Vài tháng trước, gần nửa lượng khách quốc tế đến Nga là người Trung Quốc. Đến tháng một, những đoàn khách Trung Quốc biến mất khỏi đường phố Moskva và St Petersburg sau khi Nga cấm công dân nước láng giềng nhập cảnh, vì Covid-19.
Chương trình miễn visa khi nhập cảnh dành cho các đoàn khách Trung Quốc vào năm 2015 đã mở đường cho ngành du lịch Trung Quốc phát triển bùng nổ tại Nga. Đến năm 2018, lượng khách đến Nga vượt 2 triệu lượt, theo Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc.
Dù đại dịch là thảm hoạ cho du lịch Nga, một bộ phận người trong ngành lại có quan điểm khác về những tổn thất khi vắng khách Trung Quốc. Đó chính là những doanh nghiệp từng hái ra tiền từ nguồn khách này, nhưng lại bị đánh bật khỏi thị trường bởi những nhà điều hành tour Trung Quốc sẵn sàng phá giá và lách luật.
Với những doanh nghiệp này, ngay cả trước khi đại dịch bùng phát, vận may Trung Quốc chưa bao giờ như viễn cảnh họ kỳ vọng.
Vài hướng dẫn viên người Nga biết tiếng Trung than thở về chuyện khách Trung Quốc đột ngột biến mất. Trái lại, họ hy vọng đến thời điểm khách Trung Quốc trở lại, một đạo luật sẽ được thông qua để chỉ người Nga mới được phép làm hướng dẫn viên cho thị trường này. Chỉ nhờ vậy, họ mới có thể kiếm sống từ du lịch Trung Quốc một lần nữa, trong khi khách có thể lại tận hưởng những trải nghiệm chất lượng cao, thay vì đi tour bị cắt xén đến "trơ xương".
Nga là một điểm đến phổ biến với rất nhiều người Trung Quốc, đặc biệt là thế hệ cao tuổi có nhiều tình cảm với quốc gia này. Bởi, Liên Xô từng là người anh cả của Trung Quốc, nên giới trí thức thường tinh thông văn học và lịch sử Nga.
Arina Levental là một hướng dẫn viên tiếng Trung có giấy phép tại St Petersburg. Cô bắt đầu dẫn những đoàn khách Trung Quốc đầu tiên đến Nga vào thập niên 90. Levental từng làm cho Katyusha, một công ty lữ hành lớn chuyên thị trường Trung Quốc. Dù thị trường phát triển bùng nổ sau chính sách miễn visa, Katyusha phá sản vào năm 2016, không thể cạnh tranh với mức giá kịch sàn của những đối thủ mới từ Trung Quốc.
Một tour được miễn visa khi nhập cảnh Nga do một đơn vị lữ hành chính thức tại Trung Quốc ghép đoàn, theo Levental. Mọi đoàn khách như vậy từng buộc phải do một công ty nội địa tiếp quản, bên được trả phí dịch vụ. Cộng đồng người Hoa ở Nga nhanh chóng nhảy vào thị trường béo bở này, tự thiết lập các hoạt động tour của riêng họ và bắt đầu dìm giá xuống.
"Giá cho hành trình dài một tuần đến Nga hiện nay khoảng 1.000 USD, trọn gói. Quả là một con số nực cười", Polina Rysakova, hướng dẫn viên tiếng Trung với 20 năm kinh nghiệm, bày tỏ.
Thay vì tính tiền dịch vụ, những công ty này trả tiền cho các đơn vị lữ hành tại Trung Quốc để gửi khách sang. Để kiếm tiền, họ tiếp tục chuyển chi phí cho những người mang danh "hướng dẫn viên xám".
"Về cơ bản đó là một mô hình kim tự tháp", Rysakova lý giải. Bà cho hay, những nhà điều hành tour Trung Quốc tại Nga quảng cáo để tuyển thêm người Nga gốc Hoa làm hướng dẫn viên, hứa hẹn về mức hoa hồng khổng lồ từ những khoản mua sắm mỹ phẩm, hổ phách và vàng của khách.
Những hướng dẫn viên này phải nộp lệ phí ban đầu từ 15.000 đến 20.000 USD một người cho phía công ty tour. Thêm vào đó là "thuế" khoảng 20 USD mỗi khách trong đoàn. Nếu họ không thể trả từ đầu, những khoản này sẽ biến thành nợ. Những hướng dẫn viên xám sẽ không ngần ngại kéo khách vào các hàng lưu niệm, phần lớn do các công ty lữ hành của người Trung Quốc sở hữu. Mức hoa hồng tiêu chuẩn cho hướng dẫn là 30% tổng hóa đơn của cả đoàn.
"Rất nhiều người lâm vào cảnh nợ chính công ty tour vào cuối mùa du lịch. Chúng tôi thấy những dòng thông báo bằng tiếng Trung của các hướng dẫn viên bán ôtô, thậm chí là rao bán nhà, để trả khoản nợ này", Rysakova nói. Mùa tiếp theo, những hướng dẫn viên mới sẽ lại được tuyển dụng.
Các hướng dẫn viên chuyên nghiệp người Nga từ chối hoạt động theo hệ thống này, và lao động không được trả lương là trái phép theo luật pháp Nga. Vài năm qua, 400 hướng dẫn viên tiếng Trung hợp pháp người Nga đã mất việc, theo Rysakova.
Bà Rysakova cho rằng, các nhà chức trách không thể chứng minh một hướng dẫn viên xám là lao động được trả lương. Cùng các hướng dẫn viên khác, gần đây bà bắt đầu một Phòng Nghiên cứu du lịch Trung Quốc. Họ xác định danh tính các hướng dẫn xám và cố gắng phanh phui hoạt động của những người này.
