- Với tư cách một người hâm mộ, ông trông chờ điều gì ở trận ra quân của đội tuyển Việt Nam tại vòng loại thứ ba World Cup 2022?
- Tôi hy vọng đội tuyển có điểm trên sân Saudi Arabia. Đó như một sự ghi nhận cho những nỗ lực của thầy trò Park Hang-seo trong gần một tháng qua, cũng là động lực để họ thêm phấn chấn ở những trận kế tiếp.
- Có ý kiến cho rằng, Việt Nam đi tới vòng loại cuối cùng của World Cup đã là thành công. Các cầu thủ có quyền thi đấu thoải mái, bởi đối thủ đều là các đội mạnh. Ông nghĩ sao về điều này?
- Tôi cho rằng, đã vào sân thi đấu, dù ở bất cứ giải đấu nào, trước bất kỳ đội nào, yếu tố thành tích đều phải được tính đến. Đó mới là bóng đá chuyên nghiệp, chứ không thể coi là một buổi rèn quân chất lượng cao. Chúng ta luôn phải đặt mục tiêu chiến thắng, bởi nếu không, tâm lý sẽ buông lỏng, dễ dẫn đến không đạt mục tiêu.
Lọt vào đến vòng này, bóng đá Việt Nam đạt thêm một cột mốc mới trong lịch sử. Đó cũng là một trải nghiệm quý báu với mọi thành viên, dù trẻ hay kỳ cựu. Tôi tin ông Park sẽ có phương pháp để làm tâm lý cho học trò, làm sao để họ chơi hết sức, tự tin, với tâm lý không sợ hãi như đã thể hiện ở giải U23 châu Á 2018 tại Thường Châu.
Bên cạnh ban huấn luyện, các cầu thủ phải tự nhận thấy trách nhiệm, nghĩa vụ với Tổ quốc. Theo tôi quan sát, họ đã tập nghiêm túc, nỗ lực, và giờ là lúc cụ thể hóa quá trình ấy bằng diễn biến trên sân. Cơ hội lịch sử đã đến, và các cầu thủ phải chứng tỏ là họ xứng đáng với kết quả ấy. Nói như thế, không có nghĩa ép buộc thành tích cho đội tuyển. Việc thắng thua trong một trận đấu phụ thuộc nhiều yếu tố, trong đó có trình độ, bản lĩnh, thể hình, thể lực – những thứ chúng ta chưa bằng so với Saudi Arabia hay sắp tới là Australia. Vì lẽ đó, một trận xem được, làm sao để đối thủ không thể xem thường chúng ta khi hết trận, là thành công.
- Việt Nam có kinh nghiệm phong phú trước các đội Tây Á dưới thời HLV Park Hang-seo. Điều ấy giúp ích thế nào trong một trận đấu cụ thể với Saudi Arabia, đội bóng thường xuyên dự World Cup?
- Trong bóng đá, một cộng một chưa chắc bằng hai. Ngay ở vòng loại thứ hai World Cup vừa rồi, đội tuyển đã thắng UAE 1-0 nhưng ở trận sân khách lại bị cuốn vào lối đá của đối thủ. Rõ ràng, những kết quả trong quá khứ chỉ mang tính tham khảo.
Điểm chung của đội tuyển trong những trận đấu với các đối thủ Tây Á, theo tôi, là phát huy được tinh thần chiến đấu. Đó không hẳn chỉ là thứ vũ khí "kiểu AQ", lao lên bất chấp tất cả, mà còn là những tính toán nhịp nhàng, sao cho đạt được mục tiêu cuối cùng.
Với riêng Saudi Arabia, chắc chắn là Việt Nam sẽ phải phòng ngự chặt, chơi với khối đội hình thấp, tập trung đánh chặn ở giữa sân và trung lộ - nơi Saudi Arabia tập trung bóng để đánh vỗ mặt. Mục đích là để giảm tốc độ trận đấu. Trên cơ sở này, đội tuyển mới lựa thời cơ để tung ra các miếng đánh bất ngờ. Dù vậy, các cầu thủ cần tuyệt đối tuân thủ đấu pháp và không được phép nóng vội trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Saudi Arabia rất mạnh. Họ bất bại ở vòng loại thứ hai World Cup, nhưng vẫn có đặc điểm chung của bóng đá Tây Á, đó là tính kỷ luật chiến thuật chưa tốt. Trong trận đấu, cầu thủ Saudi Arabia vẫn có khoảnh khắc lơ là, chủ quan. Vấn đề là ông Park tận dụng những phút lơ đễnh ấy như thế nào. Chúng ta sẽ chờ đối thủ sơ sẩy, hay chủ động lên sẵn kịch bản để đưa họ vào bẫy. Tất cả đều phải tính toán kỹ lưỡng, nhất là trong bối cảnh cầu thủ Việt Nam dễ bị xuống sức vì thời tiết oi bức tại Tây Á.
- Giấc mơ của người hâm mộ Việt Nam là một ngày nào đó được thấy đội tuyển dự vòng chung kết World Cup. Đụng độ những đội hàng đầu như Saudi Arabia giúp gì cho việc hiện thực hóa giấc mơ ấy?
- Phải khẳng định, giành vé dự World Cup tại châu Á là khó bậc nhất: 47 quốc gia giành tối đa 5 vé. Không chỉ vậy, Việt Nam còn ở Đông Nam Á, khu vực được xem là vùng trũng của bóng đá thế giới. Tố chất gen của chúng ta, cả về sức bền, sức mạnh, độ nhanh đều chưa bằng những vùng như Tây Á hay Đông Á.
Để mường tượng con đường dự World Cup, chúng ta hãy soi vào những môn thi Olympic như bơi, điền kinh. Tại Thế vận hội Tokyo vừa rồi, thành tích tốt nhất của Việt Nam là của VĐV Quách Thị Lan, nhưng cô cũng dừng bước từ vòng bán kết. Tôi nghĩ, khi nào thể thao Việt Nam sản sinh được những chân chạy cạnh tranh ngang ngửa với châu lục và thế giới, bóng đá mới theo đà ấy đi lên.
Tất nhiên, không vì thế mà nền bóng đá chấp nhận ngồi yên, bằng chứng là Việt Nam đã đi tới vòng loại cuối cùng của World Cup. Dù vậy, bóng đá có tính đặc thù. Đó là cả quá trình, song hành cùng sự phát triển của nền kinh tế và nâng cao đời sống người dân.
Hoài Không