Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ngày 25/2 thông báo ông dự kiến thăm Trung Quốc vào đầu tháng 4. Kế hoạch được tiết lộ một ngày sau khi Bắc Kinh công bố lập trường về đàm phán hòa bình và giải pháp chính trị cho xung đột giữa Nga và Ukraine, trùng với mốc thời gian tròn một năm chiến sự bùng phát.
Tổng thống Macron nhận định Trung Quốc tham gia vào nỗ lực hòa bình ở Ukraine là diễn biến tích cực, song nhấn mạnh rằng viễn cảnh hòa bình chỉ khả thi nếu Nga chấm dứt chiến dịch, rút quân, tôn trọng chủ quyền lãnh thổ và nhân dân Ukraine.
Lãnh đạo Pháp kêu gọi Trung Quốc không gửi cho Nga "bất kỳ vũ khí nào". Ông muốn thuyết phục Bắc Kinh giúp "gây áp lực với Nga để đảm bảo nước này không bao giờ sử dụng vũ khí hóa học hay vũ khí hạt nhân, ngừng tấn công trước khi ngồi vào bàn đàm phán".
Trung Quốc chưa bình luận về những phát biểu này.
Chính phủ Trung Quốc ngày 24/2 công bố tài liệu 12 điểm về tìm kiếm giải pháp chính trị cho xung đột Nga - Ukraine, kêu gọi các bên hỗ trợ Moskva và Kiev nối lại đàm phán hòa bình càng sớm càng tốt.
Theo tài liệu, Trung Quốc phản đối hành động sử dụng lẫn đe dọa sử dụng vũ khí hạt nhân. Lập trường của Trung Quốc cũng nhấn mạnh phương diện bảo vệ người dân vô tội, đồng thời phản đối các lệnh cấm vận đơn phương không được Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc thông qua.
Nga hoan nghênh đề xuất giải quyết xung đột với Ukraine mà Trung Quốc đưa ra. Moskva khẳng định sẵn sàng dùng biện pháp chính trị và ngoại giao để đạt mục tiêu ban đầu trong chiến dịch. Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky dự định gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình để thảo luận chi tiết kế hoạch hòa bình.
Mỹ cùng đồng minh hoài nghi kịch bản Trung Quốc trở thành trung gian đàm phán vì lo ngại quan hệ gần gũi giữa Bắc Kinh và Moskva, trong khi một số lãnh đạo châu Âu lo ngại lập trường của Trung Quốc chưa thể hiện đủ mức trung lập.
Thanh Danh (Theo AFP)