- Trong khi Thái Lan đang cân nhắc nới giờ mở cửa hàng quán tới 4h sáng, thay vì 2h như hiện nay thì ở Hà Nội - một trong hai thành phố du lịch lớn nhất nước, khách vẫn than phiền chỗ ăn đêm không có, chưa nói chỗ vui chơi. Ông nghĩ sao về điều này?
- Mỗi khi ra Hà Nội, tôi thường ăn phở ở gầm cầu Phùng Hưng lúc nửa đêm, mà nhiều lúc phải ôm bát chạy vì bị công an phường đuổi. Hà Nội là thành phố hòa bình, quản lý tốt, tại sao phải cần đặt quy định "giờ giới nghiêm". Như vậy không khác gì "tự chặt cánh tay du lịch".
Nhưng tôi nghĩ, rào cản không chỉ nằm ở giới hạn thời gian mà còn là quy hoạch và quản lý. Chính vì không quy hoạch được mới trở nên hổ lốn. Nhiều tuyến phố đi bộ ở các thành phố lớn, giờ người ta gọi là phố đi nhậu. Hàng quán tràn ra lòng đường, chiếm diện tích. Những con phố rộng hơn, thích hợp làm dịch vụ, thì lại trống trơn.
Tư duy không quản lý được thì cấm khiến các thành phố bỏ quên cơ hội từ kinh tế đêm. Trong khi đó, nếu quy hoạch từng khu cụ thể, có điều kiện kinh doanh rõ ràng thì câu chuyện sẽ khác. Chính quyền từng thành phố phải trả lời được những câu hỏi: "Muốn cái gì?", "Khai thác thế nào" thì mới có thể đưa ra một giải pháp tổng thể.
- Theo ông, mô hình hoạt động đêm nào ở Việt Nam đã thành công?
- Một ví dụ điển hình là Hội An, cả trăm năm nay vẫn thế, những con phố cổ, những ngôi nhà nhiều năm tuổi, nhưng hai thập kỷ gần đây, Hội An thành điểm sáng về kinh tế ban đêm. Hội An của ban ngày và ban đêm hoàn toàn khác nhau. Khi mặt trời lặn, thành phố này lộng lẫy hơn với đèn hoa đăng, đèn lồng. Nếu như các địa phương khác, vòng quay du lịch đã "chết lịm" từ 18h, thì ở Hội An, không khí còn náo nhiệt thậm chí đến 2h sáng với đủ các hoạt động, các dịch vụ từ giải trí, ẩm thực, cho tới văn hóa.
Hay như câu chuyện tại Huế, thành phố này vẫn vậy, vẫn những lăng tẩm, vẫn sông Hương nhưng hai năm gần đây diện mạo du lịch đã hoàn toàn khác.
Huế ngày xưa có khoảng 2,8 triệu khách đến một năm, nhưng chỉ khoảng 700.000 khách lưu trú qua đêm. Lý do là sau khi mặt trời lặn, mọi hoạt động cũng gần như dừng lại, 8h tối ra đường không gặp ai. Khi đó, tôi đã đề xuất với Huế làm phố đi bộ, rồi tạo sự kiện với những chủ đề rõ ràng. Lãnh đạo thành phố ban đầu tỏ ra nghi ngờ, nhưng sau đó thì kết quả ngoài dự kiến. Đến một ngày, lãnh đạo thành phố gọi cho tôi và nói "Kỳ ơi kẹt xe rồi". Kẹt xe ở Huế vào buổi tối, liệu có tin được không? Nhưng điều đó đã xảy ra.
- Vậy muốn đẩy mạnh kinh tế đêm, Việt Nam nên chọn mô hình nào?
- Chúng ta phải hình dung mục tiêu của kinh tế đêm là gì, từ đó xây dựng phương thức, quy hoạch về văn hóa, ẩm thực, vui chơi giải trí, các hình thái văn hóa.
Trong du lịch có một lý thuyết là thu từ ban ngày chỉ chiếm 30% tổng thu từ một du khách, còn thu từ ban đêm chiếm tới 70%. Nếu các khoản thu ban ngày thường được xác định và bán trước, thì khoản mà khách tiêu dùng từ 6h tối tới 2h sáng mới là khoản chính mà các thị trường đang hướng tới. Phương thức xây dựng xoay quanh ba "tại chỗ": tài nguyên tại chỗ, phương thức triển khai tại chỗ và nhân lực tại chỗ. Nếu khai thác tốt, khu vực này sẽ mang đến hai yếu tố tích cực, kéo du khách trở lại và tạo cách thức khai thác hiệu quả nguồn lực có sẵn.
