Sau 2 tháng phát động, cuộc thi Sáng kiến Khoa học (Creative Science Contest - CSC) do VnExpress tổ chức nhận được gần 100 hồ sơ gửi đến về từ các nhóm nghiên cứu, nhà khoa học, sinh viên các trường đại học, cao đẳng. Nhiều tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TP HCM, Sóc Trăng, Long An, Bình Dương, Bến Tre, Điện Biên... có số lượng tham gia vượt trội.
Trong số 5 nhóm lĩnh vực, các sáng kiến, giải pháp thuộc lĩnh vực môi trường, nông nghiệp và y sinh - hóa sinh chiếm ưu thế. Riêng lĩnh vực y sinh-hóa sinh, có nhiều nhóm tác giả tham gia, trong đó có các nghiên cứu tận dụng sợi chuối, vỏ cafe hay thảo dược từ hoa đu đủ. Một số sản phẩm liên quan đến chăm sóc sức khỏe như giải pháp tốt chữa bệnh trầm cảm (Bến Tre) hay Xà phòng làm sạch móng và giảm nứt gót chân (Long An).
Lĩnh vực y sinh- hóa sinh hiện nhận sự quan tâm lớn từ cộng đồng nghiên cứu quốc tế và đóng vai trò quan trọng trong nỗ lực chăm sóc sức khỏe toàn cầu. Với sự phát triển của công nghệ và khoa học, ngành y sinh không chỉ giúp chẩn đoán và điều trị bệnh, còn tạo cơ hội mới trong nghiên cứu và phát triển các phương pháp điều trị, cải thiện chất lượng cuộc sống và kéo dài tuổi thọ.
BSCKII Phạm Trung Hiếu, Trưởng Khoa Chi dưới, Trung tâm Chấn thương chỉnh hình và Y học thể thao Vinmec, cho hay sự phát triển của lĩnh vực y sinh càng trở nên cần thiết và quan trọng trong bối cảnh hiện nay. Các công nghệ mới và tiên tiến như AI, học sâu, máy học, công nghệ gene và sinh học phân tử đóng vai trò quan trọng trong cải thiện chẩn đoán, điều trị và dự đoán bệnh tật. "Sự tiến bộ trong các công nghệ này mang lại những tiềm năng lớn trong việc tạo ra các giải pháp y tế tiên tiến và hiệu quả hơn", anh nói.
Tuy nhiên, bác sĩ Hiếu cho rằng việc tìm kiếm và áp dụng các công nghệ mới trong lĩnh vực y sinh không dễ dàng bởi các thách thức về khía cạnh đạo đức, pháp lý và kỹ thuật, cùng với việc đảm bảo tính bảo mật và an toàn cho bệnh nhân, dữ liệu y tế. Theo anh, ngành y sinh cần sự tham gia chặt chẽ của cộng đồng khoa học và y tế. Trong đó việc kết hợp giữa nghiên cứu cơ bản và ứng dụng thực tiễn nhằm tạo ra đột phá trong điều trị bệnh tật, cải thiện sức khỏe cộng đồng. Ở đó, các nhà khoa học đưa ra giải pháp sáng tạo và hiệu quả, trong khi các chuyên gia y tế đảm bảo những giải pháp này được áp dụng một cách an toàn và có hiệu quả trong thực tế.
BS Phạm Trung Hiếu là đại diện nhóm Lab 3D VinUni, hai năm liền đoạt giải Nhì tại Sáng kiến Khoa học với dự án công nghệ thiết bị định vị phẫu thuật nội soi xương 3D (năm 2022) và thiết bị dẫn đường phẫu thuật cá thể hóa (PSI) có thể định hướng vị trí phẫu thuật thay khớp chuẩn xác lên tới 98% (năm 2023).
Nhóm nghiên cứu cho biết tiếp tục tập trung vào nghiên cứu và áp dụng công nghệ mới trong việc chế tạo kim loại, đặc biệt là trong lĩnh vực cấy ghép vĩnh viễn vào cơ thể (implant). Dự án nhằm tạo ứng dụng mới trong lĩnh vực y học đồng thời mở ra cơ hội cho các phương pháp điều trị và phục hồi sau chấn thương. Anh cho hay nhóm sẵn sàng hợp tác và tìm kiếm hỗ trợ từ cộng đồng y tế và doanh nghiệp để đẩy mạnh phát triển sản phẩm. "Cuộc thi đã tạo nền tảng tuyệt vời để khích lệ và hỗ trợ các nhà nghiên cứu, nhất là các nhà phát triển trẻ", anh nói và cho biết thêm kỳ vọng cuộc thi thu hút sự quan tâm từ các khối ngành STEM, mở ra cơ hội cho các dự án độc đáo và ý tưởng sáng tạo từ người trẻ.
Cuộc thi Sáng kiến Khoa học bước sang năm thứ 3, với mục tiêu tạo ra sân chơi cho những người yêu khoa học công nghệ với các ý tưởng và sản phẩm có giá trị sử dụng trong cuộc sống. Ban tổ chức nhận hồ sơ đến hết ngày 31/3.
Vòng sơ loại diễn ra từ 00h ngày 01/4 đến 23h59 ngày 21/4. Vòng chung kết: Từ 00h ngày 22/4 đến 23h59 ngày 9/5. Lễ trao giải Cuộc thi sẽ diễn ra vào ngày 16/5, phát tróng trực tiếp trên Fanpage VnExpress.net.
Tổng giải thưởng lên tới 300 triệu đồng, trong đó giải đặc biệt 100 triệu đồng, giải nhất 70 triệu đồng, giải nhì 50 triệu đồng, giải ba 30 triệu đồng và hai giải khuyến khích 10 triệu đồng mỗi giải. Ngoài ra, CSC có hạng mục sáng kiến cho vùng sâu, vùng xa với giá trị 30 triệu đồng.
>>> Nộp bài thi tại đây
Như Quỳnh