Đầu năm Quý Mão, nhiều sàn diễn giới thiệu loạt tác phẩm với đề tài phong phú, hài kịch chiếm số đông. Nhà hát 5B Võ Văn Tần diễn ba vở, gồm: Tía ơi chồng con đâu phần hai, Gọi số trúng số và Đại náo long cung.
Trong đó, vở Đại náo long cung (kịch bản: Vương Huyền Cơ, đạo diễn: Bảo Chu) hướng đến khán giả nhí. Nghệ sĩ Mỹ Uyên - giám đốc Nhà hát - cho biết sau một số vở thiếu nhi được đón nhận hè năm ngoái, chị mạnh tay đầu tư vào dòng kịch này. Êkíp dồn kinh phí hơn 100 triệu đồng để chăm chút về trang phục, cảnh trí, soạn nhạc riêng.
Ngoài mùng Một diễn hai suất, các ngày tiếp theo, sân khấu 5B tăng lên bốn suất từ sáng đến tối. Mỹ Uyên cho biết nhiều suất ở các mùng đầu "cháy" vé đặt trước. "Năm nay, khán giả thưởng thức đông hơn sau thời gian dịch bệnh, một bộ phận Việt kiều tranh thủ thưởng thức kịch Tết khi về nước", chị nói.
Idecaf làm mới hai vở cũ - Thuốc đắng giã tật và Cưới vợ cho ai. Trong đó, Thuốc đắng giã tật đánh dấu sự trở lại của Đại Nghĩa - gương mặt quen thuộc một thời ở Idecaf. Vở mang màu sắc dân gian, được phóng tác từ kịch bản Người bệnh tưởng (Molière), xoay quanh Mạnh - một người đàn ông giàu có, hoang tưởng mình mắc bệnh nan y, từ đó mắc kế lang băm. Ông Huỳnh Anh Tuấn - giám đốc sân khấu cho biết - đa số suất diễn tối (từ 20h đến 23h) đã hết vé khi công bố lịch vài tuần trước Tết, chỉ còn các suất chiều.
Sân khấu Phú Nhuận của nghệ sĩ Hồng Vân ra mắt hai vở - Thương thì thương thế thôi và Khuya rồi đừng giỡn mặt. Thế Giới Trẻ giới thiệu hai tác phẩm Nghiệp quật và Thả thính mà hổng dính - vở kết hợp với Hội sân khấu TP HCM, với sự góp mặt của nghệ sĩ Hoài Linh, cùng một số vở cũ. Đại diện Thế Giới Trẻ cho biết hai vở mức có sức bán tốt, khoảng 70% suất diễn "cháy" vé. Hoàng Thái Thanh diễn vở mới mang màu sắc tâm linh - Trái tim oan khuất, xoay quanh một gia đình làm nghề dệt may vải thổ cẩm ở Phan Rang, cuộc sống yên bình bỗng chốc bị đảo lộn khi một bức tượng kỳ lạ xuất hiện. Sàn diễn này cũng diễn lại loạt vở ăn khách một thời như Bông hồng cài áo, Nửa đời ngơ ngác...
Năm nay, đường đua kịch Tết có sự tham gia của hai điểm diễn mới. Nhà hát Thanh Niên (do "bầu" Huỳnh Anh Tuấn sáng lập) công diễn hai vở - nhạc kịch Em em chị chị (lấy cảm hứng từ Chicago - phim hài Mỹ nổi tiếng) và Bất ngờ chưa bà già. Sân khấu Trương Hùng Minh - sàn diễn khai trương cuối năm ngoái của nghệ sĩ Minh Nhí - diễn hai vở Đụng vô là phỏng tay và Loạn thế chi vương, đều thuộc thể loại dân gian với tiếng cười trào phúng.
Các đơn vị kỳ vọng vào mùa kịch Tết sau một năm nhiều khó khăn. Mỹ Uyên cho biết hạnh phúc khi trong giai đoạn chật vật về kinh tế, khán giả vẫn ủng hộ sân khấu. Tết 2022, sân khấu 5B chỉ diễn cầm chừng các vở cũ vì tình hình dịch bệnh còn phức tạp. Năm nay, chị phấn khởi khi các sân khấu đều xôm tụ, mỗi nơi một màu sắc, góp phần giữ chân khán giả và thu hút thêm công chúng trẻ. "Lần đầu tiên, tôi có niềm tin kịch Tết ở Sài Gòn có thể cạnh tranh với các loại hình khác như phim ảnh, show ca nhạc...", chị nói.
Nghệ sĩ Hồng Vân cho rằng kịch nói hồi phục một phần vì thói quen xem live của khán giả đã trở lại, sau thời gian dài chỉ thưởng thức văn hóa - nghệ thuật qua màn ảnh vì dịch bệnh. Ông Huỳnh Anh Tuấn đánh giá dù tín hiệu sân khấu khả quan, việc giữ chân công chúng không dễ. "Các đầu kịch hay hiện ngày càng hiếm trong khi điểm diễn ngày càng nhiều, đòi hỏi nghệ sĩ phải dốc lòng sáng tạo để chinh phục khán giả", ông nói.
Nghệ sĩ Trần Ngọc Giàu - Chủ tịch Hội Sân khấu TP HCM - cho rằng thị trường kịch nói Tết này sôi động hơn nhưng các tác phẩm chưa đồng đều về chất lượng, nhiều vở mắc lỗi kịch bản, diễn viên chưa chăm chút cho vai vì mải chạy show ghi hình phim, truyền hình thực tế. "Mùa kịch Tết là cơ hội cho sân khấu thăm dò thị hiếu từ khán giả. Do đó, các đơn vị cần nhìn nhận lại những thiếu sót và khắc phục, có hướng đi phù hợp để phát triển lâu dài trong bối cảnh khó khăn", ông nói.
Mai Nhật