Sáng 30/4, lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm "Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" được tổ chức với sự tham gia của hơn 13.000 người (diễu binh, diễu hành), 6.000 khách mời cùng hàng trăm nghìn người dân theo dõi ở các tuyến đường.
Đây là sự kiện chính thức và quan trọng nhất trong chuỗi hoạt động kỷ niệm 50 thống nhất đất nước và cũng là sự kiện có quy mô lớn nhất từ trước đến nay tại TP HCM. So với lễ kỷ niệm 40 năm "Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước" vào năm 2015, lần này số lượng người tham gia diễu binh, diễu hành gấp đôi, thời điểm đó lực lượng này hơn 6.000 người.
Tham dự buổi lễ có Tổng bí thư Tô Lâm, Chủ tịch nước Lương Cường, Thủ tướng Phạm Minh Chính, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và các lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Bộ, ngành, địa phương.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và lãnh đạo các nước tại lễ kỷ niệm 50 năm "Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước".
Lễ kỷ niệm cũng có sự tham gia của lãnh đạo nhiều nước, các chính đảng và khách quốc tế, gồm: Chủ tịch nước Lào Thongloun Sisoulith, Chủ tịch đảng Nhân dân Campuchia (CPP) Hun Sen, Phó Chủ tịch nước Cuba Salvador Valdes Mesa. Đại diện cho các chính đảng các nước, trưởng đoàn Trung Quốc, Mông Cổ, Nhật Bản, Cộng hòa Dominica, Pháp, Nga, Malaysia, Mỹ, Venezuela, Mexico,...
Trước đó, các buổi tập luyện, sơ duyệt, tổng duyệt đã liên tục diễn ra luôn thu hút đông đảo người dân theo dõi, song sức hút của buổi lễ chính thức sáng nay không hề giảm. Để đảm bảo an ninh, trật tự cho lễ kỷ niệm, hàng loạt tuyến đường cấm xe, người không có nhiệm vụ, song người dân không ngại đi bộ nhiều cây số hoặc ngủ qua đêm để xem lễ kỷ niệm vào sáng nay.
Tiêm kích Su-30MK2 thả bẫy nhiệt trên bầu trời TP HCM. Video: Nhóm phóng viên
Từ chiều hôm trước, người dân đã tập trung về các tuyến đường trung tâm nơi có khối diễu binh, diễu hành đi qua dựng lều, giữ chỗ, nghỉ qua đêm. Lúc 23h ngày 29/4, tức tám tiếng trước giờ diễn ra lễ chính thức, hàng nghìn người đã tập trung tại Bến Bạch Đằng chờ xem diễu binh. Liên tục sau đó, dòng người đổ về ngày càng đông, biển người, xe kẹt cứng kéo dài hàng km, đặc biệt khu vực Nguyễn Huệ, chân cầu Ba Son, đường Tôn Đức Thắng. Hai bên đường, người dân ngồi, nằm chờ xem diễu binh từ đêm, khiến đường kẹt cứng. Nhiều trục đường không còn một chỗ trống.
Sáng sớm nay, Bến Bạch Đằng đông nghịt người dân, xe chở các đoàn diễu binh phải nhích từng chút một để vào khu vực lễ đài trên đường Lê Duẩn cách đó 2 km, cảnh sát giao thông và lực lượng phải hỗ trợ.
Dù trước đó đã ba lần xem hợp luyện, tổng duyệt song từ 2h sáng nay, chị Thanh Bình ở quận 7 đã có mặt ở khu vực khán đài để theo dõi lễ kỷ niệm sáng 30/4. Theo chị Bình, được trực tiếp xem lễ kỷ niệm, diễu binh, diễu hành là vinh dự lớn lao nên "không bỏ sót buổi nào".
Ngoài 300 cựu chiến binh ngồi dự ở khán đài, nhiều cựu chiến theo dõi diễu binh, diễu hành dọc các tuyến đường, tại các điểm cầu. Tại điểm cầu Gia Lai, cựu binh Lê Văn Cữ xúc động nói cảm thấy may mắn vì mình vẫn còn sống qua cuộc chiến tranh và lúc này ông nhớ đến đồng đội của mình.

