"Quân đội đã trải qua nhiều trận chiến quyết liệt và không ngừng nghỉ với các tổ chức khủng bố cực đoan sử dụng chiến thuật du kích. Điều này đòi hỏi chúng tôi phải áp dụng các chiến lược phù hợp, trong đó có tiến thoái và tái bố trí lực lượng", Bộ trưởng Quốc phòng Syria Ali Mahmoud Abbas, phó tham mưu trưởng quân đội, phát biểu trên sóng truyền hình quốc gia đêm 5/12.
Tuyên bố được tướng Abbas đưa ra sau khi quân đội Syria thất thủ ở Hama, thành phố chiến lược lớn thứ tư đất nước. Phiến quân Hay'et Tahrir al-Sham (HTS) cùng đồng minh tuyên bố đã kiểm soát hoàn toàn thành phố này.
Abbas mô tả quyết định từ bỏ thành phố Hama ở miền trung Syria chỉ là bước "rút lui chiến thuật", nhằm bảo vệ tính mạng cho dân thường trước đợt tiến công của phiến quân.
Ông khẳng định tình hình chiến trường vẫn khả quan, "tái bố trí và luân chuyển các đơn vị" là một phần chiến lược đảm bảo ổn định lâu dài cho Syria.
"Đây chỉ là biện pháp tạm thời. Các đơn vị tiếp tục giữ vị trí ở ngoại ô thành phố Hama, sẵn sàng thực hiện nghĩa vụ với đất nước và theo quy định hiến pháp", ông nói, đồng thời kêu gọi người dân không hoang mang.
Quân đội Syra rút lui khỏi Hama, thành phố có khoảng một triệu dân, từ chiều 5/12, dù trước đó đã có nhiều thời gian để chuẩn bị khi phiến quân tấn công thành phố Aleppo lân cận.
Đây là thành phố lớn thứ hai của Syria rơi vào tay phiến quân trong một tuần qua, kể từ khi HTS phát động tấn công và kiểm soát Aleppo ở phía bắc vào ngày 29/11.
Tỉnh Hama giáp ranh với tỉnh Latakia, là thành trì quan trọng đối với Tổng thống Bashar al-Assad và có căn cứ không quân của Nga. Hama thất thủ còn là đòn giáng nặng nề với chính quyền Syria, do phiến quân giờ đây có thể tăng tốc tấn công Homs, cách đó khoảng 50 km về phía nam.
Nếu Homs rơi vào tay lực lượng phiến quân, cục diện chiến sự Syria có thể thay đổi đáng kể. Thành phố là điểm kết nối hàng loạt khu vực đông dân, có một trong hai nhà máy lọc dầu quan trọng nhất cả nước và cũng là cửa ngõ chiến lược dẫn đến thủ đô Damascus.
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan trong cuộc điện đàm với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterres ngày 5/12 đã nhấn mạnh chính phủ Syria cần nhanh chóng đối thoại với người dân để đạt giải pháp chính trị toàn diện.
Ông Guterres cho rằng các bên liên quan xung đột ở Syria cần nghiêm túc đàm phán để giải quyết cuộc chiến đã kéo dài 14 năm, trên tinh thần Nghị quyết 2254 của Hội đồng Bảo an.
Được thông qua vào tháng 12/2015, nghị quyết vạch ra lộ trình hòa bình cho Syria, ủng hộ "tiến trình chính trị do Syria dẫn dắt", thành lập một cơ quan chuyển tiếp hòa bình, soạn thảo hiến pháp mới và tổ chức bầu cử do Liên Hợp Quốc giám sát.
Thanh Danh (Theo Xinhua, AP, RT)