Ngày 18/12, Cơ quan Cảnh sát điều tra (C03, Bộ Công an) cho biết đã khởi tố ông Việt cùng một số thuộc cấp gồm: Hồ Thị Thanh Thảo (thủ quỹ, kiêm cửa hàng trưởng Âu Lạc), Phan Tôn Noel Thảo (trợ lý tài chính), Trần Thị Hồng (nhân viên kinh doanh) để làm rõ nghi vấn phạm tội Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng.
Cùng tội danh, C03 khởi tố ông Phạm Duy Tuyến (Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hải Dương - CDC tỉnh Hải Dương) và Nguyễn Mạnh Cường (nguyên kế toán trưởng CDC Hải Dương). Ông Tuyến trước đó bị Sở Y tế Hải Dương tạm đình chỉ công tác để phục vụ điều tra.
Điều tra ban đầu xác định, tháng 4/2020, Công ty Cổ phần công nghệ Việt Á được Bộ Y tế cấp phép đăng ký lưu hành sản phẩm kit xét nghiệm Covid-19. Đến nay, doanh nghiệp đã cung ứng kit cho CDC và các cơ sở y tế khác của 62 tỉnh, thành phố, doanh thu gần 4.000 tỷ đồng.
Lợi dụng tính cấp bách về nhu cầu test Covid-19, sản phẩm thuộc danh mục được áp dụng chỉ định thầu rút gọn, bị can Việt đã chủ động cung ứng thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế trước cho các bệnh viện, CDC các tỉnh, thành phố sử dụng. Việt sau đó thông đồng với lãnh đạo CDC để hợp thức hồ sơ chỉ định thầu bằng cách sử dụng các pháp nhân trong hệ thống lập hồ sơ chào hàng sản phẩm, xác nhận khống báo giá cao hơn nhiều so với giá thành sản xuất, nhà chức trách cáo buộc.
Để được cung ứng trước thiết bị, vật tư y tế, tiêu thụ số lượng lớn, thanh quyết toán theo giá do Việt Á đề nghị, Việt còn thỏa thuận chi cho lãnh đạo các đơn vị mua hàng với số tiền lớn. Nhằm thu lợi nhuận bất chính và chi tiền ngoài hợp đồng, Việt cùng các nhân viên Việt Á nâng khống giá thiết bị, chi phí nguyên vật liệu đầu vào, xác định giá bán là 470.000 đồng/kit.
C03 cho biết đã làm rõ sai phạm trong việc Công ty Việt Á bán kit xét nghiệm Covid-19 cho CDC Hải Dương thông qua 5 hợp đồng với tổng giá trị 151 tỷ đồng. Việt còn chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng cho Giám đốc CDC Hải Dương gần 30 tỷ đồng.
Cơ quan điều tra xác định hành vi của Việt, Tuyến cùng các bị can khác đã vi phạm nguyên tắc công bằng, minh bạch trong hoạt động đấu thầu. Cảnh sát đã phong tỏa, ngăn chặn, kê biên nhiều tài khoản, sổ tiết kiệm của Việt và các bị can thuộc Công ty Việt Á trị giá hơn 320 tỷ đồng, 100.000 USD, 20 bất động sản ở TP HCM, Hà Nội và các địa phương khác; 8 bất động sản của ông Tuyến...
C03 đang điều tra mở rộng với các cá nhân, đơn vị liên quan để làm rõ yếu tố tư lợi và rà soát, kê biên tài sản.
Trước đó, trả lời báo chí, ông Việt cho hay Bộ Y tế và Chăm sóc xã hội Anh đã cấp giấy chứng nhận đạt tiêu chuẩn châu Âu (CE) và giấy chứng nhận lưu hành tự do (CFS) cho bộ sản phẩm xét nghiệm Covid-19. Bộ kit này do Học viện Quân y và Công ty Việt Á phối hợp sản xuất. Theo chứng nhận, bộ kit có thể bán tự do ở tất cả quốc gia thành viên của khu vực kinh tế châu Âu, bao gồm Anh.
Ông Việt nói năng lực sản xuất của Việt Á đạt khoảng 10.000 bộ một ngày. Chi phí sản xuất bộ kit xét nghiệm đã được tài trợ nên giá chỉ khoảng 400.000-600.000 đồng/test. Một bộ kit gồm 50 test, dùng 50 lần cho 50 bệnh nhân.
Trước tháng 7, chi phí xét nghiệm được Bộ Y tế công bố với test nhanh là 238.000 đồng một mẫu; 734.000 đồng với PCR. Sau tháng 7, khi Bộ Y tế cho phép các cơ sở y tế thanh toán theo hình thức thực thanh thực chi dựa trên kết quả đấu thầu kit của các địa phương, chi phí test nhanh tại các cơ sở y tế dao động 150.000-300.000 đồng. Chi phí xét nghiệm PCR là 700.000-800.000 đồng một mẫu đơn; mẫu gộp 10 khoảng 200.000 đồng một mẫu...
Hiện Bộ Y tế đã cấp phép cho 97 kit test Covid-19, trong đó 35 loại kit test nhanh và 39 loại kit test PCR. Ngoài 3-4 doanh nghiệp sản xuất kit test nhanh trong nước, hiện có thêm 30 doanh nghiệp được phép nhập khẩu.
Tuy nhiên, ngược lại với công bố, nhiều doanh nghiệp phản ánh từng trả chi phí xét nghiệm cao hơn so với mức quy định của Bộ Y tế (238.000 đồng một xét nghiệm test nhanh). Trước thông tin "loạn" giá kit và chi phí xét nghiệm, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ việc giá kit xét nghiệm bị đẩy lên cao và xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.