Tại phiên thảo luận tổ của Quốc hội sáng 12/2, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng thông tin về khối lượng công việc "khổng lồ" mà Ủy ban phải đảm nhiệm trong kỳ họp bất thường lần này. Ủy ban chủ trì thẩm tra 4 dự án luật và 5 dự thảo nghị quyết - gần như toàn bộ nội dung của kỳ họp liên quan tổ chức bộ máy.
Các dự thảo luật và nghị quyết này dự kiến trình lên Quốc hội tại kỳ họp thứ 9 vào giữa năm 2025. Tuy nhiên, do yêu cầu cấp bách của thực tiễn và mục tiêu phát triển kinh tế xã hội 8% trong năm 2025 cũng như giai đoạn tiếp theo, việc tháo gỡ các vướng mắc và hoàn thiện thể chế trở nên cấp thiết, phải giải quyết ngay trong kỳ họp bất thường đầu năm.
Do kỳ họp diễn ra ngay sau kỳ nghỉ Tết nên tất cả nội dung phải chuẩn bị rất kỹ. Các thành viên của Ủy ban Pháp luật phải làm việc với cường độ cao, "làm ngày làm đêm, ăn cùng ngủ cùng" với cơ quan soạn thảo, các bộ như Tư pháp, Nội vụ và Chính phủ ngay sau kỳ họp thứ 8 (cuối năm 2024) để kịp tiến độ. "Đây là các luật nền tảng, ngoài phục vụ sắp xếp tổ chức bộ máy còn đổi mới quy trình xây dựng pháp luật, nâng cao chất lượng thể chế để có công cụ pháp lý tháo gỡ vướng mắc", ông nói.
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng việc xây dựng các dự án luật, nghị quyết trình Quốc hội tại kỳ họp bất thường này là "việc chung" giữa các cơ quan Chính phủ và Quốc hội. Đó "không phải trách nhiệm anh soạn thảo, tôi đứng nhìn, mà là việc chung để hoàn thiện ngay trong quá trình soạn thảo, không phải để dành nội dung để sau đó thẩm tra".
Dự án luật do Chính phủ trình, nhưng "là sản phẩm chung của cơ quan Quốc hội". Nhiều vấn đề trong quá trình soạn thảo, cơ quan thẩm tra đã vào cuộc tiếp thu, chỉnh lý luôn. Vì vậy khi xây dựng báo cáo thẩm tra, nội dung lớn đã được đồng thuận cơ bản. "Giải thích như thế để đại biểu Quốc hội không thắc mắc vì sao tính chiến đấu, tính phản biện của cơ quan thẩm tra không cao. Nguyên nhân là chúng tôi đã xử lý luôn các vấn đề đặt ra trong quá trình xây dựng", ông Tùng nói.
![Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Phạm Thắng](https://vcdn1-vnexpress.vnecdn.net/2025/02/12/dsc-7511-copy-1739337778-17393-2297-2416-1739338095.jpg?w=680&h=0&q=100&dpr=1&fit=crop&s=nO66kHcLKlSTEO2ITVV1dQ)
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng. Ảnh: Phạm Thắng
Theo quy định, việc xem xét và thông qua các dự luật, dự thảo nghị quyết của Quốc hội phải tuân thủ quy trình chặt chẽ gồm nhiều bước và thường kéo dài qua hai kỳ họp. Tuy nhiên, trong những trường hợp cấp bách, quy trình này có thể được rút gọn để thông qua tại một kỳ họp. Một số bước trong quy trình thông thường có thể được bỏ qua hoặc thực hiện song song để tiết kiệm thời gian.
"Kỳ họp bất thường lần này chỉ kéo dài 7 ngày, thời gian tiếp thu, chỉnh lý, hoàn thiện trong kỳ họp không nhiều, khác hẳn so với kỳ họp thường lệ. Điều này yêu cầu cơ quan soạn thảo, thẩm tra phải làm việc song song", ông Tùng nói.
Cần nhập, tách các ủy ban theo yêu cầu phát triển
Về việc nên quy định cứng cơ cấu cơ quan của Quốc hội trong Luật Tổ chức Quốc hội hay trao thẩm quyền cho Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật cho rằng không nên giữ cơ cấu là bất biến.
Hiện tại, Quốc hội có Hội đồng Dân tộc và 7 Ủy ban, nhưng việc thay đổi cơ cấu là cần thiết để phù hợp với xu hướng phát triển của đất nước. Ví dụ, khi khoa học công nghệ trở thành lĩnh vực mũi nhọn, việc tách Ủy ban Khoa học Công nghệ ra khỏi Ủy ban Môi trường là hợp lý.
Với phương án nâng cấp và sáp nhập một số ủy ban hiện nay, cơ cấu tổ chức của Quốc hội sẽ có nhiều thay đổi. Một số ủy ban mới được thành lập, trong khi những ủy ban khác lại có quy mô lớn hơn do sáp nhập dẫn đến sự chênh lệch về số lượng thành viên giữa các ủy ban. Có ủy ban quy mô quá lớn (80-90 thành viên) có thể gặp khó khăn trong điều hành và phối hợp, trong khi các ủy ban nhỏ (30-40 người) thì thiếu nhân lực để đảm bảo hiệu quả hoạt động.
Việc sáp nhập ba ủy ban cũ thành một ủy ban mới cũng tạo ra những thách thức về nhiệm vụ và quyền hạn. Ủy ban mới này có thể phải đối mặt với khối lượng công việc lớn hơn so với các ủy ban khác, đòi hỏi phải điều chỉnh, hoàn thiện về cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động.
Để giải quyết những vấn đề này, các cơ quan liên quan tạm thời chấp nhận kế thừa nguyên trạng để tránh xáo trộn. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, Thường vụ Quốc hội và các Ủy ban sẽ tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy mô, chức năng, quyền hạn cụ thể, cũng như phương thức hoạt động của từng ủy ban.
Ông Tùng cho rằng quy định cứng tất cả vấn đề này trong luật có thể gây khó khăn cho việc điều chỉnh và thay đổi sau này. Do đó ông đề xuất giao quyền này cho Thường vụ Quốc hội để có thể điều chỉnh nhanh chóng, thuận lợi và linh hoạt, đáp ứng kịp thời yêu cầu thực tiễn.
Tại kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua 4 luật, gồm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi).
Các đại biểu cũng cho ý kiến và bấm nút thông qua 5 nghị quyết về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội; số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa 15 (sửa đổi); cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 (sửa đổi) và cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa 15 (sửa đổi).
Cùng với đó, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền, gồm cơ cấu tổ chức Chính phủ, cơ cấu bộ ngành, cơ quan ngang bộ của Chính phủ; tổ chức bộ máy cơ quan của Quốc hội, Văn phòng Quốc hội; danh sách thành viên các Ủy ban.