Đây là tọa đàm số 3 được thực hiện trong khuôn khổ Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030, với sự tham gia của nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia cùng 6 diễn giả có kinh nghiệm trong nghiên cứu, phát triển công nghệ trí tuệ nhân tạo.
Trong đó, PGS.TS Bùi Thu Lâm, Tổng thư ký của Câu lạc bộ Khoa-Trường-Viện Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam (FISU) với bài trình bày về xu thế nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo trên thế giới cũng như thực trạng tại Việt Nam. Ông cũng làm rõ hơn về nội hàm của các định hướng chính nghiên cứu phát triển trong Chiến lược Quốc gia về trí tuệ nhân tạo.
PGS Bùi Thu Lâm đã có nhiều năm tham gia cộng tác, nghiên cứu phát triển các mô hình tính toán dựa trên trí tuệ nhân tạo và triển khai một số nhiệm vụ khoa học công nghệ liên quan tới trí tuệ nhân tạo theo các chương trình khoa học công nghệ như Nafosted, song phương đa phương, Newton Fund.
GS. TS Nguyễn Lê Minh, Trưởng phòng thí nghiệm trí tuệ nhân tạo của Viện khoa học công nghệ tiên tiến Nhật Bản có bài trình bày các vấn đề nghiên cứu phát triển trong xử lý ngôn ngữ tự nhiên.
GS Minh là một chuyên gia về xử lý ngôn ngữ tự nhiên, đã có nhiều công trình nghiên cứu trên các tạp chí uy tín. Theo đó những chia sẻ của GS Minh là những kinh nghiệm thực tế trong việc xử lý ngôn ngữ tự nhiên có thể giúp giao tiếp giữa con người với máy, cũng như cách để tạo ra một hệ ngôn ngữ tự nhiên thông thạo với máy.
Diễn giả tiếp theo là GS. TS Từ Minh Phương, Chủ tịch hội đồng Học viện công nghệ bưu chính viễn thông với bài trình bày về các mô hình và bài toán xây dựng các hệ khuyến nghị, một trong những lĩnh vực của trí tuệ nhân tạo đang có xu hướng phổ biến hiện nay, đặc biệt trong các dịch vụ cho người dân.
Ở Học viện công nghệ bưu chính viễn thông, GS Phương đóng vai trò dẫn dắt về nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo, đã có nhiều kết quả nghiên cứu và ứng dụng các mô hình vào thực tế, cụ thể là các nghiên cứu về nền tảng trí tuệ nhân tạo trong chính phủ điện tử.
Sau phần trình bày báo cáo, các chuyên gia sẽ thảo luận bàn tròn về việc hình thành, xây dựng một số nhóm nghiên cứu mạnh, xây dựng một số phòng thí nghiệm trọng điểm, quốc gia, các nghiên cứu cơ bản những như một số sản phẩm triển vọng về trí tuệ nhân tạo và khoa học dữ liệu. Vấn đề hợp tác công- tư đồng tài trợ cho các nhóm nghiên cứu, xây dựng trung tâm nghiên cứu phát triển, trung tâm triển khai chuyển giao công nghệ ứng dụng trí tuệ nhân tạo, trung tâm đổi mới sáng tạo... cũng sẽ được thảo luận trong tọa đàm.
Ở phần này có sự tham gia của TS. Lê Hồng Việt, Tập đoàn FPT, GS. TS Lê Hoài Bắc, Đại học khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia TP HCM và TS Nguyễn Đức Dũng, Viện Công nghệ thông tin, Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam sẽ cùng phân tích vấn đề và nêu giải pháp phù hợp.
Tọa đàm "Nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo" nằm trong chuỗi 5 tọa đàm chuyên đề cùng với các hoạt động nhằm hiện thực hóa Chiến lược quốc gia về nghiên cứu, phát triển và ứng dụng AI đến năm 2030 được Thủ tướng ký ban hành đầu năm 2021. Chiến lược được ban hành với hy vọng thúc đẩy sự phát triển AI tại Việt Nam, góp phần phát triển kinh tế xã hội và từng bước đưa Việt Nam trở thành điểm sáng về AI trong khu vực và trên thế giới.
Đồng hành với Bộ Khoa học và Công nghệ trong chuỗi tọa đàm này còn có Aus4Innovation là đơn vị tài trợ, Câu lạc bộ Khoa-Trường-Viện Công nghệ Thông tin - Truyền thông Việt Nam FISU phối hợp tổ chức và báo Vnexpress là đơn vị truyền thông chính thức.
Độc giả quan tâm có thể gửi câu hỏi tới các diễn giả tại đây Phần trình bày và thảo luận của các diễn giả, chuyên gia, sẽ được công chiếu trên VnExpress và Fanpage VnExpress.
Minh Anh