Levental nói: "Vẫn có những hướng dẫn viên người Trung Quốc tốt nghiệp đại học tại Nga, sống tại đây và nói tiếng Nga lưu loát. Họ là những hướng dẫn viên tuyệt vời. Nhưng các công ty Trung Quốc không thích những người như vậy, vì họ từ chối làm việc theo điều kiện trên".
"Những công ty du lịch này cần những tay lừa đảo, chứ không cần hướng dẫn viên. Thị trường có thể mở rộng, nhưng chỉ một số ít có thể kiếm tiền từ đó", một cựu hướng dẫn viên ẩn danh nhận định.
Theo điều tra của Fontanka.ru, tờ báo tại St Petersburg, một con phố trong thành phố này có toàn những tiệm hổ phách chỉ đón các đoàn khách Trung Quốc. Người Nga xuất hiện ở đây sẽ nhanh chóng bị yêu cầu rời đi vì lý do an ninh. Giá cả tại những cửa hiệu này vô cùng đắt, còn nguồn gốc của hàng hóa lại mập mờ.
Những hướng dẫn viên xám tại St Petersburg phối hợp với chủ hàng đá quý và rút cạn hầu bao của các đoàn khách, bằng những câu chuyện bất tận về công dụng chữa bệnh kỳ diệu của hổ phách. "Đã đến Nga phải mua hổ phách!", Levental giễu lại một lời quảng cáo.
Hiện giờ, khi không còn khách Trung Quốc trên đường phố, những hiệu hổ phách này cũng đóng cửa. Levental dự đoán, một khi lệnh hạn chế công dân Trung Quốc du lịch nước ngoài được gỡ bỏ, phải mất đến hai năm thị trường này mới đạt lượng khách đến như trước đại dịch.
Cô cho rằng, chuyện khách Trung Quốc bị hướng dẫn viên xám "chặt chém" là bình thường. "Có những thương hiệu mỹ phẩm bình dân của Nga, như một chiếc mặt nạ Babushka Agafia giá khoảng 50 rúp (64 cent), nhưng hướng dẫn sẽ bán lại với giá 500 rúp", Levental kể.
Những khách du lịch Trung Quốc bị đối xử tệ bạc cũng hiểu tình cảnh của họ, và trân trọng một hướng dẫn viên thực sự. "Rất nhiều người nói với tôi rằng họ bị kéo đi mua sắm từ hàng này tới hiệu khác, và chẳng biết gì về thành phố", Levental nói.
Cách St Petersburg hơn 1.000 km về phía bắc, giữa vùng Bắc cực thuộc Nga là ngôi làng Teriberka, một trong những điểm đến mới của xứ sở bạch dương. Bộ phim đắt khách Leviathan công chiếu năm 2014 được quay tại đây, và khiến du lịch địa phương bùng nổ. Ngôi làng có phong cảnh tuyệt đẹp với Bắc cực quang huyền ảo sớm hút khách.
Vladimir Onatsky, chủ tịch Hiệp hội Hướng dẫn viên Bắc cực của địa phương, nói về thị trường du lịch Trung Quốc trước khi đại dịch bùng phát như "một cơn lốc xoáy", và cho rằng đó là một nguồn thu tích cực.
"Năm năm trước, chẳng có gì ở đây. Động lực phát triển chính đến từ ngành du lịch Trung Quốc", ông Onatsky nói.
Onatsky ước tính năm ngoái làng đón khoảng 20.000 lượt khách Trung Quốc, phần lớn đến để ngắm cực quang. Ngôi làng chài xơ xác ngày nào giờ có hẳn một nhà máy bia thủ công, quán cà phê mọc lên như nấm và một khách sạn phong cách boutique.
Ngay cả tại một nơi xa xôi như Bắc cực, nhưng những nhà điều hành tour Nga cũng đã dần để mất thị trường Trung Quốc. "Đến năm ngoái, người Trung Quốc thuê các công ty vận tải Nga chở khách đến Murmansk. Giờ có tới 28 xe buýt do một công ty của người Trung Quốc điều hành từ St Petersburg đến đây. Bằng cách nào đó, giá dịch vụ của họ chỉ bằng một phần ba so với giá tour của một công ty Nga", Onatsky tiết lộ.
Một lần nữa, khách Trung Quốc lại là những người chịu thiệt nhất. "Một tour có hướng dẫn trong xe của tôi có giá 12.000 rúp (159 USD) cho bốn người, khởi hành từ Murmansk. Vài người Trung Quốc đi taxi thường từ đó đến đây với giá 3.000 rúp. Họ không có hướng dẫn và không biết sẽ thăm thú gì. Tài xế không biết đường, đường sá vốn đã xấu. Cuối cùng chúng tôi lại phải kéo xe ra vệ đường giúp họ", ông Onatsky chia sẻ.
Covid-19 cũng giáng một đòn mạnh vào chuyện kinh doanh của Onatsky. "Mùa ngắm cực quang kéo dài từ tháng 9 đến tháng 3, vì vậy chúng tôi chỉ mất doanh thu tháng 2 và 3. Dù chủ yếu đón khách Nga và châu Âu, công ty vẫn mất hơn 10.000 USD với thị trường Trung Quốc cho mùa này", ông cho hay.
Onatsky hy vọng khi mùa du lịch bắt đầu vào tháng 9 năm nay, khách Trung Quốc có thể quay lại. Ông chạy những tour nhiếp ảnh chất lượng cao cho thị trường này.
Nhưng những cửa hàng hổ phách nhắm vào khách Trung Quốc gần đây đã xuất hiện tại làng Teriberka. Mô hình này đã lan tới vùng Bắc cực của Nga, nhưng ít nhất, virus đang kiểm soát nó, Onatsky nhận định.
Bảo Ngọc (Theo SCMP)