Bến Bạch Đằng đông nghịt người chào đón đoàn diễu binh đi qua. Ảnh: Thành Nguyễn
Anh Bill Birtles, phóng viên đài truyền hình ABC của Australia, cho biết đã tới TP HCM từ văn phòng đại diện ở Jakarta, Indonesia từ 4 ngày trước để chuẩn bị tác nghiệp buổi diễu binh. "Tôi thấy bầu không khí thật tuyệt vời, rất đông người dân đã đến từ sớm", anh Bill nói.
7h15, Tổng Bí thư Tô Lâm đọc diễn văn "Kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước", khẳng định với chủ trương khép lại quá khứ, tôn trọng khác biệt, hướng tới tương lai, toàn đảng, toàn dân và toàn quân cùng ra sức phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, hạnh phúc, giàu mạnh và phát triển.
Theo Tổng Bí thư, năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc như biểu tượng sáng ngời của chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là thắng lợi của chính nghĩa, thắng lợi của bản lĩnh, khí phách và trí tuệ Việt Nam; của lòng yêu nước nồng nàn, khát vọng độc lập, tự do và thống nhất non sông, với chân lý "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một".
Sau 50 năm thống nhất đất nước, gần 40 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước đã vượt qua nhiều khó khăn để có được vị thế như hôm nay. Quy mô nền kinh tế năm 2024 đứng thứ 32 thế giới và nằm trong nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại và thu hút đầu tư nước ngoài. Đời sống của người dân được cải thiện rõ rệt, tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hiện chỉ còn 1,93% so với mức hơn 60% năm 1986.
Quan hệ đối ngoại được mở rộng, đến nay Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 194 nước là thành viên Liên hợp quốc; xây dựng các mối quan hệ hợp tác, đối tác chiến lược, đối tác chiến lược toàn diện với tất cả cường quốc trên thế giới, trong đó có Mỹ và năm 2025 cũng là năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - Mỹ.
Theo Tổng Bí thư, đất nước đang đứng trước khởi điểm lịch sử mới để đưa đất nước vươn mình, cất cánh, "sánh vai với các cường quốc năm châu". Để hiện thực hóa khát vọng xây dựng nước Việt Nam "hơn mười ngày nay", cần phải giải phóng toàn bộ sức sản xuất, khơi thông mọi nguồn lực, phát huy mọi tiềm năng, thế mạnh của đất nước để thúc đẩy mạnh mẽ phát triển kinh tế - xã hội.
"Nhận thức sâu sắc sức mạnh vĩ đại không gì sánh nổi của nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam, chúng ta quán triệt sâu sắc, thực hiện nhất quán quan điểm 'dân là gốc', con người là trung tâm, là chủ thể, là mục đích của công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc", Tổng Bí thư nói.

Tổng Bí thư Tô Lâm đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm "50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước". Ảnh: Đức Đồng
Ông yêu cầu phải triển khai mạnh mẽ chính sách hòa hợp, hòa giải dân tộc với tinh thần chúng ta đều mang dòng máu Lạc Hồng, đều là anh em ruột thịt, "như cây một cội, như con một nhà". Tất cả người Việt Nam đều là con dân nước Việt, đều có quyền sống, làm việc, quyền tự do mưu cầu hạnh phúc và yêu thương trên mảnh đất quê hương, đều có quyền và trách nhiệm góp sức xây dựng Tổ quốc.
Với chủ trương khép lại quá khứ, tôn trọng khác biệt, hướng tới tương lai, toàn đảng, toàn dân và toàn quân cùng ra sức phấn đấu xây dựng một nước Việt Nam hòa bình, thống nhất, hạnh phúc, giàu mạnh và phát triển.
