Thời sự
Thứ bảy, 26/10/2024, 07:00 (GMT+7)

Rác từ lồng bè đe dọa sinh thái vịnh Hạ Long

Quảng NinhPhao xốp, bè tre, rác thải sinh hoạt từ các lồng bè nuôi thủy sản ở vùng đảo Hoàng Tân, thị xã Quảng Yên, bị bão đánh thành rác đe dọa sinh thái vịnh Hạ Long

Theo UBND thị xã Quảng Yên, bão Yagi khiến 455 cơ sở nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng toàn bộ lồng, bè nuôi hàu, 989 ha đầm nuôi trồng thủy sản và 350 ha nuôi tôm công nghiệp bị thiệt hại.

Vùng đảo ​Hoàng Tân có số hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại lớn nhất thị xã Quảng Yên với 381 hộ, diện tích nuôi trên 1.260 ha. Diện tích nuôi bị thiệt hại 30-50% là 29,9 ha; từ 70% trở lên là hơn 1.230 ha.

Khu vực bến Cái Dầm, xã Hoàng Tân có hàng triệu m3 rác gồm bè tre, phao xốp, rác sinh hoạt từ các bè nuôi trồng thủy sản bị bão phá hủy. Bè mảng trôi vô định trên biển, đe dọa đến môi trường vịnh Hạ Long.

Phao xốp vỡ vụn trôi nổi rất khó thu gom, gây ô nhiễm môi trường nước, ảnh hưởng đến hệ sinh thái. Đây vốn là vật liệu giá rẻ, dễ đầu tư, có độ nổi mặt nước tốt, nhưng độ bền trung bình chỉ 2-3 năm.

Đảo Hoàng Tân thuộc vùng đệm của vịnh Hạ Long, cách khu vực tổ chức các tuyến tham quan khoảng 5 km.

Rác phủ trắng rừng ngặp mặn gần cảng Cái Dầm không chỉ gây ô nhiễm mà còn khiến các loại chim, tôm cá, sống ở đây gặp nguy hiểm.

Giữa năm 2023, tỉnh Quảng Ninh tổ chức xóa bỏ các lồng bè nuôi thủy sản trái phép, chuyển đổi phao xốp sang vật liệu mới vì loại rác thải này đã gây ra cuộc khủng hoảng môi trường trên vịnh Hạ Long.

Lượng rác khổng lồ còn mắc vào rừng ngập mặn, chân đảo đá khi nước xuống và trôi dạt ra biển khi thủy triều lên.

Ông Vũ Kiên Cường, Giám đốc Ban Quản lý vịnh Hạ Long, cho biết rác từ khu vực đảo Hoàng Tân đã trôi rất nhiều vào vịnh Hạ Long. "Ban đã lên kế hoạch phối hợp với thị xã Quảng Yên, TP Hạ Long dọn dẹp trong 10 ngày", ông Cường nói.

Dù đã huy động hàng trăm người với các chiến dịch dài ngày để xử lý, làm sạch vịnh, tình trạng ô nhiễm chưa thể xử lý triệt để.

Ông Trần Văn Tĩnh, 57 tuổi, lấy cục phao nhựa hiếm hoi từ cảng Cái Dầm ra làm nhà ở trông coi tài sản trên bè nuôi hàu. Gia đình ông bị thiệt hại khoảng một tỷ đồng sau bão và gặp nhiều khó khăn khi tái thiết.

Nhiều người dân vớt lại những cục phao xốp còn nguyên vẹn để tái sử dụng. Một quả phao xốp giá khoảng 140.000 đồng, trong khi phao nhựa 350.000-500.000 đồng. Mỗi bè nuôi trồng rộng 9 m cần 14 quả. Các hộ dân ở đây có từ 10 đến hàng trăm bè nên tiền mua phao không nhỏ.

Vật liệu nuôi trồng hiếm hoi không bị bão phá hủy được người dân vớt lên bờ tận dụng tái sản xuất.

Ngư dân Quảng Yên dùng tre làm lại bè nuôi hàu, khôi phục sản xuất. Cũng giống như phao xốp, tre dù rẻ nhưng nhanh hỏng. Tuy nhiên, người dân đã gần như mất trắng sau bão, không còn đủ lực để đầu tư vật liệu thay thế đắt tiền.

Thị xã Quảng Yên đã giao khu nuôi trồng thủy sản cho 164 hộ dân, mỗi hộ 0,6 ha kèm theo vị trí, sơ đồ. Đến giữa tháng 11, Quảng Yên sẽ hoàn thành bàn giao khu vực nuôi trồng thủy sản cho hơn 400 hộ với 865 ha mặt nước thuộc khu vực huyện quản lý.

Tỉnh Quảng Ninh đã ban hành chính sách hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề do bão Yagi; đề nghị các tổ chức tín dụng khoanh, giãn nợ, giảm lãi suất, cho vay mới... đối với các hộ nuôi trồng thủy sản bị thiệt hại do bão.

Lê Tân

VnExpress mở chiến dịch "Cùng đồng bào vượt lũ" nhằm hỗ trợ người dân vượt lên nghịch cảnh thiên tai, tái thiết cuộc sống. Mọi đóng góp của bạn xin ủng hộ tại đây.