Ông Lê Quang Biểu, Phó giám đốc Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Đồng Tháp, nhấn mạnh ý trên ở phần phát biểu khai mạc tập huấn chủ đề "Du lịch xanh" - thuộc khuôn khổ Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL 2024 (Mekong Startup Forum - MSF), sáng 7/11.
Trước đó, Tổ chức du lịch Liên Hiệp Quốc cũng xác định "phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh" là con đường tất yếu. Nghiên cứu của Trip Advisor (Mỹ) cho thấy có đến 34% du khách sẵn sàng chi trả thêm để lưu trú ở những khách sạn thân thiện môi trường. 50% khách quốc tế đồng thuận chi thêm cho các công ty lữ hành mang lại lợi ích cho cộng đồng địa phương, đề cao hoạt động bảo tồn thiên nhiên.
"Thực tế, phát triển du lịch xanh không chỉ đóng vai trò quan trọng trong công tác bảo vệ môi trường, giữ gìn tài nguyên, mà còn mang lại giá trị mới cho sản phẩm du lịch, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế, đồng thời duy trì khả năng khai thác lâu dài, bền vững", ông Lê Quang Biểu cho hay.
Việt Nam cũng đề ra nhiều định hướng liên quan tầm nhìn này đến 2030. Điển hình, quyết định số 147/QĐ-TTg chỉ ra: cần phát triển du lịch bền vững và bao trùm, trên nền tảng tăng trưởng xanh; quản lý, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường và đa dạng sinh học; chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng ban hành "Chiến lược quốc gia và kế hoạch hành động" về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, xác định các nhiệm vụ sau: giảm cường độ phát thải khí nhà kính, thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; xanh hóa sản xuất; xanh hóa lối sống và tiêu dùng bền vững.
Theo ông Lê Quang Biểu, ĐBSCL có nguồn tài nguyên phát triển du lịch xanh đa dạng và đậm bản sắc miệt vườn sông nước, tuy nhiên cũng đối mặt không ít thách thức, nhất là chịu ảnh hưởng cả biến đổi khí hậu. Trong bối cảnh đó, nhiều địa phương, doanh nghiệp lẫn người dân buộc phải thích ứng qua những mô hình kết hợp, sáng tạo giữa nông nghiệp và du lịch.
Một trong những mô hình được đánh giá hiệu quả, cải thiện đời sống người dân vùng ngập mặn là du lịch thuận thiên tại cồn Chim (tỉnh Trà Vinh); bà con làm nông nghiệp hữu cơ, thuận theo tự nhiên hình thức "con tôm ôm cây lúa" trong hoạt động du lịch; trồng rừng làm du lịch của anh Phạm Văn Khanh
Điểm đến sinh thái cộng đồng Mười Ngọt (tỉnh Cà Mau) cũng là mô hình du lịch xanh tiêu biểu. Tại đây có 60 ha rừng tràm, trong đó 20 ha là khu bảo tồn nghiêm ngặt, không khai thác nguồn lợi khác, để tạo vùng lõi sinh thái tự nhiên cho ong về.
Ở Đồng Tháp, có nhiều mô hình xanh kết hợp nông nghiệp với du lịch. Điển hình là Việt Mekong Farmstay - "nông nghiệp thuận thiên" hút khách, với diện tích 40.000 m2. Nông trại nghỉ dưỡng này được phát triển trên nền tảng đa dạng sinh học và văn hóa địa phương. Bao quanh không khí trong lành là đồng súng trắng, sen hồng, cỏ xanh hay lúa ma (lúa trời).
Lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể Thao và Du lịch Đồng Tháp cũng nhắc đến mô hình sản xuất nông nghiệp tuần hoàn kết hợp trữ cá đồng tự nhiên (kèm khám phá, tham quan) của hợp tác xã Quyết Tiến... Tất cả đều phát triển du lịch dựa trên tài nguyên bản địa cùng định hướng bền vững.
Khép lại bài phát biểu, ông Lê Quang Biểu tiếp tục nhấn mạnh: "Phát triển Du lịch xanh theo hướng tăng trưởng xanh không chỉ là xu thế, mà còn thiết thực hành động bảo vệ môi trường, tôn trọng văn hóa bản địa và cộng đồng địa phương. Chính điều này mang lại giá trị lâu dài, bền vững trong phát triển du lịch".
Buổi tập huấn "Du lịch xanh" nằm trong khuôn khổ "Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL 2024" (Mekong Startup Forum - MSF), tổ chức trực tiếp tại hội trường UBND tỉnh Đồng Tháp, kết hợp trực tuyến qua Zoom. Chương trình thu hút sự quan tâm của các doanh nghiệp, đơn vị khởi nghiệp, tổ chức đổi mới sáng tạo.
Lịch trình Mekong Startup 2024 gồm các lớp tập huấn về chuyển đổi xanh, Cuộc thi Sáng kiến Mekong 2024 và triển lãm - trưng bày - hội thảo chủ đề "Kinh tế xanh - Động lực mới cho phát triển". Sự kiện dự kiến thu hút hơn 350 đại biểu từ Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương, chuyên gia lẫn doanh nghiệp.
Diễn đàn khởi nghiệp ĐBSCL lần một 2022 hút hơn 1.000 đại biểu, là cơ hội chia sẻ tầm quan trọng việc phát triển bền vững, giảm tác động biến đổi khí hậu, tạo động lực mới, đồng thời thúc đẩy loạt sáng kiến, giải pháp biến mục tiêu kinh tế xanh, đổi mới sáng tạo thành hiện thực. Ngay sau Mekong Startup, các địa phương triển khai nhiều chương trình hành động thiết thực.
Đông Vệ