Bài diễn văn của Tổng Bí thư nhận được tràng vỗ tay lớn từ khán đài. Nhiều cựu chiến binh, người dân theo dõi bày tỏ xúc động với tinh thần hòa giải, hòa hợp dân tộc cũng như mục tiêu của Đảng, Nhà nước đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới.
8h5, thượng tướng Nguyễn Văn Nghĩa, Phó tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam điều hành lễ diễu binh, diễu hành.
Sau quân lệnh dõng dạc "Nghiêm! Lễ diễu binh, diễu hành bắt đầu!" của thượng tướng Nghĩa là phần trình diễn được chờ đợi nhất của lễ diễu binh, diễu hành năm nay là màn trình diễn của máy bay tiêm kích Su-30 MK2, trực thăng và máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130.
Dẫn đầu là 10 trực thăng Mi-8T, Mi-17, Mi-171 bay đội hình 3-4-3 kéo cờ Đảng, cờ Tổ quốc cất cánh từ sân bay Biên Hòa vào lúc 7h30 và bắt đầu tiến vào địa phận TP HCM, bay qua vùng trời trung tâm thành phố. Đây là những loại máy bay được sử dụng trong các nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, vận chuyển quân sự, tìm kiếm cứu nạn và huấn luyện phi công.
Tiếp nối, các máy bay huấn luyện chiến đấu Yak-130 đồng loạt bay lượn trên bầu. Đây là dòng phi cơ có khả năng bay trong mọi điều kiện thời tiết, được trang bị vũ khí hiện đại, phục vụ cho việc huấn luyện và trực ban chiến đấu.
Điểm nhấn ấn tượng nhất 7 tiêm kích Su-30MK2 xuất phát từ sân bay Biên Hòa lúc 7h30, khi đến trung tâm thành phố, 3 "hổ mang chúa" tách nhóm, chao lượn và đồng loạt thả bẫy nhiệt tại khu vực gần Bitexco 68 tầng - tòa nhà cao thứ hai tại TP HCM. Mỗi tiêm kích bắn 48 quả đạn nhiễu. Màn trình diễn nhận được sự reo hò, thích thú từ người xem.

Tiêm kích thả bẫy nhiệt trên bầu trời TP HCM, sáng 30/4. Ảnh: Hoàng Việt
Xét về quy mô, đây là lần đầu tiên có nhiều phương tiện quân sự tham gia trình diễn nhất. Trước đó, các lễ duyệt binh vào tháng 1/1955 nhân dịp kỷ niệm Giải phóng Thủ đô Hà Nội; tháng 5/1975 Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước và lần thứ ba vào tháng 9/1985 nhân kỷ niệm 40 năm Quốc khánh sử dụng nhiều khí tài, phương tiện quân sự như máy bay, xe tăng, pháo, tên lửa...
Sau màn trình diễn của 23 tiêm kích, trực thăng, các khối diễu binh lần lượt tiến vào lễ đài trước Hội trường Thống Nhất (Dinh Độc Lập) trong tiếng vỗ tay, chào mừng của hàng nghìn người trong khu vực khán đài và cả trăm nghìn người đã chờ đợi xuyên đêm dọc các tuyến phố.
Dẫn đầu là khối cờ Đảng và cờ Tổ quốc, tiếp nối là các diễu binh, đại diện cho các đơn vị thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Dân quân tự vệ và lực lượng vũ trang các địa phương...
Với 12 khối diễu hành do UBND TP HCM phụ trách, lần đầu tiên có Khối tôn vinh các Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động và nhân chứng lịch sử tiêu biểu, người trẻ tuổi nhất nay đã 82 tuổi. Và cũng lần đầu trong khối diễu hành có 120 kiều bào tiêu biểu.
Đây cũng là lần đầu tiên, Việt Nam mời Trung Quốc, Lào và Campuchia cử quân nhân tham gia diễu binh trong một sự kiện chính trị trọng đại. Theo lãnh đạo Bộ Quốc phòng, đây là những bạn bè quốc tế đã dành sự giúp đỡ chí nghĩa, chí tình đối với cách mạng Việt Nam và thể hiện tinh thần hợp tác, hữu nghị giữa các quốc gia trong thời đại mới.
