanh nó.
Trong tháng qua, NJU FactCheck đã xuất bản hai báo cáo chuyên sâu về cuộc khủng hoảng corona. Báo cáo đầu tiên so sánh dịch bệnh hiện tại với dịch SARS vào năm 2002-2003, tập trung vào cách phản ứng, vai trò của phương tiện truyền thông. Bản thứ hai phân tích các bản cập nhật của bộ phận y tế Vũ Hán được ban hành từ ngày 31/12 đến 24/1 và xác định một số điểm không nhất quán.
Kể từ ngày 25/1, rất nhiều sinh viên từ tỉnh Hồ Bắc, những người có kết nối với Đại học Nam Kinh qua Wechat, đã cung cấp bài báo hấp dẫn dưới sự hướng dẫn, hỗ trợ từ 6 giảng viên trường báo chí.
Các giảng viên đã kết nối với sinh viên từ Hồ Bắc để ghi lại cuộc sống hàng ngày của họ ở trung tâm của dịch. Khoảng 30 sinh viên đã đăng ký và gửi báo cáo hàng ngày. Những tác phẩm tốt nhất được giảng viên thẩm định và xuất bản. Đến ngày 4/2, nhóm đã xuất bản 11 bài, mỗi bài mô tả một thực tế ở khắp thành phố thuộc tỉnh Hồ Bắc chứ không riêng Vũ Hán.
Giảng viên Zhou Haiyan muốn thông qua dự án này sinh viên sẽ biết được sự hiện diện của họ trong cuộc sống này. "Những thứ các em nhìn thấy sẽ trở thành nền tảng cho suy nghĩ và hành động trong tương lai của các em", Zhou nói.
Dịch viêm phổi cấp do nCoV khởi phát tại Vũ Hán từ tháng 12/2019, sau đó lan ra toàn bộ 31 tỉnh thành Trung Quốc. Tới sáng 5/2, 490 người ở Trung Quốc đại lục, một người ở Hong Kong và một người ở Philippines thiệt mạng; hơn 24.500 người nhiễm; hơn 900 ca nhiễm đã phục hồi.
Tổ chức Y tế Thế giới hôm 31/1 tuyên bố tình trạng khẩn cấp toàn cầu. Hiện ngoài Trung Quốc, 27 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận có bệnh nhân nhiễm nCoV.
Dương Tâm (Theo Sixth Tone)