Bác sĩ Francesca Cortellaro, bệnh viện San Carlo Borromeo ở Milan, Italy là một trong những nhân viên y tế tuyến đầu được chỉ định điều trị cho các bệnh nhân Covid-19. Trong cuộc phỏng vấn với truyền thông quốc tế, cô kể về cuộc đấu tranh giữa các bệnh nhân và đại dịch.
Cortellaro hỏi: "Bạn biết điều gì đau lòng nhất không? Đó là thấy bệnh nhân phải ra đi một mình, lắng nghe khi họ cầu xin bạn cho phép nói lời vĩnh biệt người thân".
Italy là nơi ngoài Trung Quốc đại lục ghi nhận nhiều ca dương tính với Covid-19 nhất, con số đã lên tới hơn 17.000. Trong đó, 1.266 bệnh nhân đã tử vong, hầu hết là người cao tuổi.
"Họ tự cảm nhận được rằng mình sắp qua đời. Nhiều người vẫn minh mẫn, không mắc chứng ngủ rũ. Như thể đang chết đuối vậy, nhưng nó đủ chậm để họ hiểu được tình hình", bác sĩ Cortellaro chia sẻ.
Cô kể lại, gần đây, một bệnh nhân đã yêu cầu cô cho gặp cháu gái của mình trước lúc lâm chung.
"Tôi rút điện thoại ra và gọi cho cô ấy qua video. Họ nói lời từ biệt. Ngay sau đó thì bà ấy qua đời. Giờ đây điện thoại tôi có một danh sách dài các cuộc gọi video. Tôi gọi đó là ‘Danh sách vĩnh biệt’", Cortellaro nói.
Nhiều y bác sĩ tại Italy từng ngày vật lộn với tỷ lệ bệnh nhân tăng vọt. Nỗi sợ hãi đè nặng lên hệ thống chăm sóc sức khoẻ quốc gia vốn được coi là tốt nhất trên thế giới, với lo ngại y tế sẽ không thể theo kịp tốc độ lây lan của virus.
Tại thị trấn Bergamo phía bắc Italy, nhà chức trách buộc phải biến một nghĩa trang thành nhà xác vì họ không thể xử lý lượng bệnh nhân tử vong do Covid-19. Đây cũng là khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề nhất bởi căn bệnh.
Nhà nguyện All Saints được trưng dụng làm nhà xác. Mỗi ngày có khoảng 40 quan tài chuyển đến đây trước khi chôn cất hoặc hoả táng.
Các nhà tang lễ làm việc 24 giờ một ngày nhưng vẫn không thể theo kịp lượng người tử vong. Gia đình của các bệnh nhân thường phải chờ vài ngày trước khi hoả táng.
Chính phủ Italy phong toả toàn bộ đất nước. Các buổi hội họp đông người và lễ tang bị cấm. Điều này cũng có nghĩa là gia đình bệnh nhân thậm chí không thể từ biệt người thân.
Roberto Cosentini, một bác sĩ tại bệnh viện Papa Giovanni XXIII đã ví khu vực Lombardy với "tâm chấn của một trận động đất". Ông cho biết phần lớn bệnh nhân là người cao tuổi. Họ thường ở trong tình trạng nghiêm trọng đến mức cần đặt nội khí quản hoặc thở máy.
"Mỗi buổi chiều lại giống như một cơn địa chấn mới. Các bệnh viện đều tràn ngập bệnh nhân. Nếu không có thêm giường bệnh, bác sĩ hoặc y tá, chúng tôi sẽ không thể cầm cự được lâu hơn", ông nói.
Thục Linh (Theo Sky News)