Đoàn diễu binh xuất phát ở giao lộ Lê Duẩn - Nguyễn Bỉnh Khiêm tiến đến Hội trường Thống Nhất sau đó qua nhiều đường ở quận 1. Thành phố cũng tiếp phát trực tiếp lễ qua 21 màn hình LED lớn lắp trên tuyến đường trung tâm và một số quận để người dân được xem nếu không tiếp cận được các vị trí có đoàn đi qua.

Khối 5 cánh quân đi qua khu vực trụ sở UBND TP HCM, phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: Phùng Tiên
Khi các khối diễu binh rẽ ra bốn hướng, đi qua các tuyến đường trung tâm đã nhận được sự chào đón nồng nhiệt của người dân. "Diễu binh giữa vòng tay nhân dân", "Đi giữa nhân dân"... là những cụm từ được sử dụng nhiều nhất để mô tả cho không khí, cảm xúc khi các khối diễu binh đi qua.
Đón đoàn diễu binh ở khu vực gần chợ Bến Thành, Trâm Anh sống ở TP HCM nói "Đây là Tết thống nhất" vui nhất, từng giây, từng khoảnh khắc đều đáng nhớ. Tương tự, cô Vũ Thị Hoàng, từ Vĩnh Phúc vào xem diễu binh và đón đoàn ở Nhà hát Thành phố, nói cảm giác "Tết cũng không vui sướng bằng hôm nay". Mỗi khi thấy các chiến sĩ cô "bồi hồi, xúc động và hạnh phúc".
Cựu chiến binh binh Cao Thế Bạch từng tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh, từ Nghệ An quay lại thành phố sau 50 năm, nói "Sài Gòn thay đổi không thể tưởng tượng được". Ông thấy tự hào vì đã đóng góp công sức, một phần xương máu cho thành phố và đất nước được hòa bình, phát triển.
Cảm xúc người dân trong ngày đại lễ. Video: Nhóm phóng viên
Để có được phần diễu binh, diễu hành sáng 30/4, các khối diễu binh đã luyện tập nhiều tháng, từ giữa tháng 3, các khối đã nhiều lần hợp luyện tại 4 cụm trên khắp cả nước. Đầu tháng 4, các lực lượng di chuyển vào Biên Hòa, Đồng Nai. Tại đây, các khối diễu binh, đội bay tiếp tục luyện tập, hợp luyện sau đó có 4 lần hợp luyện và tổng duyệt ở trục đường Lê Duẩn, các tuyến trung tâm và Hội trường Thống Nhất.
So với 10 năm trước vào dịp kỷ niệm 40 năm thống nhất đất nước, số lượng các buổi hợp luyện nhiều hơn. Điều này giúp cho người dân có cơ hội được xem các lực lượng quân đội, công an, dân quân tự vệ... diễu binh, diễu hành trước khi vào lễ chính thức bị siết chặt an ninh vì lý do an toàn.
Sau hơn hai giờ, tính từ lúc 7h01, khi 21 loạt đại bác được bắn ở Bến Bạch Đằng, lễ kỷ niệm, diễu binh kết thúc, các đoàn đi qua nhiều tuyến đường trung tâm TP HCM, giao lưu với người dân. Đến gần trưa, người dân quyến luyến vẫy cờ, chia tay từng khối diễu binh rời thành phố.
Tối nay, tiếp nối chuỗi các sự kiện mừng 50 năm thống nhất đất nước, TP HCM sẽ bắn pháo hoa tại 30 điểm lúc 21h-21h15. Trong đó có 2 điểm tầm cao tại Khu vực đường hầm sông Sài Gòn (TP Thủ Đức) và Đền Bến Dược (huyện Củ Chi). Ngoài ra, 10.500 drone cũng sẽ trình diễn ở khu vực Bến Bạch Đằng.
Xem diễn biến chính