"Năng lực sản xuất đạn pháo của phương Tây hiện không đủ đáp ứng nhu cầu của Ukraine, dù chỉ với mục đích phòng thủ. Lượng đạn pháo họ cung cấp trong tương lai cũng không thể giúp Ukraine chiếm ưu thế trước Nga về hỏa lực", Michael Kofman và Dara Massicot, hai chuyên gia tại Viện nghiên cứu Hòa bình quốc tế Carnegie, cùng Rob Lee, nhà phân tích tại Viện nghiên cứu Chính sách Đối ngoại, bình luận trong bài viết ngày 31/1.
Cuối năm 2022, khi Mỹ chuyển giao pháo phản lực phóng loạt HIMARS cho Ukraine, mẫu vũ khí tầm xa có độ chính xác và uy lực cao này đã nhanh chóng chứng tỏ giá trị khi nhiều lần được Kiev sử dụng để tập kích, phá hủy các khí tài quan trọng của Nga trên tiền tuyến.
Điều này đã phần nào giúp Ukraine đối phó với ưu thế áp đảo về số lượng của pháo binh Nga. Sự cơ động của HIMARS với tính năng "bắn và chạy" cũng giúp nó khó bị nhắm mục tiêu và tới nay vẫn chưa có tổ hợp nào bị Nga phá hủy, theo giới chuyên gia phương Tây.
Tuy nhiên, lực lượng Nga dường như đã thích nghi được với các đợt tập kích bằng pháo HIMARS của Ukraine trong năm 2023. Tướng Valery Zaluzhny, tư lệnh quân đội Ukraine, tháng trước cho biết Nga đã di chuyển nhiều khí tài giá trị cao của họ ra khỏi tầm bắn của HIMARS, khiến lực lượng Ukraine gặp nhiều khó khăn khi muốn tấn công chúng.
Việc Moskva tăng cường thêm nhiều hệ thống tác chiến điện tử ra tiền tuyến cũng khiến các loại đạn dẫn đường, trong đó có rocket của HIMARS, trở nên kém hiệu quả hơn trước. Đây là những vấn đề mà phương Tây cần phải cân nhắc kỹ khi lên kế hoạch viện trợ quân sự cho Ukraine trong năm nay, theo Kofman.
Trong bối cảnh HIMARS suy giảm hiệu quả, Ukraine cũng đối mặt với tình trạng thiếu nghiêm trọng đạn pháo thông thường trên toàn tiền tuyến, khiến họ dần bị lực lượng Nga áp đảo về hỏa lực. Theo báo cáo công bố hồi đầu tháng của Viện Nghiên cứu Quốc phòng và An ninh Hoàng gia Anh (RUSI), lực lượng Ukraine hiện khai hỏa hơn 2.000 quả đạn pháo một ngày, trong khi quân đội Nga đang bắn gấp 5 lần con số đó.
Điều này trái ngược hoàn toàn với tình cảnh trước đó một năm, thời điểm lượng đạn pháo binh sĩ Nga khai hỏa mỗi ngày được cho là thấp hơn 1,5 lần đối phương.
Theo các chuyên gia, Ukraine hè năm ngoái đã không thể xuyên thủng được phòng tuyến Nga dù khi đó chiếm ưu thế về đạn pháo, nên lực lượng nước này sẽ rất khó có thể làm tốt hơn trong bối cảnh tình thế đã đảo ngược.
Họ cho rằng Ukraine sẽ không thể tiếp tục phụ thuộc vào pháo binh, bao gồm pháo HIMARS, để đối đầu với lực lượng Nga khi xung đột kéo dài và cần được tăng cường "các lợi thế mới".
"Bên cạnh hỏa lực pháo binh, họ sẽ cần được bổ sung máy bay không người lái (UAV) và các năng lực tấn công chính xác khác trong tương lai", các chuyên gia viết. "Họ cần lên kế hoạch tác chiến phù hợp dựa trên kinh nghiệm đúc rút từ tình hình chiến sự trong năm 2023, cũng như phải tính toán trước năng lực thích ứng và đổi mới công nghệ của đối phương".
HIMARS là pháo phản lực phóng loạt tự hành đặt trên khung gầm bánh lốp, có khả năng tấn công mục tiêu với độ chính xác cao. Xe bệ phóng HIMARS có thể đạt tốc độ tối đa 85 km/h và nhanh chóng rời khỏi vị trí khai hỏa để tránh bị phản pháo. Mỹ đã chuyển giao khoảng 20 tổ hợp cho Ukraine.
Ngoài pháo HIMARS, Washington và đồng minh cũng đã cung cấp cho Kiev một số loại đạn dẫn đường chính xác như tên lửa hành trình Storm Shadow/SCALP-EG và Tên lửa Chiến thuật Lục quân (ATACMS). Chúng đã được lực lượng Ukraine sử dụng để gây thiệt hại không nhỏ cho đối phương trong năm 2023.
Tuy nhiên, số lượng đạn dẫn đường chính xác mà Kiev sở hữu còn khá hạn chế, chưa đủ để đáp ứng nhu cầu chiến sự ngày càng tăng. Pháp hôm 16/1 thông báo sẽ chuyển thêm cho Ukraine 40 tên lửa SCALP-EG, song vẫn chưa có dấu hiệu nào cho thấy Mỹ sẽ viện trợ cho Kiev thêm tên lửa ATACMS. Đức tới nay cũng chưa chấp thuận chuyển giao cho Ukraine tên lửa hành trình tầm xa TAURUS, do lo ngại có thể làm leo thang xung đột.
Phạm Giang (Theo Business Insider, War in the Rocks)