Song nhân viên y tế không tiếp nhận Young, cho biết thời gian sinh nở của cô còn chưa tới. Hôm ấy là ngày 18/3.
Hai ngày sau, Young tìm kiếm dọc các cửa hàng trong thành phố để mua khăn giấy trẻ em, tã lót cùng nước rửa tay. Cô và mẹ mình vô gia cư, phần nhiều đi lại bằng phương tiện công cộng. Dịch bệnh quét qua, họ ở tạm với những người họ hàng, song vẫn cần mua thêm nhu yếu phẩm trước khi lệnh hạn chế đi lại được ban hành. Cả hai đã mua khăn giấy, nhưng không tìm được tã lót.
Tối cùng ngày, Young trở lại bệnh viện, song một lần nữa phải về nhà. Bác sĩ cho biết tử cung của cô mới chỉ mở 2 cm thay vì 6 cm như khi chuyển dạ tích cực.
Theo kế hoạch ban đầu, Young sẽ được Joy Dean, một tình nguyện viên của Chiến dịch Sacramentos’s Black Child Legacy hỗ trợ quá trình sinh nở. Sau khi bị nhiều bệnh viện từ chối, Dean đưa cô tới Trung tâm Y tế California, một trong những cơ sở hiếm hoi thực hiện chương trình trợ cấp cho người có thu nhập thấp ở thời điểm này. Song để phòng ngừa sự lây lan của Covid-19, Dean không được phép cùng Young vào phòng đẻ.
"Tôi không lo lắng vì virus. Tôi lo rằng sẽ chẳng ai nghe mình nói gì", sản phụ 28 tuổi cho biết. Cô cũng chia sẻ mình sẽ cảm thấy khá hơn nếu có Dean ở cạnh.
Nước Mỹ đang vật lộn để đối phó với cuộc khủng hoảng Covid-19. Trong khi đó hàng chục nghìn người phụ nữ buộc phải sinh con trong tình cảnh ngặt nghèo chưa từng có. Các bệnh viện chuyển khâu điều trị trước và sau khi sinh sang chăm sóc từ xa, hạn chế hoặc cấm hoàn toàn khách ghé thăm sản phụ.
Nhiều cơ sở cho phép các bà mẹ lựa chọn khởi phát chuyển dạ (bác sĩ sẽ kích thích các cơn gò tử cung giúp sản phụ sinh con qua ngã âm đạo). Vài nơi chuyển hoàn toàn khoa phụ sản thành khu điều trị Covid-19.
Các thay đổi này khiến cho những đơn vị cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khoẻ sinh sản, hiệp hội y khoa và cả bệnh nhân quay cuồng, cố gắng đưa ra quyết định sáng suốt.
"Sự thay đổi tính bằng ngày", Thorild Urdal, một hộ sinh 35 năm kinh nghiệm tại San Francisco cho biết.
Đại dịch tạo sức ép lên hệ thống chăm sóc sức khỏe vốn có nhiều vấn đề tại Mỹ. Trong nhiều năm liền, tỷ lệ thai phụ tử vong ở mức đáng báo động. Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), năm 2007, 12,7/100.000 phụ nữ đã chết trong quá trình mang thai, chuyển dạ hoặc 42 ngày sau sinh. Năm 2018, con số này tăng lên 17,4. Tình hình thậm chí nghiêm trọng hơn ở phụ nữ da màu.
Nhiều nhân viên y tế lo ngại nỗ lực ngăn chặn Covid-19 sẽ ảnh hưởng đến các bà mẹ và trẻ sơ sinh, để lại hậu quả khó lường, chỉ thật sự lộ rõ khi đại dịch đã kết thúc.
Trong khi đó, các bệnh viện vẫn vật lộn để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Tháng này, Tập đoàn Y tế Permanente tại California trở thành hệ thống bệnh viện đầu tiên hỗ trợ sinh nở cho thai phụ ở tuần thứ 39 hoặc khởi phát chuyển dạ đối với những trường hợp cần thiết.
Các bác sĩ tại đây "nỗ lực giúp họ vượt cạn thành công trước khi đại dịch trở nên trầm trọng hơn, ngay thời điểm thai nhi đủ tháng", tiến sĩ Amanda Williams, người đứng đầu khoa sản tại Permanente cho biết.
"Chúng tôi không ép bất cứ ai thực hiện khởi phát, nhưng vẫn khuyến nghị làm điều này nếu dịch bệnh tiếp tục diễn biến tiêu cực", tiến sĩ Williams cho biết.
Song Jhoanna Galvez, một nữ hộ sinh tại Los Angeles không đồng ý với quan điểm trên. Cô cho biết khởi phát chuyển dạ có thể kéo dài quá trình sinh sản, tăng thời gian thai phụ phải ở lại bệnh viện, đi ngược lại mục đích phòng ngừa dịch bệnh ban đầu.
Đại học Phụ sản Mỹ hiện chưa ban hành hướng dẫn cụ thể về vấn đề này. Các chuyên gia lưu ý phụ nữ mang thai không dễ nhiễm nCoV hơn những người khác, song các triệu chứng như nhiễm trùng đường hô hấp trên và sốt cao có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của thai nhi.
Trong khi khởi phát chuyển dạ là chủ đề gây tranh cãi, nhiều bệnh viện chọn cách đóng cửa hoàn toàn khoa sản để tạo thêm không gian cho bệnh nhân Covid-19.
Tại San Francisco, hệ thống của Trung tâm Y tế California Pacific đã chuyển đổi một trong hai phòng đẻ thành khu điều trị cách ly Covid-19. Phụ nữ chuyển dạ (không có triệu chứng nhiễm virus) được gửi đến cơ sở khác của hệ thống.
Song vấn đề các bà mẹ gặp phải không chỉ dừng lại sau cách cửa phòng sinh. Casey Hogle, một sản phụ có con đầu lòng tại bệnh viện Đa khoa Massachusetts ở Boston cho biết quá trình sinh nở diễn ra suôn sẻ. Tuy nhiên khi trở về nhà, cô đối mặt với nhiều thách thức khác.
"Tác động lớn nhất là về mặt xã hội. Gia đình nội ngoại sẽ không được gặp em bé trong một thời gian dài nữa", cô xúc động nói.
Trở lại với Latoyha Young, đến ngày 26/3, cô vẫn chờ đợi để sinh con mà chưa tìm mua được tã lót. Mẹ của cô từ chối rời xa con gái mình, bất chấp các quy định của bệnh viện.
Cuộc khủng hoảng y tế đã khiến nhiều người cân nhắc việc sinh con tại nhà thay vì đến bệnh viện. Song tiến sĩ Taraneh Shirazian, chủ tịch Saving Mothers, một tổ chức phi lợi nhuận tập trung vào sức khỏe bà mẹ toàn cầu nhấn mạnh, sinh con tại bệnh viện vẫn là sự lựa chọn an toàn nhất bởi cả thai nhi và sản phụ đều có nguy cơ biến chứng cao nếu không có sự hỗ trợ của bác sĩ.
Thục Linh (Theo NY Times)