- Chính phủ vừa yêu cầu các bộ, địa phương nghiên cứu chính sách phát triển kinh đêm, ông chờ đợi gì từ động thái này?
- Tôi cho đây là việc rất cần thiết vì gần như Việt Nam đang bỏ trống lĩnh vực hoạt động về đêm cho du khách. Nhiều người nói khách du lịch không muốn quay lại Việt Nam lần thứ hai, một trong các nguyên nhân là họ thiếu "chỗ chơi", sản phẩm về đêm của chúng ta quá nghèo nàn. Nhiều địa phương đang bị kêu là du khách đến thì buổi đêm chỉ để đi ngủ, như Sapa hay kể cả Hạ Long.
Việt Nam có sẵn nhiều nền tảng tốt, chúng ta chỉ cần quy hoạch bài bản, một chiến lược rõ ràng thì sự thay đổi sẽ khác đi.
Nhìn sang Thái Lan, đâu phải du khách tới đó nhiều lần vì muốn vào Hoàng cung. Hoàng cung đẹp nhưng họ không quay lại đó hai, ba lần đâu. Ngược lại, họ tới du lịch vì muốn đi mua sắm, ăn uống, sử dụng dịch vụ về đêm. Chính những dịch vụ như vậy giúp khách du lịch "chìm" vào văn hóa địa phương, hấp dẫn họ, giữ chân họ.
Đến một vùng đất mới, ngoài số tiền mua tour thì cả chuyến đi còn lại, du khách tiêu như thế nào? Thứ khiến họ bỏ tiền ra chỉ là những lúc mua sắm, sử dụng dịch vụ, những khung giờ nằm ngoài thời gian di chuyển, ngắm cảnh. Đó chính là cách gia tăng giá trị trên một đầu khách, quay vòng sử dụng với nhiều khách hàng khác nhau.
- Vậy còn chỗ chơi cho du khách, theo ông nên giải quyết ra sao?
- Cùng với làm tốt quy hoạch là phải phát triển các dịch vụ đi kèm. Buổi tối ở Hà Nội mấy chỗ có văn hóa phi vật thể để du khách có thể xem, thưởng thức, tìm đâu ở Hà Nội hát xoan Phú Thọ hay các chương trình mang đặc trưng vùng miền, ngoài múa rối nước? Rối nước cũng chỉ giữ được du khách trong ba giờ buổi tối, vậy phần còn lại của đêm, hoặc đêm sau họ làm gì, ngoài đi nhậu?
Nếu chúng ta quy hoạch được phố đi bộ Hồ Gươm, gắn với những hoạt động văn hóa, nghệ thuật, khách du lịch đi một vòng hồ, thậm chí nửa vòng thôi đã hết một đêm, như vậy mới tạo cơ hội cho các lĩnh vực khác phát triển ăn theo.
Mỗi khách du lịch đến Việt Nam hiện chỉ tiêu chừng 600-700 USD, mức rất thấp nếu so với các nước khác trong khu vực, chủ yếu là tiền đóng cho các tour du lịch. Nếu làm tốt kinh tế đêm, chỉ cần khiến du khách gia tăng chi tiêu lên mức 1.000 USD, với 15 triệu khách đến Việt Nam mỗi năm, điều gì sẽ xảy ra? Kết quả sẽ là một con số đáng kể đấy!
Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng giám đốc của Vietravel - bén duyên với ngành du lịch từ năm 1985 với sự khởi đầu tại SaigonTourist. Năm 1993, ông được bổ nhiệm là Giám đốc Trung tâm Du lịch và Tiếp thị Giao thông Vận tải - tiền thân của Vietravel ngày nay. Hơn 25 năm hoạt động, "thuyền trưởng" của Vietravel góp phần đưa doanh nghiệp này trở thành một trong những công ty lữ hành lớn nhất hiện nay, với hơn 1.300 nhân viên, tổng tài sản 1.500 tỷ và doanh thu năm gần nhất hơn 7.200 tỷ đồng.
Ông Kỳ từng có thời gian ngắn giữ chức Tổng cục phó và quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Việt Nam.
Minh Sơn